Gắn mác xuất xứ hàng hóa thế nào là đúng?

Biên tập viên

Trong thời gian vừa qua, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” ngày càng gia tăng. Việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.

Chưa có tiêu chí xác định rõ ràng

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.

Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu. Nguồn: Internet.

Về cách ghi nhãn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa. Theo đó, Nghị định quy định về cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu. Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương vào đầu tháng 7, nghị định này còn quy định doanh nghiệp, cá nhân lưu thông hàng hoá phải tự xác định thông tin để dán nhãn hàng hoá. Các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ.

Đặc biệt, với sự ra đời của Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (thay thế Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 trước kia), Việt Nam đã có hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa. Theo điều 3, khoản 1, Nghị định số 31 có nêu, "xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng đó”.

Để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng, nhiều quốc gia yêu cầu các công ty đa quốc gia sử dụng “Made in...” (sản xuất tại...) cho các sản phẩm mà đa phần các linh kiện đầu vào cho quá trình lắp ráp được cung ứng từ chính quốc gia đó và “Assembled in...” (lắp ráp tại...) cho các sản phẩm mà đa phần các linh kiện đầu vào được nhập khẩu từ nước ngoài. Chẳng hạn, một chiếc điện thoại Samsung, có pin sản xuất tại Hàn Quốc, được đưa đến Trung Quốc hay Việt Nam lắp ráp thì trên cục pin sẽ được ghi là “Made in Korea, Assembled in...”. Hay nhiều sản phẩm của Apple lắp ráp tại Trung Quốc sẽ được ghi là “Designed by Apple in California, Assembled in China”.

Đối với Việt Nam, hiện đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với những quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan nhưng, theo ông Trần Thanh Hải, lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải lấy ví dụ, để cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D thì phải đáp ứng tỷ lệ 40% nguyên liệu trong ASEAN. Nhưng một sản phẩm có thể có 20% nguyên liệu Malaysia, 15% Indonesia, còn lại 5% của Vệt Nam vẫn sẽ được cung cấp nguồn gốc xuất xứ mẫu D.

"Trong trường hợp các mẫu khác thì việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ cũng không thể nói lên tỷ lệ của Việt Nam mà của cả khu vực" - ông Hải cho biết.

Thực tế, đối với những doanh nghiệp sản xuất có định hướng bài bản, làm ăn lâu dài, quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp thì ngoài việc đảm bảo chất lượng hàng hóa đều rất quan tâm đến vấn đề ghi nhãn hàng hóa và mẫu mã sản phẩm, hàng hóa theo đúng quy định, rõ ràng, đẹp.

“Chính vì vậy chúng tôi đều tư vấn rõ ràng cho các khách hàng rằng các sản phẩm của Hải Âu đều được lắp ráp ở Trung Quốc, tức là Assembled in China. Người tiêu dùng khi mua đều hiểu rất rõ xuất xứ của sản phẩm” – ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng giám đốc Tập Đoàn Hải Âu nhấn mạnh.Tiêu biểu như các sản phẩm của Công ty CP Tập đoàn Hải Âu (Tập đoàn Hải Âu) là máy làm đá viên, máy làm kem tươi, máy đun nước nóng công nghiệp… đều sở hữu các linh kiện được nhập khẩu theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như Mỹ, Pháp, Italia và đặt gia công lắp ráp ở các nhà máy có uy tín tại Trung Quốc.

Được biết, với hơn 200 đại diện thương mại trên cả nước, các sản phẩm của Tập đoàn Hải Âu hiện được đánh giá là phân khúc cao cấp nhất so với các thương hiệu cùng ngành trên thị trường. Và đây cũng là đơn vị duy nhất trong lĩnh vực này xây dựng các Trung tâm chuyên bảo hành sản phẩm. Chế độ bảo hành và thời gian để kỹ thuật viên tới bảo hành cho khách, sự bền bỉ của các sản phẩm của Tập đoàn Hải Âu đang được người tiêu dùng đánh giá là hàng đầu thị trường hiện nay.

Sớm xây dựng bộ quy tắc xuất xứ hàng hóa

Tại buổi tọa đàm "Thế nào là Made in Vietnam?" mới diễn ra gần đây, bà Bùi Kim Thùy - đại diện đến từ Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, đừng lấy "Made in Vietnam" ra để đong đếm lòng yêu nước. Mọi người vẫn quen với việc ghi "Made in" đâu đó trên nhãn hàng hóa. Nhưng thực tế, chuỗi cung ứng toàn cầu đã rất đầy đủ cho phép doanh nghiệp sản xuất "Made in the world".

“Do vậy, với bất kỳ một quy tắc xuất xứ nào, quy định công đoạn gia công trên lãnh thổ một quốc gia, vùng thì hoàn toàn có thể ghi "Made in..." hay "Assembled…" tại nơi đó”- bà Bùi Kim Thùy nhấn mạnh.

Cần sớm xây dựng quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - trong buổi chia sẻ với báo chí vào đầu tháng 7 - cũng cho biết, với đặc thù của chuỗi sản xuất toàn cầu hiện nay, doanh nghiệp nhiều khi nhập hàng nghìn chi tiết, linh kiện từ khắp nơi trên thế giới nên không dễ xác định xuất xứ. Do đó, nhiều nhà sản xuất sẽ ghi là "Made by Samsung" hoặc "Made by Nokia", tức ghi thông tin sản xuất bởi chính tên hãng đó. Đó là cách ghi trung thực, thể hiện thông tin như "được sản xuất tại…", "được sản xuất bởi…", hoặc "lắp ráp bởi"… "Rõ ràng với dây chuyền sản xuất hiện đại với chuỗi cung ứng toàn cầu trải dài nhiều nước, rất khó xác định xuất xứ chính xác cho sản phẩm. Nên các nước cho phép doanh nghiệp được thông tin phù hợp nhất với đặc thù sản xuất" – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Hiện, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng một bộ quy định về việc thế nào thì được coi là "sản xuất tại Việt Nam", để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước. Khi có dự thảo về vấn đề quy định xuất xứ hàng Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ công bố và xin ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp, người tiêu dùng làm sao để thực tế và ngăn chặn gian lận thương mại.

Sau một khoảng thời gian thực hiện, khi quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam dần được hình thành trong nhận thức xã hội, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tổng kết, đánh giá và báo cáo Chính phủ để áp dụng bắt buộc ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đối với một số mặt hàng cụ thể nhằm bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất "Made in Viet Nam" đang là một nhu cầu cấp bách. Hy vọng với sự ra đời của khung pháp lý về vấn đề này, sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sẽ tự tin hơn nữa khẳng định chất lượng, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và thế giới.

Theo Báo Công thương