Gia cảnh khó khăn của người đàn ông liều mạng bắt rắn mưu sinh

Thảo Huyền

Anh Phan Văn Tâm vốn không có nhiều hiểu biết về nghề săn bắt rắn nhưng gần đây, anh vẫn phải liều mạng hành nghề để có tiền lo cho con nhỏ. Trước đó, anh đặt lưới với mục đích bắt những loại rắn thông thường, nọc độc không nguy hại. Thế nhưng, lần đầu bắt được con rắn có kích thước lớn, anh Tâm đã phải đối diện với tai nạn thập tử nhất sinh.

Người đàn ông bị rắn dài gần 3m tấn công

Ngày 21/8, liên quan đến tình trạng sức khỏe của anh Phan Văn Tâm (SN 1982, ngụ ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), đi bắt rắn bị cắn phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (khoa Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết, bệnh nhân đã tỉnh, sức cơ tứ chi đã hồi phục hoàn toàn, làm được theo y lệnh của bác sĩ. Ngoài ra, đồng tử của bệnh nhân đã về tình trạng bình thường, mắt có phản xạ ánh sáng tốt. Anh Tâm không còn cần sử dụng máy thở, tự thở được qua ống nội khí quản.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, hiện tại, bệnh nhân đang được theo dõi các biến chứng tim mạch, viêm mô tế bào tiến triển, nhiễm trùng vết cắn. Bệnh nhân đã được truyền tổng cộng 15 lọ huyết thanh do lượng nọc độc phóng thích vào cơ thể nhiều.

Anh Tâm đang được điều trị tích cực tại bệnh viện Chợ Rẫy sau khi bị rắn cắn.

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật tại bệnh viện Chợ Rẫy, chị Bùi Thị Ngọc Tuổi (SN 1992, vợ của anh Tâm), vẫn rất lo lắng về tình trạng sức khỏe của chồng. Chị Tuổi buồn bã chia sẻ: “Anh Tâm bị rắn cắn khoảng 7 - 8 giờ ngày 19/8, đến 12 giờ trưa cùng ngày thì được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Từ lúc đó đến giờ, tôi chưa được ngủ. Tôi sợ mình ngủ quên khi bác sĩ gọi tên người nhà bệnh nhân sẽ không kịp chạy đến”.

Lúc nghe tin chồng bị rắn cắn, chị Tuổi hoảng hốt chạy vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. “Đến bệnh viện, anh ấy còn khỏe, tỉnh táo, ngồi kể hết chuyện bị rắn cắn cho người ta nghe. Đến khi đưa con rắn cho bác sĩ, anh liền ngất xỉu. Lúc đó, tôi vừa lên kịp thì thấy 6 bác sĩ đang cấp cứu cho anh. Tôi thấy nhịp tim anh ấy còn đập nhưng không còn thấy thở. Tôi sợ lắm. Sau đó, bệnh viện tỉnh chuyển chồng tôi lên Chợ Rẫy điều trị. Từ hôm qua đến nay, anh bất tỉnh, không biết gì hết”, chị Tuổi kể lại.

Khi chuyển lên đây, các bác sĩ nói gia đình anh Tâm chuẩn bị khoảng 100 triệu đồng để điều trị. Nghe vậy, chị Tuổi khá hoang mang, bởi vợ chồng chị làm gì có nhiều tiền đến vậy. May sao, anh Đặng Văn Phúc ở Tây Ninh cho 10 triệu đồng, rồi bà con chia sẻ lên mạng, mỗi người góp một ít nên cũng tạm thời an tâm.

“Lần trước, chồng tôi gặp tai nạn giao thông, anh Phúc chở đi nên ảnh cũng hiểu hoàn cảnh gia đình vợ chồng tôi. Khi nghe tin, anh ấy liền nhiệt tình giúp đỡ. Bây giờ, tôi ở đây chăm sóc cho chồng, còn 2 đứa con nhỏ phải gửi cho ngoại chăm sóc. Sau khi truyền huyết thanh, anh Tâm đã cử động tay chân được rồi mà các sĩ nói chất độc con rắn này có thể vẫn còn trong cơ thể anh từ 3 - 4 ngày. Thế nên, bác sĩ đặt một cái máy hỗ trợ cho tim. Hiện tại, tôi trò chuyện ảnh hiểu và ra dấu, chứ chưa nói chuyện được do còn đang đặt ống thở”, chị Tuổi cho biết.

Ngày thứ ba bắt rắn thì gặp nạn

Sau chút lạc quan về sức khỏe của chồng, tâm trạng chị Tuổi chợt chùng xuống, ứa nước mắt khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình. Chị Tuổi tâm sự: “Trước đây, ảnh đi giữ vườn thuê, xịt thuốc sâu cho vườn mãng cầu. Mỗi ngày, người ta trả cho 200.000 đồng. Đến lúc anh ấy bị tai nạn giao thông, sức khỏe không được như trước nên không đi làm được nữa. Thấy vậy, gần đây, anh trai cho anh Tâm 3 cái lưới bắt rắn. Bữa trước đi giăng, anh bắt được 2 con, hôm sau giăng cũng được 1 con nữa. Mỗi con bán được gần 300.000 đồng, anh thấy ham lắm. Chỉ trong vòng 2 ngày, kiếm được 700.000 – 800.000 đồng từ việc bắt rắn cho nên ảnh rất mừng. Ảnh nói tiền bán rắn để dành mai mốt cho con đi học”.

Anh Tâm vui mừng khi bắt được 2 con rắn long thừa trong những ngày đầu đi bắt rắn.

Chị Tuổi lau nước mắt kể tiếp: “Qua ngày thứ ba, 3 cha con chở nhau đi thăm lưới rắn. Đến nơi, ảnh kêu thằng con lớn vô thăm trước. Thằng nhỏ vô xem thì la lên: “Ba ơi, dính con rắn hổ rừng rồi ba ơi”, rồi nó nói: “Thôi bỏ đi ba ơi, con rắn dữ lắm”. Nghe con nói ảnh mới trấn an các con, chắc con rắn long thừa, hiền thôi, không độc đâu để ba vô bắt. Anh vô bắt thì con rắn bị sảy. Tiếc quá, ảnh rượt theo bắt trong khi thằng con đứng ngoài la lớn: “Ba ơi, ba ơi, bỏ đi”. Không biết ảnh bắt làm sao mà bị nó cắn ngay bắp đùi. Bị cắn, ảnh liền chụp đầu con rắn chạy ra ngoài đường cầu cứu”.

Gia đình chị Tuổi không có đất nông nghiệp. Hai vợ chồng chỉ biết làm thuê để nuôi 2 con nhỏ. Lúc trước, anh Tâm bị tai nạn giao thông, rồi thiếu máu não lúc nhớ lúc quên, sức khỏe đi xuống trầm trọng. Từ đó, kinh tế gia đình đều trong cậy vào đồng tiền công làm thuê, rẫy cỏ mướn của chị Tuổi. Gần đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ăn việc làm của chị Tuổi cũng bị ảnh hưởng, khó khăn vì không nhiều người thuê mướn.

Chị Tuổi lo âu, cầu mong anh Tâm vượt qua kiếp nạn.

Anh trai của anh Tâm cho biết: “Từ trước đến giờ, thằng Tâm không có biết bắt rắn. Vừa rồi, nó đi làm phụ hồ bị người ta tông xe, gãy chân nên không làm được việc nặng. Túng quá, nó mới phải đi bắt rắn. Nó tiếc con rắn lớn, bán được nhiều tiền. Khổ quá, nó mới làm liều, chứ nếu đủ ăn ở nhà không cho nó làm vậy đâu”.

Bình Vy (t/h)