Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có báo cáo về hiện trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn.
Theo đó, tính đến hết tháng 4, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào 31/12/2018).
Sản lượng thịt lợn xuất chuồng quý I đạt hơn 811.000 tấn. Dự kiến quý II đạt hơn 900.000 tấn, quý III và quý IV đạt lần lượt hơn 1 triệu tấn và gần 1,1 triệu tấn.
Tổng cục Thống kê cho biết nhu cầu lợn thịt xuất chuồng trung bình mỗi quý năm 2018 vào khoảng 920.000 tấn. Như vậy, đến quý III, quý IV sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu thịt lợn trong nước.
Tổng đàn lợn của cả nước vẫn thiếu khoảng 20% so với trước khi có dịch tả châu Phi. Ảnh: Lan Anh. |
Về giá, từ tháng 1 đến tháng 3, giảm từ 90.000 đồng/kg xuống 73.000 đồng/kg lợn hơi tại cửa chuồng. Từ 1/4, các doanh nghiệp lớn giảm tiếp xuống 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến giữa tháng 4, giá lợn thịt có xu hướng tăng lên mức 70.000-80.000 đồng/kg và hiện dao động trên dưới 80.000 đồng/kg.
Dù có chỉ đạo giảm giá, thịt lợn hơi vẫn tăng chủ yếu do cung cầu mất cân đối. Lợn thịt xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua 2-5 khâu trung gian, giá tăng khoảng 43%.
15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn chỉ chiếm thị phần 35% lợn thịt, chưa đủ sức để kéo giá bình quân xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi. Thậm chí, một số doanh nghiệp lớn này được cho là không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt.
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao khiến giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng trên 10%; chi phí phòng chống dịch bệnh tăng cao do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thuốc sát trùng,…
Ngoài ra, giá thịt lợn của Trung Quốc tăng quá cao (trên 120.000 đồng/kg lợn hơi), dẫn đến xuất hiện tình trạng thẩm lậu lợn thịt, lợn giống và sản phẩm thịt lợn qua biên giới.
Cục Chăn nuôi cho rằng cần kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ lợn xuất chuồng đến người tiêu dùng, bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng; kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất, nhập khẩu lợn giống, lợn thịt và các sản phẩm thịt lợn trái phép.
Tuyên truyền để người tiêu dùng tăng cường sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn như thịt gia súc khác, thịt và trứng gia cầm, thủy sản với nguồn cung dồi dào và giá cả hợp lý.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi lợn cùng chung tay với Chính phủ xuống giá lợn hơi và thịt lợn, đồng thời xuất bán lợn thịt với công suất tối đa.