Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV-năm 2020: Có 1 giải đặc biệt, 9 giải A, 25 giải B, 45 giải C và 32 giải khuyến khích

Nguyễn Đức Tuyền

Giải năm nay có 114 đơn vị cấp hội và 190 tác giả không phải là hội viên (cộng tác viên), tham dự 11 loại giải; trong đó có 51 đơn vị Liên chi hội và Chi hội trực thuộc. Đặc biệt năm nay có 63/63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố tham dự. Điều này cho thấy các cấp Hội và hội viên trong cả nước đã ngày càng thật sự quan tâm đến Giải báo chí quốc gia.

Giải báo chí quốc gia hằng năm là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hằng năm, theo Quyết định số 369/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải báo chí quốc gia và Quyết định số 1694/QĐ-TTg ngày 22/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia. Qua 15 năm tổ chức, đến nay, Giải ngày càng được sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của các cấp Hội, các cơ quan báo chí và hội viên nhà báo, cộng tác viên trong cả nước.

Nhiều tác phẩm tham gia giải báo chí năm nay có tính phát hiện, phản biện sâu sắc, có hiệu quả xã hội tích cực, có sức ảnh hưởng (Ảnh minh họa)

Hội đồng Chung khảo Giải năm nay đã chấm 150 tác phẩm thuộc 11 loại giải báo chí, được lựa chọn từ 1823 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải theo quy định.

Giải năm nay có 114 đơn vị cấp hội và 190 tác giả không phải là hội viên (cộng tác viên), tham dự 11 loại giải; trong đó có 51 đơn vị Liên chi hội và Chi hội trực thuộc. Đặc biệt năm nay có 63/63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố tham dự. Điều này cho thấy các cấp Hội và hội viên trong cả nước đã ngày càng thật sự quan tâm đến Giải báo chí quốc gia.

Các tác phẩm tham dự Giải phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2020, tiếp tục tham gia rất tích cực và hiệu quả vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là sai phạm trong công tác quản lý đất đai; Xử lí cán bộ sai phạm trong công tác cán bộ, bất cập trong giáo dục, nạn xã hội đen, tội phạm hoành hành, các loại tội phạm mới, nạn xâm hại trẻ em, vấn đề phòng chống thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ chế quản lý kinh tế; Khuyến khích thúc đẩy kinh tế số, kinh tế tư nhân, kinh tế xanh, sản xuất nông nghiệp sạch; xây dựng đô thị thông minh, cách mạng công nghiệp 4.0 và sự tác động tới cuộc sống. Nhiều tác phẩm tiếp tục khai thác những đề tài truyền thống như lịch sử cách mạng văn hóa, an ninh, quốc phòng, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong cuộc sống...

Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, phản biện sâu sắc, có hiệu quả xã hội tích cực, có sức ảnh hưởng. Hội đồng Giải tiếp tục có cơ chế riêng đối với ảnh báo chí (cho phép tác giả ảnh báo chí gửi thẳng tác phẩm về Hội đồng Giải, không qua tuyển chọn ở cơ sở). Tuy nhiên, số tác giả và số lượng tác phẩm ảnh báo chí năm nay cũng vẫn chỉ đạt hơn 100 tác phẩm. Đây là điều chưa được như mong muốn của các thành viên Hội đồng, là điều trăn trở lớn, vì chưa phản ánh đúng thực trạng hoạt động ảnh báo chí trong năm.

Đánh giá chung của Hội đồng Giải cho rằng, các tác phẩm dự Giải năm nay có chất lượng khá đồng đều, giảm dần sự cách biệt lớn về chất lượng giữa các tác phẩm của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Nhiều bài có tính phát hiện tốt, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, được dư luận quan tâm. Nhiều tác phẩm của các cơ quan báo chí địa phương trong các nhóm thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo in, báo điện tử) và tin, phóng sự, ký sự, phim tài liệu (báo hình), được Hội đồng đánh giá cao. Bài điều tra, bài về môi trường có nhiều hình ảnh sống động, hấp dẫn. Nhiều tác phẩm truyền hình là bức tranh bao quát về mọi mặt của đất nước năm 2020, phong phú nội dung, đề tài, chất liệu sinh động, hình ảnh ấn tượng. Đề tài, kĩ thuật biên tập, quay phim đều tốt hơn so với năm ngoái. Tác phẩm Việt Nam – Thời đại Hồ Chí Minh, Biên niên sử truyền hình của báo Nhân Dân là một tác phẩm đặc biệt về nội dung và hình thức thể hiện, có số liệu chưa từng công bố, Hội đồng chung khảo đề nghị trao giải đặc biệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn những hạn chế, cần được khắc phục, các tác phẩm báo in chưa có nhiều sáng tạo, đột phá. Nhóm bình luận, các tạp chí, nhất là tạp chí khối Đảng tham gia tương đối ít, không có xã luận. Thể loại ký báo chí còn ít, thiếu vắng phóng sự viết về văn hóa. Ảnh báo chí vẫn còn ít, chưa phản ánh đúng đời sống ảnh báo chí V.V...

Nhìn chung, các tác phẩm được chọn vào chung khảo là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung và hình thức, có tính định hướng dư luận xã hội, nhiều tác phẩm đã cho thấy hiệu quả tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí.

Quá trình chấm chung khảo được thực hiện đúng Điều lệ Giải và quy chế làm việc, thể thức bỏ phiếu của Hội đồng Giải. Trong số 150 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng đã chọn được: 01 giải đặc biệt, 9 giải A, 25 giải B, 45 giải C, 32 giải KK.

Do điều kiện vì dịch bệnh Covid-19, năm nay Lễ tổng kết và trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020 không trao vào ngày 21/6 như hàng năm và sẽ được tổ chức trọng thể vào dịp Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam tại Hà Nội và sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam.

PV