“Giảm giá kịch sàn”, các cửa hàng quần áo tại Hà Nội vẫn "dài cổ" chờ khách

Thảo Huyền

Tuy không phải tạm dừng hoạt động để hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 nhưng các cửa hàng thời trang tại Hà Nội vẫn phải chịu cảnh không bóng người. Doanh thu nhiều nơi giảm 30 – 50% so với giai đoạn trước, tính từ tháng 2 – tháng 5/2021.

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó ngành thời trang tuy không phải tạm dừng hoạt động để hỗ trợ công tác phòng dịch nhưng cũng không tránh khỏi “điêu đứng”.

Các cửa hàng truyền thống bán “offline” mở cửa nhưng vắng khách; giao thương quốc tế bị ảnh hưởng dẫn tới nguồn hàng khan hiếm… Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, rất nhiều cửa hàng thời trang đã buộc phải đóng cửa trả mặt bằng để giảm bớt áp lực về các khoản chi hàng tháng.

Theo ghi nhận của phóng viên tại các phố thời trang lớn ở Hà Nội như: Cầu Giấy; Chùa Bộc; Bà Triệu; Phạm Ngọc Thạch… Hàng loạt cửa hàng treo biển giảm giá từ 10 – 80%, thậm chí sale “sốc” toàn bộ sản phẩm thay vì chỉ số ít hàng tồn kho hoặc thu, đông như những năm trước. Tuy vậy, khách đến trực tiếp mua hàng không đông thậm chí có cửa hàng cả bảo vệ và nhân viên đều… ngủ gật.

“Giảm giá kịch sàn”, các cửa hàng quần áo tại Hà Nội vẫn "dài cổ" chờ khách - 1

Phần lớn các cửa hàng truyền thống bán “offline” đều vắng khách.

“Giảm giá kịch sàn”, các cửa hàng quần áo tại Hà Nội vẫn "dài cổ" chờ khách - 3

Nhiều cửa hàng ở "phố thời trang" Cầu Giấy cũng đóng cửa im lìm.

Khoảng 1 năm trở lại đây, tình trạng này không còn xa lạ với nhiều chủ shop. Chị Nguyễn Thị Thy - Chủ một cửa hàng thời trang nữ trên phố Chùa Bộc (Hà Nội) cho biết: “Tình trạng này không phải mới xảy ra, chúng tôi buộc phải tự mình tìm cách thích nghi. Cửa hàng của tôi giờ chỉ có duy nhất 1 nhân viên làm nhiệm vụ chốt đơn và tôi là người bán chính. Doanh thu của shop hiện tại được duy trì chủ yếu nhờ việc bán online”.

Cũng theo chị Thy, khó khăn lớn nhất ở giai đoạn này là nguồn hàng khan hiếm và chi phí duy trì cửa hàng như: Tiền thuê nhân viên, tiền thuê mặt bằng, chi phí chạy quảng cáo trên các trang thương mại điện tử… Doanh thu cửa hàng từ tháng 2 đến đầu tháng 5 giảm khoảng 40% so với gia đoạn trước Tết Nguyên Đán.

Covid-19 khiến nhiều thương hiệu thời trang, cửa hàng từ lớn đến nhỏ đều chao đảo. Nhưng nhìn rộng hơn, đại dịch cũng buộc các đơn vị kinh doanh phải vận động và thay đổi mô hình, từ đó có thể mang lại các hàng hóa, dịch vụ giá cả tốt hơn tới tay người tiêu dùng. Nhiều chủ cửa hàng đã chuyển cơ sở kinh doanh từ mặt phố lớn vào trong ngõ, hẻm, đẩy mạnh mô hình bán hàng online để tiếp tục trụ vững.

“Giảm giá kịch sàn”, các cửa hàng quần áo tại Hà Nội vẫn "dài cổ" chờ khách - 4

Nhiều chủ cửa hàng chấp nhận lỗ vốn áp dụng các chương trình khuyến mại “khủng” với mong muốn kích cầu trở lại.

“Giảm giá kịch sàn”, các cửa hàng quần áo tại Hà Nội vẫn "dài cổ" chờ khách - 5

Tuy nhiên, linh hoạt chuyển đổi mô hình kinh doanh sang bán hàng online vẫn là yếu tố tất yếu quyết định doanh thu.

Anh Quốc Bình từng thuê cửa hàng mặt tiền đường Cầu Giấy (Hà Nội) làm cửa hàng kinh doanh áo phông unisex (áo dành cho cả nam và nữ đều mặc được). Tuy nhiên sau 2 năm, anh vừa quyết định trả mặt bằng phố, chuyển về thuê trong ngách nhỏ thuộc ngõ Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội) để làm cơ sở bán hàng online.

Theo anh Bình, giá thuê nhà trong ngõ chỉ tầm 60 - 70% so với ở ngoài mặt đường, 30% còn lại anh sử dụng để bù đắp cho các chi phí vận hành khác.

Thuê cửa hàng trong ngõ, anh Bình cắt giảm được hai nhân viên và một bảo vệ do không phải thường xuyên tiếp khách hàng trực tiếp. Hiện chỉ có một nhân viên giúp anh chốt đơn hàng, trả lời thắc mắc của khách, đóng gói và giao hàng cho bên vận chuyển.

Thay đổi để thích nghi là yêu cầu bắt buộc của các cơ sở kinh doanh trong thời điểm dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp. Sự phát triển của các trang thương mại điện tử, mạng xã hội thời điểm này trở thành một “trợ thủ” đắc lực cho nhiều cửa hàng kinh doanh phân khúc bán lẻ.