Tiểu cầu là gì?
Tiểu cầu là một loại tế bào máu được sản xuất từ tủy xương. Chức năng chính của tiểu cầu là thực hiện vai trò liên kết với nhau để tạo thành cục máu đông. Trong trường hợp bị thương, chảy máu, tiểu cầu có trách nhiệm gắn kết lại với nhau để bịt kín vết thương nhằm cầm máu. Vòng đời của tiểu cầu thường chỉ kéo dài từ 7 - 10 ngày. Chúng được sản xuất liên tục trong cơ thể.
Giảm tiểu cầu là gì?
Số lượng tiểu cầu trong máu ở mức trung bình là 150.000 - 450.000/micro lít máu. Nếu số lượng tiểu cầu trong máu giảm với mức <150.000 tế bào/micro lít máu thì có nghĩa là tiểu cầu đang giảm. Tình trạng giảm tiểu cầu sẽ diễn ra ở những mức độ khác nhau do những nguyên nhân khác nhau:
Những nguyên nhân gây ra giảm tiểu cầu
- Nhiễm virus: Các loại virus như quai bị/thủy đậu, viêm gan B, viêm gan C, virus HIV, virus Epstein Barr... khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm ức chế khả năng sản xuất tiểu cầu của tủy xương.
- Tác dụng phụ của thuốc: Khi sử dụng một số loại thuốc có thành phần phá hủy tiểu cầu cũng khiến tiểu cầu giảm.
- Mắc bệnh lý ác tính: Bệnh nhân bị ung thư nhất là bạch cầu sẽ khiến tiểu cầu giảm nghiêm trọng. Do tế bào ung thư xâm nhập tủy xương, làm giảm khả năng sản xuất tiểu cầu.
- Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch: Là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, phá hủy tiểu cầu gây bệnh giảm tiểu cầu.
- Thiếu máu bất sản: Một số trường hợp bệnh nhân dùng thuốc, chất phóng xạ, nhiễm virus,... sẽ gây ra tình trạng thiếu máu bất sản và làm giảm số lượng tiểu cầu.
- Điều trị ung thư: Bệnh nhân trong giai đoạn hóa trị, xạ trị chữa ung thư cũng khiến tiểu cầu bị tổn thương, số lượng giảm mạnh.
- Một số nguyên nhân khác: người mắc bệnh lý đột biến gen di truyền cũng gây ra tình trạng giảm tiểu cầu huyết khối. Hoặc trường hợp bệnh nhân mắc chứng lách to hay mang thai, uống rượu, thiếu vitamin B12 và axit folic, bị lupus ban đỏ, ghép tạng, nhiễm trùng nặng,... cũng khiến tiểu cầu giảm.
Dấu hiệu tiểu cầu bị giảm
Các dấu hiệu và triệu chứng giảm tiểu cầu có thể bao gồm:
- Xuất huyết dưới da: hay gặp nhất và thường xuất hiện tự nhiên, nhiều hình thái (dạng chấm, mảng, nốt), màu săc thay đổi theo thời gian: đỏ, tím, xanh, vàng.
- Xuất huyết nội tạng: đau đầu, buồn nôn, liệt (xuất huyết não), ói ra máu, có máu trong phân và nước tiểu, kinh nguyệt ra nhiều.
- Xuất huyết niêm mạc: nướu chảy máu, có thể nhận thấy trên bàn chải đánh răng và nướu có thể sưng lên.
- Nôn ra máu: là dấu hiệu chảy máu ở đường tiêu hóa trên.
Giảm tiểu cầu nguy hiểm thế nào?
Tùy thuộc từng nguyên nhân khác nhau mà tình trạng giảm tiểu cầu có thể nguy hiểm hoặc không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Nếu giảm tiểu cầu do dùng thuốc, uống rượu hoặc những nguyên nhân thông thường thì khi ngừng thuốc hoặc không có cơ chế tác động giảm tiểu cầu, lượng tiểu cầu sẽ quay về mức bình thường.
Nếu giảm tiểu cầu do bệnh lý thì mức độ nghiêm trọng tùy thuộc và loại bệnh lý mà bệnh nhân đang gặp phải.
Tiểu cầu giảm gây nên tình trạng xuất huyết, máu khó đông, khả năng chống nhiễm trùng kém.
Tiểu cầu giảm nhiều gây chảy máu cam, vết thương hở chảy máu không ngừng, khó đông máu, rong kinh, xuất huyết dưới da, thậm chí gây xuất huyết não và gây tử vong. Lượng tiểu cầu giảm ở mức 10.000 - 20.000 tiểu cầu/micro lít máu là mức độ nghiêm trọng, dẫn đến những tình trạng nguy hiểm cho cơ thể.
Nên thăm khám bác sĩ nếu bạn có dấu hiệu của suy giảm tiểu cầu chẳng hạn như chảy máu không ngừng, đi tiểu hoặc đi ngoài ra máu, nôn ra máu,...
Đến các trung tâm y tế gần nhất ngay lập tức nếu tình trạng chảy máu không thể kiểm soát được bằng các kỹ thuật sơ cứu thông thường, chẳng hạn như ấn mạnh vào khu vực đó.
NH (T/H)