Gian lận thi cử ở Hòa Bình: Nụ cười ngạo nghễ của "liên minh ma quỷ'?

Thảo Huyền

Ngày hôm qua, trên các diễn đàn xã hội chia sẻ bức ảnh đắt giá của 1 phóng viên tác nghiệp tại phiên xét xử vụ gian lận thi ở Hòa Bình. Các bị cáo rời sân tòa với nụ cười tươi rói, thậm chí vẫy tay chào người thân như thể những anh hùng khiến dư luận “dậy sóng”. Có người ví đó là nụ cười của "liên minh ma quỷ" đội lốt những nhà giáo.

Quả thật, đó là 1 bức ảnh thật đối lập với những gì mà các bị cáo đã làm cũng như diễn biến tại phiên tòa. Trong phiên tòa, 1 bị cáo, nguyên Trưởng phòng Khảo thí từng chỉ đạo 3 tổ trưởng và các giáo viên chấm thi tự luận môn Ngữ Văn, nâng điểm cho 20 thí sinh nại ra rằng làm vậy vì nể nang!

Một cô giáo chấm thi nói chấm “nới tay” vì học sinh địa bàn tỉnh học lực yếu, vì “xuất phát từ tình thương học trò, vì muốn các em có cơ hội vào đại học, mở cánh cửa cuộc đời"...

Đa chiều - Gian lận thi cử ở Hòa Bình: Nụ cười ngạo nghễ của 'liên minh ma quỷ'?

Các bị cáo rời phiên tòa với nụ cười tươi rói

Trường hợp khác nguyên là Hiệu trưởng trường chuyên Hoàng Văn Thụ, nơi đào tạo con em ưu tú của tỉnh Hòa Bình, bị cáo Lê Thị Hồng, đã trực tiếp “gửi gắm” nâng điểm cho 8 thí sinh. Trong buổi xét hỏi chiều 13/5, bị cáo Lê Thị Hồng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và cho biết rất ân hận khi đã giúp nâng điểm cho 8 thí sinh. "Hôm nay, bị cáo thấy rất nhục nhã, rất đau buồn. Tất cả anh chị em ở đây đều là giáo viên, bao nhiêu năm công hiến cho ngành giáo dục", bị cáo Hồng mắt đỏ hoe nói trước tòa.

Những lời tự bào chữa của các bị cáo được giải thích vì nể nang, “nới tay” và nấp dưới danh nghĩa “tình thương học trò” để rồi biến kỳ thi quốc gia Quốc gia thành “sân khấu” diễn vở “những nhà giáo chân chính, đã bôi tro trát trấu vào ngành giáo dục”. Và sau phiên tòa, sự ân hận, những giọt nước mắt lại được thay bằng…nụ cười không thể tươi hơn?

Chia sẻ trên trang facebook cá nhân, nickname L.T viết: “Phiên tòa sáng 13/5 của TAND tỉnh Hòa Bình xét xử các cựu giáo viên, cán bộ nâng điểm thi tốt nghiệp 2018 cho nhiều thí sinh, vi phạm nghiêm trọng quy chế thi, quy phạm nghiêm trọng chính sách pháp luật của Nhà nước. Chính những giáo viên biến chất này đã trực tiếp giằng lấy vé vào đại học của những em học sinh hiếu học khác, đánh cắp giấc mơ vào giảng đường đại học của các em, làm cho nền giáo dục nước nhà mất đi tính công bằng, dân chủ.

Họ, những nhà giáo, đáng lẽ phải nêu cao tinh thần tôn sư trọng đạo, góp phần tạo nên truyền thống hiếu học của mảnh đất Hòa Bình, nhưng chính họ lại tự bôi nhọ danh giá của 1 nhà giáo. Vậy mà khi họ rời phòng xét xử, thái độ của họ là những nụ cười tươi, sảng khoái, vẫy tay chào người thân như những người hùng trở về sau 1 chuyến công tác đầy vinh vang”.

Không chỉ ở Hòa Bình, tại Sơn La cũng có nhiều cán bộ phải ra tòa vì liên quan đến nâng điểm cho 44 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Điều đáng nói với số tiền nhận hơn 1 tỷ đồng, 2 bị cáo là Lò Văn Huynh (cựu Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, sở Giáo dục và Đào tạo) và Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) bị truy tố tới mức tử hình. Có lẽ lần đầu tiên, có cáo trạng truy tố mức tử hình trong ngành giáo dục. 

Thật đau lòng, vì tiền, họ phá nát nền giáo dục của nước nhà. Nếu như, “những con sâu làm rầu ngành giáo dục”, "những liên minh ma quỷ" trong vụ gian lận nâng điểm ở Hòa Bình, Sơn La... không được phát hiện kịp thời thì các em học sinh đỗ điểm cao nhờ “cái danh ba đồng” của phụ huynh sẽ cướp mất cơ hội của những người thực học. Người đạt điểm thi thật, học lực thật lại bị tước đoạt chỗ ngồi trong trường đại học, mất cơ hội tiến thân. Rồi những người này lại dùng tiền và quyền của cha mẹ để kiếm một vị trí để "trèo cao, chui sâu". Tương lai đất nước sẽ đi về đâu khi những "hiền tài" bị thay thế bởi những kẻ bất tài đi lên bằng sự dối trá?

Ngày hôm qua, các bị các rời sân tòa với nụ cười tươi rói. Ngày hôm nay, ai khóc cho ngành giáo dục?