Gian nan những người lính gác rừng giữa chốn thâm sơn!

Huy Hoàng

Trạm gác rừng nằm hun hút bên trong lõi của đại ngàn, xung quanh là bốn bề núi dựng. Nơi đó, một lều trại đơn sơ, tạm bợ được dựng nên. Dù ngày nắng hay đêm mưa, 5 người lính gác rừng vẫn vui vẻ đón nhận cuộc sống này, canh gác gìn giữ cho những cánh rừng mãi xanh.

Chập chờn giấc ngủ về đêm

Những ngày đầu tháng Tư, tiết trời Tây Nguyên khô hanh, nắng như "đổ lửa". PV Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật theo chân những người lính gác rừng của ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly, huyện Chư Pah ngược dòng sông Sê San 3a đến gần hơn với đại ngàn. Tại một bến đò thuộc sông Sê San 3a, một chiếc thuyền đã đợi sẵn chúng tôi, cùng những người lính gác rừng lỉnh kỉnh khuân vác đồ đạc, đồ ăn như: gạo, mỳ tôm, cá khô ngược dòng bắt đầu cuộc hành trình. Tiếng máy nổ sình sịch, khói đen bốc lên nghi ngút, con thuyền cứ thế rẽ nước lao đi.

Sau hơn 1 giờ di chuyển trên sông, một hòn đảo nhỏ nơi ngã ba suối Đak Ly và sông Sê San thuộc địa phận xã Ia Keng (huyện Chư Pah) dần hiện ra. Nơi đó, có một cái lều tạm bằng bạt và cây rừng được dựng lên đơn sơ. Đây chính là nơi 5 người lính gác rừng thuộc ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly ăn ở, sinh hoạt thực hiện nhiệm vụ cao cả giữ cho những cánh rừng mãi xanh. Khu vực này chủ yếu là rừng tự nhiên, có địa hình phức tạp, tiếp giáp với địa phận huyện Ia Grai và tỉnh Kon Tum.

Tầm trưa mặt trời đứng bóng, giữa cái nắng chói chang oi bức chúng tôi chia nhau mỗi người một việc chuẩn bị bữa cơm trưa. Chia sẻ với chúng tôi, anh Rơ Châm Du (người lính gác rừng) bộc bạch: "Nơi đây cuộc sống anh em rất vất vả, hầu như thiếu thốn đủ mọi mặt. Có những tháng trời mưa tầm tã thuyền không ra tiếp tế lương thực được, anh em đi hái rau rừng, xuống suối mò cua, bắt ốc. Cực nhất là những tháng mưa dầm. Ban đêm gió thông thốc thổi, mưa to gió lớn hắt tung cả lều trại ai cũng ướt như chuột. Có hôm mưa to, nước sông dâng lên cuốn trôi đồ đạc, anh em chèo thuyền chở nhau lên núi và đi tìm đồ".

"Có nhưng mùa đông trời rét mướt nằm co ro bên trên võng dù mỏng tang, ai cũng cảm thấy chạnh lòng. Để chống chọi với cái lạnh nơi rừng thiêng nước độc, anh em đốt nhiều đống lửa to quanh lều nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi hơi ấm từ những đống lửa không đủ để lan tỏa, xua tan đi cái lạnh đằng đẵng của cả một đêm dài", anh Du kể.

Cuộc sống khốn khó, thiếu thốn mọi điều kiện, bữa cơm của tổ bảo vệ rừng đơn giản là nồi cá suối kho, nồi cơm trắng, thêm vài ba cọng rau rừng.

Bùi ngùi chia sẻ với chúng tôi anh Hung (trong tổ bảo vệ rừng) nói: "Mỗi lần đi rừng về anh em trầy trật rất khổ bởi diện tích rừng lớn, địa hình đồi núi hiểm trở rất khó đi. Tuy nhiên, chưa nơi nào anh em bỏ sót. Hơn 1 nghìn ha rừng được giao bảo vệ nơi nào cũng có dấu chân của anh em. Mười năm trước, khi chúng tôi gác rừng ở đỉnh núi bên kia, có một người trong nhóm bị đau bụng dữ dội. Chúng tôi vội dùng cáng khiêng xuống núi nhưng không kịp cứu anh ấy”.

Cho rừng mãi thêm xanh

Bảo vệ cho cây rừng mãi xanh là trách nhiệm của người dân nhận khoán và cán bộ, nhân viên các ban Quản lý rừng phòng hộ. Hàng chục năm qua, lực lượng bảo vệ rừng này thầm lặng làm nhiệm vụ. Sự hiện hữu của họ đã góp công lớn trong việc giữ cho hàng ngàn ha rừng phòng hộ tránh được sự dòm ngó của kẻ gian hay hỏa hoạn.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng công việc luôn được các anh đặt lên hàng đầu. Dù mưa hay nắng những người bảo vệ rừng vẫn miệt mài tuần tra, kiểm soát bào vệ rừng nghiêm ngặt.

Vì rừng còn nhiều cây gỗ quý có đường kính lớn nên có nhiều đối tượng lăm le cắt trộm. Những bước chân tuần tra của lực lượng canh gác giúp cho “lá phổi xanh” không gục gã dưới lưỡi cưa của “lâm tặc”. Họ cũng là những tuyên truyền viên tích cực cho việc vận động người dân không phát rừng làm rẫy, đốt rừng. Anh Rơ Châm Pháo (trú làng Díp) kể: “Thỉnh thoảng, chúng tôi gặp người ở nơi khác đến cưa trộm gỗ. Khi thấy chúng tôi, có người vội bỏ chạy, có người đe dọa và cũng có người dụ dỗ để cắt gỗ. Vì chúng tôi không đồng ý nên họ phải đi nơi khác”.

Ông Vũ Văn Thảo, Phó trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly cho biết: “Chúng tôi quản lý hơn 11.000 ha rừng tự nhiên, 1.000 ha rừng trồng với địa hình vô cùng phức tạp. Riêng xã Ia Kreng có hơn 6.000 ha rừng. Do đó, hình thức giao khoán giúp bảo vệ rừng khỏi bị khai thác trái phép, đốt phá. Khi nhận giao khoán chăm sóc và bảo vệ, dân các làng sẽ có một nguồn thu nhập ổn định cho gia đình nên sẽ chú tâm hơn. Bên cạnh đó, qua việc này, ý thức tự bảo vệ môi trường rừng của người dân cũng được nâng lên”.