Giáo dục nhân cách con người bắt đầu từ giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình

Biên tập viên

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, gia đình vẫn là nền tảng của xã hội, tuy cấu trúc của gia đình có sự thay đổi, nhưng giá trị to lớn của gia đình không thay đổi.

Chính những giá trị này đã khẳng định vai trò to lớn của gia đình trong sự phát triển xã hội. Bàn thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).

Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Ảnh: Minh Khánh.

Để tạo nên sự phát triển của xã hội cần rất nhiều vai trò của các lĩnh vực, trong đó không thể không kể đến gia đình. Vậy theo ông gia đình có vai trò như thế nào trong sự phát triển xã hội?

-  Như chúng ta đã biết, gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình".

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hoá dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Truyền thống đó đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Vai trò đó được thể hiện: Gia đình là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam;  Là một nhân tố quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; Gia đình là điểm sum họp, là nơi để cho các thành viên có thể nghỉ ngơi sau một ngày lao động, học tập mệt nhọc, căng thẳng; Là nơi trao truyền, lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, xã hội.

Nhà giáo Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội từng chia sẻ rằng, trong giáo dục giờ đây dường như có rất nhiều gia đình cho rằng việc dạy dỗ con em họ thành người có kiến thức cũng như  nhân cách đạo đức là từ phía nhà trường, rồi phó mặc tất cả cho nhà trường mà không nhận thấy trách nhiệm của gia đình. Theo ông trong giáo dục học sinh, sinh viên bối cảnh hiện nay thì vai trò của gia đình có cần thiết không, vì sao?

- Cũng như tôi đã trình bày ở phần trên, gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội. Vậy gia đình là nơi đầu tiên và cũng là nơi cuối cùng thực hiện chức năng về tình cảm và giáo dục đạo đức, lối sống cho con người. Để làm tốt việc này, vừa qua cơ quan quản lý nhà nước về gia đình đã ban hành, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản để tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, như: Chương trình giáo dục đời sống gia đình; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Đề án Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam và hỗ trợ gia đình phát triển bền vững đến năm 2020; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Không những thế, Bộ VHTTDL còn tích cực phối hợp với các bộ, ngành thực hiện việc tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên, trong đó phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch về hướng dẫn thực hiện giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Vì vậy, trong giáo dục học sinh, sinh viên bối cảnh hiện nay và trong thời gian tới, vai trò của gia đình vẫn đóng vai trò rất quan trọng và không thể thiếu được.

Có ý kiến cho rằng, để hạn chế những tiêu cực trong xã hội hiện nay thì một trong những yếu tố không thể thiếu đó là giáo dục của gia đình, ý kiến của ông như thế nào?

- Những tiêu cực trong xã hội hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng của văn hóa ngoại, mạng xã hội… trong đó có một phần giáo dục của gia đình. Tôi cho rằng ý kiến đó cần phải suy ngẫm. Chính vì vậy cần phải tăng cường các biện pháp giáo dục lối sống trong gia đình, mà đặc biệt đó là giáo dục nhân cách con người bắt đầu từ giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Và việc Bộ VHTTDL thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong toàn quốc hiện nay là một trong những giải pháp hữu hiệu để giảm tiêu cực trong gia đình, từ đó góp phần tích cực để giảm tiêu cực xã hội.

Gia đình được coi là nền tảng của xã hội, theo ông những giá trị to lớn của gia đình có thay đổi hay còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay?

- Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, gia đình vẫn là nền tảng của xã hội, tuy cấu trúc của gia đình có sự thay đổi, tỷ lệ gia đình hạt nhân ngày càng tăng, nhưng giá trị to lớn của gia đình không thay đổi. Các chức năng của gia đình giúp cho gia đình là một thực thể xã hội. Sự tồn tại của nó được xã hội thừa nhận. Như vậy, bản thân gia đình đã mang một giá trị xã hội. Chính các chức năng này mới đem lại cho gia đình một giá trị đích thực. Sự thừa nhận các chức năng của gia đình tức là đã thừa nhận gia đình là một giá trị trong xã hội và gia đình vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay.

Làm thế nào để có thể phát huy tốt nhất vai trò của gia đình trong sự phát triển của xã hội?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình".

Gia đình có 4 chức năng, trong đó Chức năng giáo dục, Chức năng thỏa mãn tình cảm giữa các thành viên trong gia đình và Chức năng kinh tế là những chức năng quan trọng trong sự phát triển xã hội.

Để phát huy tốt nhất vai trò của gia đình trong sự phát triển của xã hội, trước hết cần phải làm tốt công tác gia đình, thông qua việc phải tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quản lý nhà nước về gia đình và Nhà nước có cơ chế, chính sách tốt hơn nữa để tạo điều kiện cho mỗi gia đình thực hiện tốt các chức năng, nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, theo tinh thần của Chỉ thị số 49 năm 2005 của Ban Bí thư. 

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo Văn Hiến

 

Văn Hiến