Đề xuất gói hỗ trợ lần 2
Mới đây, bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có công văn gửi bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh. Kinh phí của gói hỗ trợ lần này lên tới 18.600 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm.
Theo đề xuất, đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh); người lao động tại khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, mức vay tối đa theo quy định tại Nghị định số 74/2019/NĐ-CP (đối với cơ sở sản xuất kinh doanh 2 tỷ đồng, đối với người lao động 100 triệu đồng).
Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới, thời gian áp dụng từ ngày 1/9/2020 đến ngày 1/9/2021. Lãi suất vay là 3,96%/năm (bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Kinh phí ước tính là 15.000 tỷ đồng.
Người lao động ở Hà Nội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi). Đối tượng thụ hưởng của chính sách này là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động.
Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người (hộ)/tháng và (hoặc) 1.000.000 đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Hỗ trợ tối đa 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2020. Kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.
Nếu được chấp thuận, thì gói hỗ trợ này sẽ là gói hỗ trợ thứ hai sau gói 62.000 tỷ đồng đã được triển khai hồi tháng 5/2020. Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng mới tiếp cận được 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng (chủ yếu là hộ thuộc diện chính sách) với tổng kinh phí là 17.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quá trình triển khai, nhiều chuyện dở khóc dở cười khi nhiều địa phương đã để tiền “đi lạc” vào các “hộ giàu” - những hộ không thuộc diện được nhận chính sách ưu đãi.
Ông Nguyễn Hữu Phước (53 tuổi) - một người dân chạy xe ôm ở Hà Nội cho biết, hai vợ chồng làm nghề tự do, khi làm hồ sơ gửi lên phường nhưng không đủ điều kiện nhận được tiền hỗ trợ. Hay chị Đỗ Mai (quê Nam Định) - bán hàng rong ở khu vực phố cổ Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 khiến chị không buôn bán được như trước. Thu nhập thấp mà tiền nhà vẫn không giảm. Khi về quê, chị muốn nhận hỗ trợ thì chị cũng không được nhận vì không thuộc hộ nghèo.
TS Lê Đăng Doanh.
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận, gói hỗ trợ lần 2 cần phải có độ phủ rộng hơn, phải bao quát toàn diện các đối tượng bởi dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực; đồng thời nới lỏng điều kiện xác minh, xét duyệt.
Ông Doanh cho rằng, việc doanh nghiệp chưa tiếp cận được gói hỗ trợ lần 1, bộ, ngành cần xem xét lại vì sao, chính sách đã thực sự hiệu quả hay chưa, cần điều chỉnh, bổ sung và quan trọng, một chính sách mới thì phải cởi mở hơn, thiết thực và ý nghĩa hơn.
Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu
Khi rất nhiều ngành nghề chới với, lao đao trong dịch bệnh, sẽ không một doanh nghiệp nào nằm im để đợi “phao cứu sinh”. Họ sẽ phải vùng vẫy bằng mọi cách để khỏi “chết đuối”, dù hoạt động chỉ một vài ngày trong cả tháng. Thực tế, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, dù chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh và phải cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô nhưng vẫn không thể “chạm tay” vào các gói hỗ trợ từ bộ, ngành.
Khi khảo sát về tình hình kinh doanh khách sạn tại khu vực phố cổ Hà Nội, PV đã nhận được rất nhiều cái lắc đầu của các chủ doanh nghiệp khu vực này. Hay nói theo cách nói đùa thì “muốn nhận hỗ trợ, chỉ có nước nhảy vào ti vi mà nhận”.
Khi trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Anh Quân - Tổng Giám đốc công ty Cổ phần quản lý G7 Taxi - cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, công ty có hơn 1.000 lái xe đã hoàn tất thủ tục xin hỗ trợ bởi dịch Covid-19 theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, song chưa có trường hợp nào được giải quyết.
“Cái khó trong quy định hỗ trợ là chỉ áp dụng với lao động bị hoãn hợp đồng, nghỉ việc liên tục từ 1/4/2020 đến 30/6/2020 trong khi các tài xế chỉ nghỉ liên tục 22 ngày, sau đó luân phiên đi làm trở lại. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng theo. Tuy vậy, do thời gian nghỉ không đủ một tháng liên tục nên những lao động này cũng không đủ điều kiện để được hỗ trợ”, ông Quân cho hay. Còn về mong muốn trong gói hỗ trợ lần 2, ông Quân nói rằng “không kỳ vọng nhiều”.
Hơn 1.000 tài xế tại công ty G7 Taxi làm thủ tục xin hỗ trợ Covid-19, song chưa có trường hợp nào được giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - bày tỏ: “Gói tín dụng 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% hỗ trợ người lao động ngừng việc đưa ra điều kiện doanh nghiệp phải không có doanh thu, đã sử dụng hết các quỹ mới được vay. Nhưng thực chất, nếu không còn doanh thu, doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động thì đâu cần vay”.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, hiệu quả các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội thời gian qua chỉ ở mức vừa phải. TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng viện Quản lý kinh tế Trung ương - nói rằng, gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng mới triển khai được hơn 17.000 tỷ đồng là tỷ lệ thấp. “Tôi cho rằng có tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, khiến việc triển khai hỗ trợ bị chậm trễ, thậm chí sai đối tượng”, ông Thành bày tỏ.
Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách cục Việc làm (bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: Dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp và khó lường, thời gian ảnh hưởng không ngắn với người lao động. Gói hỗ trợ tiếp theo hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động là cần thiết.
“Tuy nhiên, trước hết, các cơ quan chức năng phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện và sửa đổi những gói hỗ trợ đã có ở đây là gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đang được triển khai. Trong đó, đặc biệt chú ý đến vấn đề thủ tục hành chính và điều kiện được hưởng để các gói hỗ trợ này thực sự thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động. Phải làm sao để nhiều đối tượng được tiếp cận tiền hỗ trợ chứ không nên đưa ra nhiều điều kiện quá khắt khe”, ông Trung nói.
Theo báo cáo của bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội. Có tới 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch Covid-19. Số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tăng 41,5%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, đặc biệt thất nghiệp ở nhóm thanh niên từ 15 - 54 tuổi, chiếm 30,7% tổng số thất nghiệp. |
Hỗ trợ doanh nghiệp trên nguyên tắc trật tự phân hạng PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính (trường đại học Kinh tế TP.HCM) - cho rằng, hầu hết các gói hỗ trợ đã ban hành đều rơi vào tình trạng không hiệu quả hoặc rất mờ nhạt. Các doanh nghiệp chủ yếu vẫn tự gồng mình chống chịu chứ sự trợ giúp từ các chính sách vẫn rất hạn chế. PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính (trường đại học Kinh tế TP.HCM). Ông đánh giá như thế nào về chính sách hỗ trợ trong gói vay 16.000 tỷ (gói vay trả lương lãi suất 0% nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động) của Chính phủ dành cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh vừa qua? Tôi đánh giá rất cao việc Chính phủ đưa ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, phải xem xét lại về cách hỗ trợ và đối tượng được nhận, nhất là trước khi có gói hỗ trợ lần 2, phải đánh giá lại hiệu quả của các gói hỗ trợ lần 1 để xem hiệu quả đến đâu, có phát huy tác dụng hay không. Hiện tại, hầu như các gói hỗ trợ đã ban hành đều rơi vào tình trạng không hiệu quả hoặc rất mờ nhạt. Các doanh nghiệp chủ yếu vẫn tự gồng mình chống chịu chứ sự trợ giúp từ các chính sách vẫn rất hạn chế. Một bộ phận doanh nghiệp cần được ưu tiên giải cứu để tránh việc phá sản hàng loạt khiến sản xuất bị đứt gãy, sa thải quá nhiều người lao động. Nhóm đối tượng cũng cần được trợ giúp là những người lao động yếu thế, người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thực tế, cả hai nhóm này nhận được hỗ trợ rất ít từ gói 62.000 tỷ đồng. Trong gói hỗ trợ được đưa ra trước đó, thì hầu hết các doanh nghiệp đều không thể tiếp cận được vì những tiêu chí, điều kiện vô cùng khắt khe. Ông có quan điểm gì về điều kiện để gói hỗ trợ đến được tay doanh nghiệp một cách hiệu quả và phát huy tác dụng tối đa? Với các gói hỗ trợ lần 2, nên hạ các điều kiện thụ hưởng xuống để các gói này tiếp cận được đúng và nhiều đối tượng hơn. Trong lần 1, chúng ta chưa có kinh nghiệm ứng phó cũng như giải quyết hậu quả của dịch nên những tiêu chuẩn đưa ra mang tính chủ quan nhất thời. Đến lần 2 này, sau khi đã có đánh giá được thực trạng và tính hiệu quả của lần 1 thì việc điều chỉnh lại cho phù hợp là đương nhiên. Việc giữ ổn định hoạt động của doanh nghiệp cũng như đảm bảo việc làm cho người dân là điều kiện tiên quyết, hạn chế tối đa tình trạng phá sản xảy ra hàng loạt để khi dịch bệnh đi qua sẽ dễ giúp nền kinh tế phục hồi. Vậy theo ông, đối với các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì cần dựa trên nguyên tắc nào hay không? Doanh nghiệp có thể chia làm hai loại hình, một bên là các tập đoàn kinh tế nhà nước và một bên là kinh tế tư nhân. Trong đó, các tập đoàn nhà nước đặc thù có tiềm lực tài chính mạnh, có mô hình hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực hoặc có tính đặc thù nên đủ sức để gắng gượng qua mùa dịch. Đáng lo ngại nhất là các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Đa số họ không có tiềm lực tài chính nên dễ bị tổn thương khi tiêu dùng và tổng cầu của nền kinh tế giảm xuống, Chính vì vậy, họ rất cần được ưu tiên hỗ trợ và bảo vệ. Bên cạnh sự hỗ trợ từ nhà nước, bản thân họ cũng phải cố gắng. Chính sách sau dịch của Việt Nam sẽ rất khác các nước vì chúng ta đã phải chi ra một khoản tiền lớn so với quy mô ngân sách và nền kinh tế để chống dịch và dập dịch. Việc khống chế được dịch bệnh sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi để khôi phục và kích hoạt lại nền kinh tế. Nhưng ngược lại, nó cũng tạo ra những áp lực rất lớn đến việc cân đối ngân sách và đảm bảo các nhiệm vụ chi tiêu tài khoá khác. Đây chính là lý do phải tiếp cận các gói hỗ trợ trên nguyên tắc trật tự phân hạng, đâu là đối tượng ưu tiên, thành phần kinh tế, doanh nghiệp nào cần được hỗ trợ trước. Xin cảm ơn những chia sẻ của ông! |