Bước sang ngày thứ 8 hậu phẫu, Hoàng Trúc Nhi, Hoàng Diệu Nhi (13 tháng tuổi) đang được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM, chăm sóc tích cực. Trước đó, cặp song sinh này đã được 93 y bác sĩ mổ tách phần bụng chậu dính liền.
GS.TS Trần Đông A, chuyên gia cao cấp, Cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, đánh giá đây là một trong những ca mổ hiếm và rất phức tạp. Sau mổ tách, cặp song sinh này sẽ trải qua hành trình gian nan để tìm lại sự bình thường.
“Hai quyết định sáng suốt và nhân văn”
Gần một tuần kể từ thời điểm tách thành công cặp song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi, GS Trần Đông A còn nguyên vẹn cảm xúc.
Ông cho biết 32 năm trước, cũng gần 70 y bác sĩ thực hiện ca mổ dính bụng chậu cho cặp song sinh Việt - Đức. Giờ đây, ở tuổi 79, ông cùng các học trò tiếp tục viết lên điều kỳ diệu khi tách rời cặp song Nhi, cũng mắc dị tật dính liền tương tự.
Tuy nhiên, GS Đông A cho rằng hai ca mổ tách này có nhiều điểm khác biệt. Cụ thể, sức khỏe song Nhi trước ca mổ tương đối tốt. Bé Diệu Nhi có khuyết điểm nhỏ ở phổi nhưng không đáng lo ngại. Các cháu mới chỉ 13 tháng tuổi, đúng tuổi để thực hiện phẫu thuật theo y văn.
Việc mổ tách Trúc Nhi - Diệu Nhi và Việt - Đức đều là những quyết định đúng thời điểm, nhân văn. Ảnh: Thuận Thắng. |
Cặp song sinh Việt - Đức ở thời điểm được mổ tách đã lên 8 tuổi. Nguyễn Đức từng trải qua thời gian lo sợ khi Nguyễn Việt lên cơn co giật. Ca mổ tách được thực hiện lúc bấy giờ như ánh sáng cuối đường hầm cho Đức.
“Lịch sử y khoa thời điểm năm 1988 chưa ghi nhận có ai dám cầm dao mổ trong nhiều giờ như vậy cho bệnh nhi bại não. Ngoài ra, Việt - Đức chỉ có 3 chân và bị chéo, không đầy đủ 4 chi cân xứng như song Nhi. Việc tách rời hai cặp song sinh này đều là những quyết định đúng đắn, đúng thời điểm, sáng suốt và rất nhân văn”, GS Đông A khẳng định.
Điểm quan trọng cần lưu ý khi chăm sóc song Nhi sau mổ
GS Đông A cho biết dù song Nhi đã mổ tách phần bụng chậu dính liền, trở thành hai cá thể riêng biệt, đây chỉ là thành công bước đầu.
“Hành trình đi tìm lại sự bình thường của song Nhi sẽ còn nhiều gian nan. Trước mắt, hai cháu phải vượt qua được giai đoạn hồi sức hậu phẫu”, ông nói.
Vị giáo sư đánh giá việc trải qua 13 giờ trên bàn mổ khi chỉ vừa hơn một tuổi là thời gian quá lâu đối với Trúc Nhi lẫn Diệu Nhi. Do đó, cặp song sinh này sẽ còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, biến chứng khó lường có thể xảy ra trong quá trình hồi sức sau mổ.
Vấn đề đầu tiên là phổi. Đây là cơ quan yếu nhất của hai bé khi đơn vị phổi còn ít. Trong khi đó, phổi là nơi trao đổi oxy, hỗ trợ vấn đề thở và lành mô.
“Trước và sau khi mổ, tôi đã đặc biệt dặn dò TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, theo dõi sát tình trạng phổi của hai cháu. Khi ổn định hơn, hai cháu cần được tiến hành tập vật lý trị liệu hô hấp để cải thiện chức năng thông khí ở phổi”, GS Đông A nói.
Dù không trực tiếp mổ, GS Trần Đông A vẫn theo dõi quá trình mổ tách cặp song sinh suốt 13 giờ. Ảnh: Thuận Thắng. |
Tiếp theo là vấn đề nhiễm trùng sau mổ. Việc nhiễm trùng có thể xảy ra do vết mổ của hai bé nằm ở vùng hội âm, gần hậu môn và đường tiểu. Trong khi đó, hai bé đang được bó bột, khép khung chậu nên vùng hội âm lúc này rất khó chăm sóc.
Do đang được bó bột nên giai đoạn này, hai bé phải nằm ngửa, không thể xoay trở người. Điều đó khiến vùng da bên dưới có nguy cơ bị loét.
“Tôi vừa biết tin hai cháu đã được các điều dưỡng chuyển sang nệm chống loét, điều này rất đúng”, GS Đông A nhận định.
Sau khi mổ tách rời, nhiều bộ phận chung của hai bé được đặt ống thông ra ngoài. Ở cơ quan tiêu hóa, hai bé được nhóm phẫu thuật ngoại tổng quát chia đôi ruột. Bé Trúc Nhi được chia nửa đầu đại tràng. Nửa cuối đại tràng kèm hậu môn chung được chia cho bé Diệu Nhi. Hiện tại, hai bé đều được làm hậu môn tạm.
Về cơ quan tiết niệu sinh dục, trong ca mổ, các bác sĩ đã tạo hình hệ niệu sinh dục, xoay bàng quang, tử cung và phần phụ vào ổ bụng mỗi bé. Hai bé được đưa bàng quang ra da và đặt ống thông bàng quang. GS Đông A nhận định tại vị trí đặt các ống thông này cần được theo dõi nhiễm trùng từ bên ngoài.
Hành trình gian nan
GS Đông A cho biết ca mổ tách hai bé chỉ là thành công bước đầu. Việc chăm sóc song Nhi giai đoạn hậu phẫu là vấn đề quan trọng không kém gì phẫu thuật. Do đó, bệnh viện cần lên phương án đầy đủ, bố trí nhân lực theo dõi đặc biệt từng diễn tiến của hai bé.
Thời gian tới, khi song Nhi khỏe hơn, các bác sĩ sẽ tính toán việc đóng hậu môn tạm và phẫu thuật đường tiêu hóa cho hai bé.
Bé Diệu Nhi đã được chia phần hậu môn chung. Với bé Trúc Nhi, các bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra kỹ vết tích ở vị trí hậu môn xem có cơ vòng hay không. Nếu có cơ vòng, bé Diệu Nhi sẽ được tiến hành tạo hình hậu môn, sau đó đó nối ruột xuống, bé sẽ có đường tiêu hóa hoàn chỉnh. Trường hợp hợp không có cơ vòng, bé sẽ sử dụng hậu môn tạm.
Về đường tiết niệu, hiện tại, hai bé đang được đặt ống thông bàng quan tạm. Nguyên nhân là việc bóc tách nhiều ở vùng chậu khiến bàng quang bị liệt một thời gian. Các bác sĩ sẽ đánh giá, theo dõi bàng quang để rút ông thông vào thời gian phù hợp.
“Đây chỉ là những phương án xử trí trước mắt. Ngoài ra, các bác sĩ còn phải đặc biệt theo dõi sát vết thương ở vùng chậu vì hai bé có thể phải bó bột khoảng một tháng. Hiện nay, chúng ta đang hướng đến y học cá thể. Do đó, mỗi bệnh nhi sẽ có những phương pháp xử trí khác nhau, không bé nào giống bé nào và cũng không có tiêu chuẩn nhất định. Một bác sĩ giỏi là phải theo dõi từng bệnh nhi, biết khi nào cần làm gì và nên xử trí lúc nào là phù hợp nhất”, GS Đông A nhận định.
“Mổ chỉ là một phần, tách ra được là cũng là một phần của thành công ban đầu. Việc chăm sóc, hồi sức và vật lý trị liệu cho hai bé để có thể tìm lại sự bình thường mới là đích đến của chúng ta. Hai cháu sẽ còn trải qua hành trình khá gian nan”, ông nói thêm