“Ma trận” hàng tiêu dùng không tem nhãn
Trên địa bàn Hà Nội, những năm gần đây xuất hiện hàng loạt các hàng tiêu dùng được cho là nhập khẩu chính hãng từ Thái Lan. Thế nhưng, rất nhiều sản phẩm không hề được dán tem phụ thể hiện bằng tiếng Việt, còn tem chính sản phẩm hoàn toàn bằng chữ Thái Lan khiến người tiêu dùng hoang mang.
Cụ thể, qua khảo sát một số cơ sở của chuỗi cửa hàng tiện lợi Lamason10k, PV nhận thấy, rất nhiều sản phẩm hàng tiêu dùng nhập khẩu nước ngoài không có nhãn phụ. Khi được hỏi về lý do, nhân viên cửa hàng trả lời rằng do các sản phẩm này được đóng trong cùng một thùng, chỉ có thùng lớn mới có nhãn phụ.
Đa số các mặt hàng không có tem phụ ở đây đều là sữa tắm, dầu gội, mỹ phẩm và các mặt hàng da dụng khác
Chai nước tẩy trang được bày bán ở Lamason 10k có tình trạng móp méo, đọng nhiều cặn và không có tem phụ với giá 80.000đ - rẻ hơn nhiều so với sản phẩm chính hãng
Nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan chỉ có nhãn nguyên gốc, không có nhãn phụ Tiếng Việt
Chuỗi cửa hàng Lamason10k đều bày bán các mặt hàng không tem nhãn, không rõ nguồn gốc
Bên cạnh hàng tiêu dùng, thì mỹ phẩm cũng là một trong những loại hàng hóa được tiêu thụ nhiều nhất vào thời điểm cuối năm. Chúng tôi đã có mặt tại COCOLUX thường được gọi với cái tên “COCO SHOP”, là địa điểm lui tới thường xuyên của nhiều bạn trẻ.
Tại đây bày bán đa dạng mặt hàng mỹ phẩm, từ sản phẩm chăm sóc da đến trang điểm luôn bắt kịp thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, nhiều sản phẩm tại COCOSHOP thiếu tem nhãn, có mức giá “mềm” hơn so với trang Web phân phối chính thức, dấy lên nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ, mập mờ về thông tin sản phẩm.
Tương tự Lamason10K, nhiều sản phẩm ở Cocoshop cũng không có nhãn phụ tiếng Việt
Các mặt hàng ở đây nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc, Mỹ, Nhât Bản... Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, nhiều sản phẩm không có tem phụ ghi rõ thông tin bằng tiếng Việt theo quy định.
Khi PV có thắc mắc thì một nhân viên tại đây thản nhiên cho biết: “Hàng này chỉ có tem trên thùng đựng thôi, còn trên lọ không có, một số sản phẩm thì bên cửa hàng chưa kịp dán. Nếu em muốn biết thông tin sản phẩm thì em vào google dịch hoặc vào web của Cocoshop để xem”.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, tại sao lại bắt khách hàng phải dùng cách “cồng kềnh” như vậy để tra thông tin mỹ phẩm? Liệu cửa hàng có nên trưng bày “Thùng đựng” thay vì “lõi” hay không?
Nhân viên của Cocoshop cũng không biết rõ thông tin về sản phẩm và lý do tại sao nhiều mỹ phẩm tại đây không có nhãn phụ tiếng Việt.
Người tiêu dùng hoang mang
Bạn Thùy Dung (21 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Mình cũng hay mua mỹ phẩm và đồ dùng tại Cocoshop và lamason10k. Cá nhân mình thấy đồ ở đó có giá khá mềm. Đúng là một số sản phẩm không có chữ tiếng Việt hơi bất tiện, mình cũng từng nghe nhiều thông tin về việc hai cửa hàng này bán đồ không rõ nguồn gốc nhưng cũng chẳng biết rõ là thực hư thế nào”.
Trước đó, có nhiều phản ánh của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm do Cocoshop phân phối, cung cấp. Cơ sở này đã từng bị xử lý hành chính về vi phạm trên. Tuy nhiên, có vẻ như mức phạt hành chính vẫn không đủ sức răn đe đối với 2 cơ sở trên mà cần phải có biện pháp mạnh tay hơn, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng phản ánh về các sản phẩm kém chất lượng của chuỗi cửa hàng Cocoshop
Để làm rõ thông tin về những sai phạm trên, PV đã liên hệ làm việc với cơ quan chủ quản của hai đơn vị này. Quản lý cửa hàng Lamason10k tên Chiến đã thừa nhận việc các cơ sở của chuỗi cửa hàng này có bán các sản phẩm không tem phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Còn quản lý tên Phương Thảo ở chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Cocoshop lại thanh minh và bao biện rằng: “Bình thường tất cả sản phẩm bên em đều có tem phụ, nhưng nhiều khi số lượng hàng về quá nhiều nên bên em không dán. Vì hàng hóa ở đây chủ yếu là xách tay nên một số mặt hàng mới không có tem phụ tiếng Việt”.
Khi PV đặt ra câu hỏi là khách hàng mua mỹ phẩm xách tay không tem phụ ở đây mà không biết rõ nguồn gốc xuất xứ và hóa đơn chứng từ của sán phẩm thì liệu có phải là cửa hàng đang bán hàng lậu, hàng trôi nổi không? thì nhận được sự im lặng của quán lý. Theo quan sát của PV, có rất nhiều loại mỹ phẩm nhập ngoại ở đây không hề có tem phụ, chứ không chỉ là “một số” như lời quản lý Thảo nói.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình- Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: “Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa được Nhà nước ta khuyến khích và ngày càng phát triển, do vậy hàng hóa nhập khẩu ngày càng nhiều. Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam, pháp luật đã quy định về nhãn phụ giúp người tiêu dùng nhận biết được các thông tin cơ bản của sản phẩm, hạn chế vấn đề bất đồng ngôn ngữ.
Đồng thời, để sản phẩm có thể được lưu thông, phân phối đúng theo quy định của pháp luật hoặc tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, doanh nghiệp nước ngoài cần in và dán nhãn phụ cho sản phẩm. Nếu vi phạm quy định này thì trách nhiệm trước tiên thuộc về tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu hàng hóa. Các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử phạt để đẩy lùi các tình trạng trên...”
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử phạt để đẩy lùi các tình trạng trên
Theo khoản 3, Điều 7 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa - quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này”- Luật sư Diệp Năng Bình cho biết thêm.
Việc không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt trên sản phẩm nhập khẩu gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, thành phần, cách sử dụng và bảo quản, nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng chính hãng, hàng nhập lậu… Đồng thời đây cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong công tác quản lý thị trường của cơ quan chức năng.
Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP thì hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam có mức phạt tiền cao nhất là từ 30 triệu đồng đến 60 triệu đồng.