Hà Nội có áp dụng giãn cách khi số ca mắc tăng cao?

Thảo Huyền

Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS.TS Trần Đắc Phu xoay quanh tình hình dịch bệnh tại Hà Nội và biện pháp phòng, chống dịch thời gian tới.

Người Đưa Tin (NĐT): Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu (Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam), tại phiên chất vấn của HĐND thành phố sáng 9/12, bà Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong giai đoạn vừa qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp. Từ 11/10, số ca mắc tăng cao, và với tình hình này, có thể lên tới 1.000 ca/ngày, vậy số ca mắc ở Hà Nội ngày một tăng cao có đáng lo ngại? Ông có đánh giá như thế nào về tình hình dịch tại Hà Nội hiện nay?

Sự kiện - Hà Nội có áp dụng giãn cách khi số ca mắc tăng cao?

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng không phong toả diện rộng mà nguy cơ đến đâu phong toả đến đó.

PGS.TS Trần Đắc Phu: Việc giãn cách, nới lỏng và tăng cường các hoạt động dẫn đến việc tiếp xúc giữa người với người, trong đó có sự tiếp xúc giữa người nhiễm Covid với người không bị làm lây lan. Đặc biệt là tổ chức các sự kiện đông người như đám ma, ăn uống, tiếp xúc giữa người lạ với nhau, hay từ người đi từ nơi có dịch về làm lây lan… điều này cũng nằm trong dự báo từ trước.

Như vậy, đến thời điểm này dịch bệnh tại Hà Nội vẫn kiểm soát được. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tăng cường kiểm soát, bởi nếu để bùng phát quá thì sẽ quá tải hệ thống y tế.

NĐT: Hiện nay, số bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội cũng đang kêu là quá tải vì số F0 nhập viện tăng. Theo ông cần phải làm gì để hệ thống y tế tại Hà Nội không rơi vào tình trạng quá tải?

Sự kiện - Hà Nội có áp dụng giãn cách khi số ca mắc tăng cao? (Hình 2).

Người dân càng cần phải cẩn trọng hơn vì trong cộng đồng hiện có nhiều F0.

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện nay, tất cả các F0 nhiều cũng sẽ có những ca có triệu chứng, hay có những ca phức tạp nên cần hệ thống y tế để theo dõi, liên hệ, tư vấn. Vì thế, không được để ca mắc cao quá mức, như thế y tế sẽ không kiểm soát được, đặc biệt là y tế cơ sở. Theo tôi được biết, y tế cơ sở ở Hà Nội cũng đã bắt đầu phải căng mình, nếu không tư vấn cho bệnh nhân được mà bệnh chuyển nặng thì dẫn đến tử vong.

Khi tiêm vắc-xin rồi thì tỉ lệ nặng là ít, nhưng vẫn vào những người bệnh nền, tuổi già, cũng có người tiêm hai mũi nhưng vẫn chuyển nặng…

Để hệ thống y tế Hà Nội không rơi vào tình trạng quá tải, theo tôi không phải chỉ có ngành y tế mà quan trọng là giải pháp phòng bệnh. Thứ nhất, “nới lỏng không phải thả lỏng”, phải tuân thủ thực hiện 5K, thực hiện hoạt động thiết yếu nhưng phải có điều kiện kiểm soát, không tập trung đông người nhất là ở những nơi có nguy cơ như: Hội nghị, đám cưới, đám tang, ăn uống, siêu thị, chợ búa,tiếp xúc khi đi lại… người dân càng cần phải cẩn trọng hơn vì trong cộng đồng hiện có nhiều F0.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng phải tăng cường truyền thông, kiểm tra giám sát, tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, tăng cường về nhân viên, tập huấn cho họ và bố trí trang thiết bị như ô xy, xe cấp cứu… Tất cả phải được trang bị sẵn sàng để đối phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra như thể Delta đang bùng phát cũng như có thể là giờ đây biến chủng Omicron đang cho là có thể  có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều lần so với biến thể Delta.

Sự kiện - Hà Nội có áp dụng giãn cách khi số ca mắc tăng cao? (Hình 3).

Theo ông Phu, người dân dù đã tiêm phòng nhưng không được chủ quan.

NĐT: Có ý kiến cho rằng, số ca bệnh tại Hà Nội tăng như vậy thì Hà Nội nên áp dụng giãn cách, theo ông ở thời điểm này chúng ta có nên tiếp tục thực hiện giãn cách?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện nay, chúng ta không thực hiện giãn cách diện rộng nữa, thay vào đó là phải phong toả ổ dịch, xem nguy cơ đến đâu thì phong toả đến đó, phong toả có khi chỉ cần một vài nhà vì tôi vẫn nói rằng “virus không bay được từ nhà nọ sang nhà kia”.

Hiện, chúng ta cũng đã có tỉ lệ tiêm vắc-xin cao, có nới lỏng để phục hồi kinh tế thì chúng ta không phong toả rộng mà nguy cơ đến đâu phong toả đến đó, hạn chế mức thấp nhất các nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra.

NĐT: Xin cảm ơn PGS.TS Trần Đắc Phu về cuộc trao đổi này!

Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 10/12, toàn thành phố ghi nhận thêm 863 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó cộng đồng (272), khu cách ly (478), khu phong tỏa (113) tại 29 quận, huyện.

Về công tác điều trị, các bệnh viện của trung ương, Hà Nội, cơ sở thu dung điều trị, trạm y tế lưu động đang tiếp nhận và điều trị cho 7651 trường hợp F0. Trong đó, 2 bệnh viện của Trung ương là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị cho 233 bệnh nhân. 28 bệnh viện của Hà Nội điều trị cho 1760 bệnh nhân. Trong ngày có thêm Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận điều trị F0 với 10 bệnh nhân.

Kết quả tiêm vắc-xin cho người trên 18 tuổi, trong ngày toàn thành phố thực hiện được 15.929 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm thực hiện được ở đối tượng này là 12.388.995 mũi.

Kết quả tiêm vắc-xin cho trẻ từ 15-17 tuổi, trong ngày thực hiện được 1558 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm từ ngày 23/11 đến nay lên 291.464 mũi/302.788 trẻ đạt 96,26%.

Kết quả tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-14 tuổi, trong ngày thực hiện được 6772 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm từ ngày 27/11 đến nay là 342.497 mũi/391.465 trẻ, đạt tỷ lệ 87,49%.

Hiện tại, các hoạt động phòng chống dịch như giám sát người về từ các tỉnh, thành phố trong cả nước; điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc gần; xét nghiệm; tiếp nhận và điều trị cách ly tại bệnh viện các trường hợp F0 và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vẫn đang được ngành y tế tích cực triển khai.