Hà Nội: Gần 400 dự án bất động sản 'đắp chiếu', trách nhiệm thuộc về ai?

Biên tập viên

Hệ lụy của việc HN mạnh tay phê duyệt, cấp phép tới gần 400 dự án, rồi sau đó bỏ hoang đã dẫn tới việc người dân mất đất sản xuất, còn hàng loạt ông lớn BĐS thì “ôm” hàng trăm ha đất

Gần 400 dự án đang “đắp chiếu”

Cụ thể, theo kết quả giám sát mới đây của HĐND TP. Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, tại 8 quận, huyện thì có tới 211 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, chậm triển khai và chưa có biện pháp khắc phục… Nếu cộng thêm 172 dự án của các quận, huyện, thị xã còn lại, thì trên địa bàn Hà Nội có tới hơn 380 dự án đang “đắp chiếu”…

Trong đó, việc các doanh nghiệp ôm đất và bỏ hoang xảy ra nhiều nhất ở huyện Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (50 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án), Bắc Từ Liêm (23 dự án)… Thậm chí, tại các địa phương này, có những dự án chủ đầu tư được chính quyền giao đất xong thì… mất hút, không phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định.

Một khu đô thị tại Mê Linh sau hơn chục năm triển khai vẫn mới chỉ có vài căn nhà được xây dựng

Tại huyện Mê Linh, có tới gần 2.000 ha đất dự án KĐT đang bị bỏ hoang. Trong số đó, có 47 dự án được giao đất từ nhiều năm về trước, nhưng đến nay nhiều dự án vẫn bị bỏ hoang. Đơn cử là 35 dự án còn chưa giải phóng mặt bằng xong, thậm chí đất dự án trở thành bãi cỏ mọc um tùm.

Có thể kể một số dự án đang bỏ hoang như: Dự án Khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Công ty Cổ phần Vinh Sơn hơn 60 ha; Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phúc Việt có quy mô 24,3 ha; Khu đô thị Minh Giang Đầm Và của Công ty TNHH Minh Giang gần 22ha; Dự án Làng hoa Tiền Phong của Công ty TNHH Tiền Phong trên 40ha; Dự án Làng hoa Quốc tế Tiền Phong gần 30ha; Dự án KĐT CEO (21ha); Dự án Diamon Park (14ha); Phúc Việt; River Land; Chi Đông; Khu đô thị mới Hà Phong; Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2; Dự án Khu đô thị Việt Á,...

Hiện trạng của Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Ảnh: 24h.com.vn)

NHiều dự án, hơn 10 năm qua, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng, người dân vẫn đang còn kiện cáo, khiếu nại, chưa chịu nhận tiền đền bù... Những dấu hiệu vi phạm quá rõ ràng nhưng những cơ quan liên quan ở Hà Nội hiện vẫn chỉ mỗi biện pháp “thúc giục” chủ đầu tư hoàn thiện dự án.

Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), trong khi 2 dự án Thanh Lâm – Đại Thịnh bỏ hoang gây bức xúc trong nhân dân và chính quyền sở tại suốt hàng chục năm qua vẫn chưa được giải quyết…

Trước thực trạng nêu trên, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội kiểm tra và chỉ đạo xử lý tình trạng các dự án khu đô thị bị bỏ hoang, gây lãng phí nghiêm trọng…

Ai chịu trách nhiệm?

Liên quan tới vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) khẳng định: “Các dự án đang bỏ hoang ở Hà Nội chính là một câu hỏi lớn về sự quản lý của bộ máy Nhà nước đối với các công trình đầu tư “rơi vào quên lãng”.

“Rõ ràng đấy là tiền của Nhà nước, đất đai Nhà nước, tài sản, sinh kế Nhân dân… Tại sao để tới con số gần 400 dự án bỏ hoang như vậy? Bỏ hoang bao lâu, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân như thế nào? Đấy là những vấn đề cần phải được làm rõ”.

Những căn biệt tự đã xây xong phần thô tại dự án Khu đô thị mới Hà Phong (Ảnh: 24h.com.vn)

Ông Doanh cũng đề nghị Quốc hội cần quan tâm và có ý kiến về vấn đề này đồng thời Hà Nội cần phải lập các hội đồng đánh giá, các chuyên gia kinh tế độc lập tham gia đóng góp ý kiến để giải quyết thực trạng được cho là “khó có thể chấp nhận nổi”.

“Ở đây cần phải xem xét vấn đề lợi ích nhóm. Đây là một thực tế mà trong các lần phát biểu ý kiến chính Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý. Tôi kiến nghị, cần làm rõ nguyên nhân tại sao Hà Nội không giải quyết quyết liệt đối với các dự án đã có dấu hiệu vi phạm rõ ràng mà xử lý một cách kéo dài, không đúng quy trình như vậy".

Đặc biệt là trách nhiệm của những người ký cấp phép thực hiện dự án. Họ luôn nói rằng việc cấp phép là đúng quy trình, chặt chẽ, cả một bộ máy đồ sộ giám sát, xem xét, nhưng bây giờ dự án bỏ hoang như thế thì trách nhiệm của ai? Rõ ràng là trách nhiệm của những người thẩm định, những người ký cấp phép cho các dự án”, TS Lê Đăng Doanh kiến nghị.

Theo THCL