Kỳ 2: Quyền bảo vệ môi trường sống chính đáng của người dân
Dẫn chiếu văn bản quy phạm pháp luật đã bị bãi bỏ
Sau khi kỳ 1 bài viết được đăng tải, Báo Đời sống & Pháp luật đã nhận được sự hưởng ứng của người dân xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cũng như một số chuyên gia. Nhiều người dân đồng tình, sẵn sàng cung cấp mọi thông tin cần thiết để PV xác minh làm rõ sự việc.
Người dân xã Lương Điền bức xúc cho rằng, vị trí xây dựng Nhà máy xử lý rác thải, phát điện của nhà đầu tư United Expert Investments Limited và Công ty cổ phần tài nguyên và Môi trường Âu Việt được đặt gần khu dân cư, trường học, nơi an nghỉ của bà mẹ Việt Nam anh hùng…là không hợp lý. Bởi vì tiềm ẩn nguy cơ lớn về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Nỗi lo của người dân xã Lương Điền về sự ô nhiễm đến từ nhà máy xử lý rác
Trả lời kiến nghị của người dân thôn Bình Long, xã Lương Điền, UBND huyện Cẩm Giàng đã gửi tới người dân 2 bản thông báo số 593/TB-UBND ngày 23/02/2019 và số 605/TB-UBND ngày 19/02/2019 với nội dung trả lời kiến nghị, phản ánh của một số công dân.
Theo phản ánh của người dân và đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý, trong hai văn bản trả lời của UBND huyện Cẩm Giàng do chủ tịch huyện Trịnh Ngọc Thành ký có một số điểm không hợp lý.
Thứ nhất, trong cả 2 văn bản đều dẫn chiếu quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 05 nguyên tắc và 07 thông số vệ sinh lao động. Tại điểm 4.1.2, Mục 4, Khoản II quy định: Khoảng cách 500m đối với các nhà máy trung tâm tận dụng lại rác thải và đốt rác.
Tuy nhiên, mục này bị bãi bỏ bởi khoản 11 mục IV phần B phụ lục ban hành kèm theo Điều 1 thông tư 25/2018/TT-BYT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế do bộ trưởng bộ y tế ban hành, liên tịch ban hành, có hiệu lực ngày 15/11/2018.
Như vậy tính tới thời điểm UBND huyện Cẩm Giàng ra 2 thông báo trả lời công dân, căn cứ pháp lý này đã hết hiệu lực.
Thứ hai, Trong kiến nghị gửi cơ quan chức năng, người dân chỉ rõ căn cứ pháp lý của việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Lương Điền là thông tư 32/2009/TT-BXD về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn, quy định: “Khoảng cách ly vệ sinh từ khu xử lý chất thải rắn đến khu dân cư lớn hơn hoặc bằng 3.000 m và đến các công trình xây dựng khác lớn hơn hoặc bằng 1.000 m”.
Tại thông báo số 605/TB-UBND ngày 19/02/2019, UBND huyện Cẩm Giàng đưa ra lập luận: Quy định đối tượng áp dụng “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn” ban hành nhằm phục vụ cho “đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới” cấp xã theo chỉ đạo của Chính phủ tại công văn số 3896/VPCP-KTN ngày 10/6/2009. Như vậy việc áp dụng quy chuẩn kèm theo thông tư 32/2009/TT-BXD đối với việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải, phát điện tại xã Lương Điền là không phù hợp.
Theo cách trả lời của UBND huyện Cẩm Giàng, có thể hiểu rằng, địa bàn xây dựng nhà máy rác thải tại xã Lương Điền không thuộc đối tượng áp dụng của thông tư 32/2009/TT- BXD (vì không phải là đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới).
Phản ứng trái chiều nội dung trả lời này, rất nhiều người dân thôn Bình Long, xã Lương Điền tỏ ra bất bình cho rằng, xã Lương Điền đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018. Như vậy, càng phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo thông tư 32/2009/TT-BXD.
Nhà máy rác gần khu nghĩa trang và cơ sở cách mạng xã Lương Điền
Hiện nay, còn rất nhiều vùng quê chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Do vậy, Chính phủ mới chỉ đạo, phát triển “đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới” cấp xã ra toàn quốc và đưa ra quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn trong thông tư 32/2009.
“Xã Lương Điền đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018, vậy càng phải chấp hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn theo thông tư 32/2009. Nếu xây nhà máy xử lý rác thải, lại áp dụng dưới mức “đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới”, thì khác gì đi ngược lại chính sách nông thôn mới? UBND huyện Cẩm Giàng cần xem xét lại cách áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp này đã thấu tình, đạt lý chưa và có đi ngược lại 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới hay không?”, một chuyên gia phân tích.
Tiếng nói của người dân cần phải được tôn trọng
Để bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành, việc người dân xã Lương Điền có quyền được bày tỏ chính kiến của mình tới các cơ quan có thẩm quyền và tới các đại biểu “dân cử” và các cơ quan ngôn luận để có sự đồng thuận trước một dự án có ảnh hưởng đến an sinh xã hội là điều dễ hiểu.
Trước đó, ngày 27-3-2018, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có khu liên hiệp xử lý Đông Kỳ thuộc huyện Tứ Kỳ. Tuy nhiên, tại buổi tiếp xúc với công dân phản đối việc xây dựng nhà máy ngày 04/09/2018, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương đã quyết định dừng dự án với lý do: việc lựa chọn địa điểm phải phù hợp điều kiện về khoảng cách với khu dân cư, trường học…vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân xung quanh vị trí đặt nhà máy.
Thời gian vừa qua, theo phản ánh của người dân và ghi nhận của PV thì người dân xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cũng vì lo lắng tương tự như người dân xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ vì nhà máy đặt ở vị trí gần khu dân cư sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người dân trong vùng. Họ đã lên tiếng bày tỏ nguyện vọng với các cấp chính quyền cần phải xem xét lại dự án để đạt được “ý Đảng lòng dân” trong vấn nạn môi trường.
Làng quê đang yên ả bỗng "dậy sóng", người dân kéo ra trụ sở UBND xã Lường Điền đòi đối thoại với Chính quyền
Thực trạng nhà máy xử lý xác thải gây ô nhiễm môi trường đã diễn ra ở nhiều địa phương, dù nhà máy đã tuân thủ đầy đủ các quy định về khoảng cách, quy chuẩn xây dựng. Ngay cả khi nhà máy đã đi vào hoạt động, nếu đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của người dân cũng phải dừng hoạt động. Hơn nữa, công nghệ xử lý rác thải kết hợp với phát điện là công nghệ mới được áp dụng ở nước ta. Cuối năm 2018, nhà máy điện rác đầu tiên được vận hành thử nghiệm ở nước ta tại TP. Cần Thơ. Hiệu quả và sự phù hợp của công nghệ này cần phải có thời gian kiểm nghiệm thực tế.
Thiết nghĩ, tránh để các “thế lực cơ hội” lợi dụng tình hình kích động người dân gây rối trật tự công cộng vi phạm Nghị định số 38/2005/NĐ – CP của Chính phủ và Thông tư số 09/2005/TT - BCA về hoạt động tụ tập đông người ở nơi công cộng, đồng thời tôn trọng lắng nghe ý kiến của người dân theo tinh thần "Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra", UBND tỉnh Hải Dương cần phải sớm tổ chức đối thoại với người dân xã Lương Điền như cách làm trước đó của ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương với người dân xã Đông Kỳ, huyện Từ Kỳ.
Còn tiếp...
Nhóm PV