Hàn Quốc: Nghiên cứu mới biến cỏ dại thành nhựa sinh học

Biên tập viên

Tại Hàn Quốc, gỗ thải và cỏ dại được dùng làm nguyên liệu tạo nhựa sinh học poly(ester amide) – loại polymer bền, linh hoạt, hứa hẹn thay thế nhựa truyền thống.

Nghiên cứu do Giáo sư Sang Yup Lee, thuộc Đại học KAIST, cùng Viện Nghiên cứu Công nghệ Hóa học Hàn Quốc (KRICT) thực hiện, đã tạo ra một loại poly(ester amide) – loại nhựa sinh học kết hợp độ bền của nylon và tính linh hoạt của PET. Đây được xem là vật liệu tiềm năng thay thế cho các loại nhựa gốc dầu mỏ hiện nay.

Điểm nổi bật của công trình này là cách chuyển hóa hoàn toàn mới trong vi sinh vật – vốn không tồn tại trong tự nhiên – để sản xuất 9 loại poly(ester amide) khác nhau. Các polymer này được tạo ra nhờ quá trình lên men glucose chiết xuất từ sinh khối như cỏ dại và gỗ thải, giúp giảm thiểu đáng kể tác động môi trường.

Theo nhóm nghiên cứu, quy trình sản xuất đã đạt hiệu suất cao (trên 54g/L) trong điều kiện lên men, chứng minh khả năng ứng dụng ở quy mô công nghiệp. Đặc biệt, loại nhựa sinh học này có đặc tính tương đương polyethylene mật độ cao (HDPE), đủ bền để thay thế nhựa thông thường trong nhiều ứng dụng.

Nhóm nghiên cứu tại Hàn Quốc chiết xuất glucose từ gỗ thải và cỏ dại. (Nguồn: KAIST)

Nhóm nghiên cứu tại Hàn Quốc chiết xuất glucose từ gỗ thải và cỏ dại. (Nguồn: KAIST)

Giáo sư Lee cho biết, đây là lần đầu tiên loại polymer này được sản xuất thông qua quy trình sinh học tái tạo, thay vì phụ thuộc vào hóa dầu. Ông khẳng định nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tối ưu hóa hiệu suất để tiến tới thương mại hóa.

Trước đó, KAIST cũng từng phát triển thành công loại nhựa sinh học phân hủy được, có khả năng thay thế chai PET. Những nỗ lực này là minh chứng cho cam kết lâu dài của KAIST trong việc thúc đẩy các giải pháp vật liệu bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa và sự phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch.