Hưng Thạnh là xã có nhiều kênh rạch nhất nhì miệt Tháp Mười, Đồng Tháp. Nhiều năm trước, tình trạng cha mẹ đi làm, những đứa trẻ ở nhà sẩy chân xuống kênh rạch bị đuối nước không phải là hiếm. Từ các lớp dạy bơi miễn phí của bà Sáu Thia, tình trạng đau lòng này chấm dứt với hơn 2.000 trẻ được chứng nhận đạt chuẩn biết bơi.
Tâm sự về cuộc đời mình, bà Sáu Thia cho biết bà quê gốc ở Gò Công Đông, Tiền Giang. Nhà có đến 9 anh em, bà là út nên được cưng chiều.
17 năm bà Sáu đã dạy bơi miễn phí cho hơn 2.000 trẻ em vùng sông nước. (Ảnh Eboi)
Đến năm 26 tuổi, cha mẹ bà lần lượt qua đời, để nuôi thân bà bắt đầu đi làm thuê rồi lưu lạc đến vùng Tháp Mười lập nghiệp đến nay. Tại đây, bà làm đủ thứ nghề, từ làm cỏ, dặm lúa, đan lục bình, bán vé số đến cả công việc đốn tràm, bốc vác vốn chỉ thuộc về cánh đàn ông. Hễ việc nào kiếm ra tiền là bà lăn xả vào làm.
Cũng vì cuộc sống khó khăn, phận làm thuê nên bà Thia chẳng dám để ý đến ai dù trước đây cũng từng có người đã đến ngỏ lời. Bà Thia chia sẻ: “Do tôi sống tự lập từ năm 14 tuổi nên tính tình cứng rắn, nói năng không nhẹ nhàng như những cô gái khác. Tuy nhiên, lúc 19 đôi mươi cũng có một hai chàng trai ngỏ lời, nhưng vì thấy hoàn cảnh nghèo, mình tự ti nên ở vậy đến giờ. Cũng nhờ đó, tôi tham gia các công tác xã hội địa phương thuận lợi hơn, nhất là việc dạy bơi cho trẻ em địa phương”.
Cũng vì cuộc sống khó khăn, phận làm thuê nên bà Thia chẳng dám để ý đến ai dù trước đây cũng từng có người đã đến ngỏ lời. (Ảnh 24h)
Khi về lại xã Hưng Thạnh, bà vẫn sống với nghề làm thuê, làm mướn. Để có chỗ ở, bà Thia xin mượn đất của một người dân, cất căn chòi che nắng che mưa. Mới đây, bà Sáu Thia đã được hỗ trợ cất nhà tình thương. Căn nhà là sự quan tâm của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân và lãnh đạo các cấp đối với bà Sáu Thia, giúp bà có nơi ở ổn định, an tâm để tiếp tục công việc dạy bơi cho trẻ em địa phương.
Bà Sáu Thia kể, năm 1992, bà được xã vận động làm cán bộ phụ nữ ấp và mỗi tháng nhận được phụ cấp 200 ngàn đồng. Tuy vậy, nguồn sống chỉ bấy nhiêu thì không đủ nên hàng ngày bà Thia đành ra đại lý lãnh 70 -100 tờ vé số đi bán.
Nói về cơ duyên đến với việc dạy bơi miễn phí cho trẻ em miệt Tháp Mười, bà Thia cho biết, năm 2002, xã Hưng Thạnh triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ, bà Sáu Thia bỗng nhiên cũng được mời làm “huấn luyện viên”.
“Lúc đầu xã mời mình cũng sợ lắm, bởi không biết bắt đầu từ đâu, dạy thế nào… Tuy nhiên nghĩ đến cảnh hết trẻ em tỉnh này đến nơi khác đuối nước thấy tội vô cùng; trong khi đó mình lại rất yêu mến các cháu. Sau khi nhận lời, tôi được đưa tập huấn hết 3 ngày trên huyện, rồi bắt tay vào dạy bơi cho đến nay”, bà Sáu Thia kể lại.
Lũ trẻ đứa nào đứa nấy đều nghe theo bà răm rắp. (Ảnh Saostar)
“Hồ bơi” của các em ở đây vô cùng đơn giản, được bà Sáu Thia tạo nên từ những chiếc cọc tre cắm xuống đáy sông với lưới cước bao bọc xung quanh.
Để an toàn cho trẻ, bà Sáu Thia tự mình lặn xuống sông cắm từng cọc tre, bao lưới mùng làm hàng rào xung quanh để biến thành “hồ bơi” dã chiến. “Hồ bơi” của bà dạy có chiều ngang 4m, dài 8m, cao 2m.
Mỗi điểm bơi có khoảng 30 đứa trẻ độ tuổi 5-13. Để dễ quản lý và dạy được hiệu quả, bà Sáu chia các em thành từng tốp, mỗi tốp khoảng 10 em. Thời gian mở lớp thường trong dịp hè, nước lũ sắp về. Mỗi buổi học khoảng 1 giờ rưỡi, kéo dài không quá 15 ngày.
Bà kể rằng, ban đầu việc dạy chỉ ở 1-2 ấp, lượng học sinh dao động 70 – 80 em. Nhưng với sự tận tâm, nhiệt huyết dạy bơi cho trẻ em vùng sâu, thậm chí bà còn đến từng nhà vận động các em ra lớp bơi, dần dần các khóa học bơi miễn phí của bà đông nghẹt, số học sinh tham gia tăng lên gần 200 em/đợt.
Ban đầu bà Sáu cho lũ trẻ tay bám vào thành “hồ bơi” chính là thanh tre cột nổi trên mặt nước, rồi ra hiệu lệnh lặn, sau đó chúng từ từ ngoi lên, đồng thời hai chân đạp nước. Sau một hồi các học viên nhí lặn hụp và đạp nước, bà Sáu bắt đầu tập cho lần lượt từng đứa bơi. Bà nâng bụng các em, đồng thời hướng dẫn cách sải tay bơi và kết hợp chân đạp nước. Từ từ bà Sáu giảm tải việc nâng và buông tay để các em tự bơi từng chút một.
Dù chỉ với kinh nghiệm dạy bơi “miệt vườn”, nhưng bà Sáu “siêu” lắm, trẻ nào không biết bơi, cứ hễ vào tay bà thì nhanh chỉ cần 4 ngày, chậm lắm thì 10 ngày là dạn dĩ bơi ngon lành rồi. Sau khóa học, 100% trẻ nào qua tay bà đều vượt qua kỳ sát hạch của Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Tháp Mười và được cấp giấy chứng nhận.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, thăm và tặng quà cho bà Sáu Thia.
Nói về kỹ thuật dạy bơi của bà Sáu Thia, bà Trần Thị Thu, một phụ huynh có con học bơi, cho biết: “Cô Sáu Thia dạy bơi hay lắm! Không biết có bí quyết gì mà cô dạy thằng con tôi trong 10 ngày đã biết bơi ngon lành. Trước đó, vợ chồng tôi cũng hì hục cắm cây, dạy con đạp nước như cô Sáu nhưng tập suốt một năm trời con tôi vẫn không bơi được”.
Còn em Đỗ Minh Hiển, học sinh lớp 6 Trường THCS Hưng Thạnh, cho hay: “Con học bơi chỗ bà Sáu hồi bảy tuổi. Con xem trên truyền hình thấy các bạn bị đuối nước cũng sợ lắm nên con theo bà Sáu học bơi. Biết bơi thì không sợ đuối nước, lại còn có thể cứu người. Mấy bạn trong lớp con đều do bà Sáu dạy bơi hết”.
Những lúc không dạy bơi thì bà Sáu Thia vẫn lấy vé số đi bán, trừ chi phí ăn uống, bà lời được khoảng 200.000 đồng/ngày, đủ trang trải cho cuộc sống đơn côi. Ấy vậy mà khi đến hè, bà Sáu Thia không ngần ngại bỏ công việc của mình để dạy bơi miễn phí cho bọn trẻ. Có phụ huynh tỏ lòng biết ơn đã gửi tiền cho bà, xem như học phí nhưng bà nhất quyết không nhận. Thấy vậy, xã đã hỗ trợ bà mỗi điểm dạy 300.000 đồng.
“Tôi coi ti vi thấy nhiều trường hợp trẻ em chết đuối mà thương lắm. Nên tôi muốn dạy mấy đứa nhỏ biết bơi để chúng tự bảo vệ mình được chứ đâu vì chuyện tiền bạc”, bà Sáu Thia bày tỏ.
Nói về tình yêu của bà với lũ trẻ, bà Sáu cũng tâm sự: “Nếu có chồng thì mình phải có trách nhiệm chăm lo cho chồng con, việc dạy bơi sẽ bị xao lãng đi, mấy đứa nhỏ sẽ ra sao. Chồng thì chỉ có một nhưng trẻ em thì có đến hàng ngàn. Hạnh phúc của tôi là nhìn những đứa nhỏ biết bơi và không có đứa trẻ nào phải đuối nước”.
Trả lời câu hỏi “Khi nào bà mới nghỉ dạy bơi cho trẻ?”, bà Sáu Thia quả quyết trả lời ngay: “Khi nào tôi đi hết nổi thì mới nghỉ dạy cho tụi nhỏ. Tôi đi dạy bơi để tìm niềm vui trong cuộc sống, gần gũi tụi nhỏ. Ngày nào không đi dạy, tôi cảm thấy ngứa ngáy lắm”.
Ông Lê Văn Tài, Phó Chủ tịch xã Hưng Thạnh cho biết: "Thời gian qua, bà Thia luôn giữ vai trò chính trong các lớp dạy bơi của xã. Bà Thia dạy bơi rất hiệu quả, được địa phương và phụ huynh tin tưởng, trẻ em yêu quý. Bà dạy đúng kỹ thuật, hơn hết là bà dạy tận tâm, tạo cho trẻ động lực để tập bơi. Nhờ đó mà hơn 20 năm qua, trên địa bàn xã Hưng Thạnh không xảy ra trường hợp trẻ em đuối nước".
Trong lần đi công tác, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cũng có lần ghé thăm và có cảm nhận về bà: “Chị Sáu Thia, một người không gia đình nên tất cả trẻ học bơi được chị chăm sóc, dạy dỗ như là con, cháu của mình, còn phụ huynh các cháu thì chị xem như là người thân ruột thịt. Chắc là phải có tấm lòng yêu thương trẻ em vô bờ bến, chị mới sẵn sàng làm một việc thiện nguyện đầy tính nhân văn như vậy”.
Với những đóng góp của mình, bà Sáu Thia được UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác dạy bơi cho trẻ em. Đặc biệt, năm 2017, bà lọt vào Top 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu do Hãng tin BBC bình chọn. Năm 2018, bà là một trong 3 cá nhân ở Đồng bằng Sông Cửu Long vinh dự nhận Giải thưởng KOVA.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), giai đoạn 2015-2017, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Năm 2018, tỉ lệ trẻ em bị đuối nước đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với khu vực Đông Nam Á.
Có thể nói tai nạn đuối nước ở trẻ em đang là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em. Vì vậy, việc làm của bà Sáu Thia có ý nghĩa đặc biệt, góp phần giúp trẻ em có một môi trường sống an toàn, lành mạnh.