Chỉ còn hơn 48 giờ nữa, những chuyến phà trên bến Bính – Hải Phòng sẽ chỉ còn là ký ức. Theo nhịp sống đô thị, phà Bính buộc dừng hoạt động để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.
Những hình ảnh cuối cùng tại phà Bính được phóng viên báo Gia đình & Xã hội ghi lại trước ngày dừng hoạt động.
Chuyến phà đầu tiên trong ngày tại bến Bính. Ảnh: Đinh Huyền
Với người Hải Phòng, phà Bính từng là nơi cất giữ những nét xưa của thành phố Cảng; nơi chứng kiến những thăng trầm, nhọc nhằn, vươn lên của con người nơi đây. Hơn thế, nó còn là nơi mà nhà văn Nguyên Hồng cho ra đời tác phẩm tiểu thuyết rất Hải Phòng – "Bỉ vỏ".
Nhịp sống quen thuộc ở bến Bính
Phà Bính còn là nơi chứng kiến bao phận đời mưu sinh.
Những chuyến phà cuối đưa người sang sông về nhà.
Để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, thành phố đã quyết định dừng hoạt động phà Bính từ 1/10/2019.
Như vậy, chỉ còn vài ngày nữa, phà bến Bính sẽ chính thức đóng cửa, tất cả sẽ trở thành ký ức của những người dân xóm ven sông.
Bến phà Bính từng được biết đến như một bến phà lớn nhất miền Bắc, nối trung tâm thành phố Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên và cả nước với tỉnh Quảng Ninh. Phà Bính là địa danh gắn với những chiến công oai hùng của quân và dân thành phố Cảng trong các cuộc kháng chiến, trở thành đơn vị duy nhất của ngành giao thông vận tải được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Phà Bính sẽ chỉ còn là nỗi nhớ của người dân thành phố Cảng.
Bến phà Bính - Đơn vị anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, địa danh lịch sử đã đi vào thơ ca "... những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất" trong bài hát Thành phố Hoa phượng đỏ; phim truyện Bỉ Vỏ, Sóng ở đáy sông… rồi đây sẽ trở thành ký ức vang bóng một thời trong lòng mỗi người dân xóm ven sông xã Tân Dương, Thủy Nguyên, Hải Phòng, cũng như những người từng yêu mến, gắn bó với nơi này.
PV