Hình ảnh dưới kính hiển vi của biến thể SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh. (Ảnh: Metro)
Theo hãng tin Metro của Anh, các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học và vi rút học Rospotrebnadzor ở Siberia, thuộc Liên bang Nga, đã chụp được hình ảnh dưới kính hiển vi của biến thể vi rút SARS-CoV-2 vốn được phát hiện ở Anh hồi cuối năm ngoái. Hình ảnh được phóng đại khoảng 100.000 lần cho thấy hạt vi rút có đường kính khoảng 140 nanomet.
Thông cáo của Rospotrebnadzor cho biết, hình ảnh được ghi lại trong quá trình các nhà khoa học nghiên cứu, phân tích biến thể vi rút SARS-CoV-2 lấy từ một bệnh nhân mắc bệnh vào tháng 12/2020.
"Các đột biến đặc trưng của biến thể SARS-CoV-2 ở Anh không ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin EpiVacCorona (vắc xin thứ hai do Nga đăng ký) do vắc xin này chứa kháng nguyên không bị tác động bởi biến thể của vi rút", cơ quan này cho biết thêm.
Rospotrebnadzor là cơ quan đầu tiên tuyên bố chụp được hình ảnh của biến thể SARS-CoV-2 từ Anh. Biến thể này được phát hiện ở Anh hồi tháng 12/2020. Giới chức Anh nhận định, nó có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với chủng cũ và có thể dễ gây tử vong hơn.
"Chúng tôi đã được thông báo rằng ngoài việc lây lan nhanh hơn, giờ đây còn có một số bằng chứng cho thấy biến thể mới có thể liên quan đến tỉ lệ tử vong cao hơn", Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ngày 22/1. Mặt khác cũng nói rằng, hai loại vắc xin mà Anh đang sử dụng cho chương trình tiêm chủng vẫn có hiệu quả với biến thể này. Mặc dù vậy, ông Patrick Vallance, một cố vấn khoa học của chính phủ Anh, cho rằng chưa có đủ bằng chứng để kết luận biến thể trên có độc lực cao hơn so với các chủng cũ.