Nngày 8/6 vừa qua, Đội quản lý thị trường số 1, Chi cục quản lý thị trường Hải Phòng lập biên bản yêu cầu dừng hoạt động, thu hồi tất cả các sản phẩm nước lọc tinh khiết nhãn hiệu Vimass (Công ty TNHH Phúc Hà).
Cơ sở sản xuất nước lọc tinh khiết nhãn hiệu Vimass tại An Lão, Hải Phòng. Ảnh: VnExpress
Trước đó, ông Nguyễn Văn Thiện, chủ xưởng sản xuất nước lọc tinh khiết này đã thừa nhận việc dùng nước mương chảy qua thôn Phương Chử Đông, xã Trường Thành, huyện An Lão, Hải Phòng làm nguồn nước để sản xuất.
Con mương ô nhiễm được cơ sở này lấy nước về để "phù phép" thành bình nước tinh khiết. Ảnh: Internet
Theo giải thích của ông Thiện, do gần đây, nguồn nước đầu vào bị gián đoạn, ông Thiện sử dụng nước bị ô nhiễm trên con mương phía sau xưởng. Nước được bơm lên bể lọc, khử mùi, "chạy" qua hệ thống xử lý trước khi đóng bình.
Cơ sở của ông Thiện hoạt động từ năm 2008, theo giấy phép nguồn nước lấy từ giếng nước tại chân núi Voi, trong khuôn viên một đơn vị quân đội, cách xưởng khoảng 250 m.
Bình nước tinh khiết nhãn hiệu Vimass không được người dân địa phương tin dùng. Chủ tịch UBND xã Trường Thành Bùi Duy Miện cho biết người dân địa phương và học sinh tại địa phương đều biết nguồn nước đầu vào không an toàn.
Bình nước tinh khiết này có giá khoảng 9.000 đồng - 10.000 đồng. Ảnh: VnExpress
Dù vậy, cơ sở này vẫn có hơn 10 đại lý phân phối trên toàn huyện. Hiện cơ sở đang cung cấp nướcl ọc cho gần 2.000 học sinh tại 3 trường tiểu học: Quang Trung, Quang Thanh và Tân Viên.
Cẩn trọng với bình nước tinh khiết giả
Đến hẹn lại lên, vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước tinh khiết của người dân lại tăng cao. Đây cũng là thời điểm một số cơ sở sản xuất, cung cấp nước uống tinh khiết kém chất lượng lại “bung” hàng ra thị trường, khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận” nước tinh khiết.
Ngoài thương hiệu, nhãn mác, giá thành cũng là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. Ví dụ với nước uống đóng chai Lavie có dung tích từ 19 lít nước, sẽ có giá bán giao động từ 50 – 60.000 đồng. Tuy nhiên, với các loại nước đóng chai khác như: CaWa, HT, PAT…với bình đựng nước có dung tích tương đương, thì giá bán giao động chỉ từ 10 – 20.000 đồng/bình. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng còn cho rằng, nếu ở gần các cơ sở sản xuất nước uống, giá đổi nước chỉ từ 6 -7.000đồng/bình 19 lít.
Dây chuyền sản xuất không đảm bảo vệ sinh của một cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng bình. Ảnh: Internet
Theo báo Lao Động Thủ Đô, các chuyên gia trong ngành thực phẩm cho rằng, để phân biệt nước uống đóng chai đạt chuẩn và không đạt chuẩn khá dễ dàng. Bên cạnh việc phân biệt bằng cảm quan (nhìn bằng mắt) như nhãn mác, thương hiệu, địa chỉ cơ sở sản xuất, số điện thoại hoặc mã truy xuất nguồn gốc…
Người dùng cần cẩn trọng với những loại nước đóng bình trôi nổi trên thị trường. Ảnh: Internet
Ngoài ra, trên các nhãn mác sản phẩm thường ghi khá đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng về tiêu chuẩn hóa lý như: Nitrit (NO2) =< 3Mg/l); Nitrat =<50Mg/l; Mangan (Mn) =<0.4 Mg/l; Cl =<5 Mg/l. Đây là một trong các chỉ tiêu chính, đảm bảo chất lượng nước đạt tiêu chuẩn, ngoài ra còn có các chỉ tiêu về iso, chỉ tiêu về lượng vi sinh…