Hòa Bình: Công ty CP giấy và bao bì Đông Đô xả thải ra môi trường

Biên tập viên

Hàng loạt đường ống được bố trí lắp đặt sau nhà máy, nước thải có màu đen và trắng đục cứ thế chảy ra hệ thống mương thủy lợi, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và nguồn nước tưới tiêu.

 

Theo phản ánh của người dân thôn Đồng Sương, xã Thành Lập (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) và thôn Mỹ Lương, xã Mỹ Lương (Chương Mỹ, Hà Nội), trong nhiều năm qua, Nhà máy sản xuất giấy và bao bì của Công ty CP giấy và bao bì Đông Đô (Cty Đông Đô) trong quá trình sản xuất thường xuyên xả nước thải có mùi hôi thối ra hệ thống kênh mương thủy lợi, khí thải của nhà máy gây ô nhiễm bầu không khí khiến môi trường ở đây bị ô nhiễm.

Các ống cống từ nhà máy thường xuyên xả nước thải ra môi trường.

Kể từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, nhà máy này liên tục xả khí thải, nước thải độc hại ra môi trường. Mỗi khi nhà máy sản xuất và xả thải, nước trong nhiều cống xả của nhà máy được xả trực tiếp xuống mương, khu vực nội đồng của thôn Mỹ Lương và thôn Đồng Sương gây ảnh hưởng tới môi trường và việc canh tác nông nghiệp của người dân.

Bà Ph., một người dân thôn Mỹ Lương, xã Mỹ Lương cho biết: “Nhà máy giấy này hoạt động tại đây gần chục năm nay rồi, không biết họ hoạt động thế nào chứ hàng ngày tôi thấy họ rất hay xả nước thải có mùi hóa chất ra hệ thống mương thủy lợi.

Hôm nay còn ít vì người dân đi làm đồng đông, chứ nhiều hôm tôi thấy các cống nước thải chảy ra ào ào, sủi bọt trắng xóa”.

Nước thải thường có màu đen kịt hoặc màu trắng sữa, bốc mùi hôi thối.

Chỉ tay vào một ruộng lúa bỏ hoang cạnh nhà máy, bà H., một người dân cho biết, tình trạng nhà máy giấy xả thải ra môi trường diễn ra rất thường xuyên, gây ảnh hưởng tới việc canh tác nông nghiệp của người dân.

“Từ hồi nhà máy về đây hoạt động, nước thải của nhà máy chảy ra mương nước, có hôm xả nhiều tràn vào cả ruộng lúa của người dân khiến một số diện tích trồng lúa của người dân bị ảnh hưởng.

Không biết nước thải ấy có độc hại hay không nhưng tôi thấy có mùi rất khó chịu, tanh và nồng nặc hóa chất”, bà H. cho biết.

Mương nước thải chảy ngang qua ruộng của người dân, ảnh hưởng tới năng suất và việc canh tác.

Theo quan sát và ghi nhận của PV, nhà máy này rộng hàng nghìn m2 nhưng rất nhếch nhác, bẩn thỉu. Phía cổng trước, nguyên vật liệu là các bao bì xi măng, giấy bìa các tông vương vãi khắp nơi, chất thành các đống lớn không che đậy ngoài trời.

Tại hệ thống kênh dẫn nước nằm ngay sau nhà máy và cũng là nơi Cty Đông Đô xả thải trực tiếp một lượng lớn nước thải hàng ngày, nước ở đây luôn trong tình trạng đen đặc của bùn và bốc mùi hôi thối.

Nước thải sau khi xả ra đóng thành những vũng bùn đen kịt gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng.

Tại đây có khoảng 5 ống cống được lắp đặt để dẫn nước thải từ nhà máy ra hệ thống mương thủy lợi thôn Đồng Sương. Các đường ống này vô tư ngày đêm xả ra môi trường thứ nước đặc sánh hôi rình, nhiều cặn đen và luôn đóng váng sủi bọt. Một phần lớn diện tích ruộng lúa của các hộ dân cạnh nhà máy có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Không chỉ xả thải ra kênh dẫn nước, người dân cho biết hàng ngày vào giờ sản xuất, nhà máy giấy này còn thường xuyên thải khói đen ra môi trường khiến môi trường không khí ở đây thêm ô nhiễm nghiêm trọng.

Nguyên vật liệu chất ngổn ngang khắp sân nhà máy, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường.

Liên quan đến vấn đề trên, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Lập. Ông Thụ cho biết, nhà máy giấy và bao bì Đông Đô có ao lắng đọng phía trong, khả năng nước thải đầy nên chảy tràn bên ngoài ruộng lúa sản xuất của bà con.

“Cái đấy cũng không thường xuyên đâu, anh em cũng nắm được nhưng nó cũng không thường xuyên chảy ra đấy, nước thải trong nhà máy nó chảy tuần hoàn”, ông Thụ cho biết.

Mỗi khi hoạt động nhà máy này xả một lượng khói tương đối lớn ra môi trường.

Về vấn đề người dân phản ánh tình trạng xả thải gây ô nhiễm ông Thụ cho biết, chưa thấy bà con có ý kiến hay khiếu nại lên các cấp chính quyền. Tuy nhiên ông Thụ cũng thừa nhận, nước thải của nhà máy này xả ra môi trường không đảm bảo.

“Để mà nói nước thải xả ra hồ Đồng Sương như thế là không đảm bảo, nhưng mà đơn vị này không xả thường xuyên đâu. Thi thoảng chắc nó đầy quá nó mới xả tràn ra thôi”, ông Thụ cho biết thêm.

Cũng thông tin từ vị Chủ tịch xã, Công ty này ngày trước từng bị Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường rất nhiều lần. Hiện nay nhà máy đã được bán cho một người tên Trung và đang tiến hành khắc phục dần dần bằng việc đầu tư trang thiết bị máy móc.

Việc Nhà máy giấy và bao bì Đông Đô nhiều năm xả thải ra môi trường gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của người dân, gây ảnh hưởng tới môi trường rất cần các cơ quan chức năng huyện Lương Sơn cũng như UBND tỉnh Hòa Bình vào cuộc kiểm tra, đánh giá lại mức độ ô nhiễm.

Theo MT&ĐT