Rủ nhau” tăng đột biến
Anh Võ Văn V., khách hàng tại Hà Nội, đã đăng tải hóa đơn điện tháng 4, tháng 5 và tháng 6 của gia đình mình trên trang cá nhân với dòng trạng thái bức xúc. Anh V. cho rằng, thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, đồng thời thực hiện nghiêm lệnh cách ly toàn xã hội, gia đình anh mới trải qua giai đoạn cao điểm sử dụng điện. Thế nhưng, sang tháng 5 (kỳ tính hoá đơn tháng 6), cả hai vợ chồng đi làm trở lại và con đi học cả ngày, thời gian tiêu thụ điện chỉ tập trung vào buổi tối nhưng hóa đơn tăng đột biến lên gấp 3 lần.
Chung nỗi bức xúc với anh V., rất nhiều bạn bè cũng là hộ sử dụng điện tại Hà Nội cũng đã chia sẻ hóa đơn tiền điện của mình, với mức tăng từ 2 - 3 lần, thậm chí 4 lần và bày tỏ sự khó hiểu đối với cách tính tiền điện của EVN.
Thậm chí, có những bình luận hài hước kể về một bệnh nhân bất tỉnh trong phòng cấp cứu, thay vì bác sĩ phải thực hiện các biện pháp hồi sức thì chỉ cần cho họ xem hóa đơn tiền điện tháng 6, ắt hẳn bệnh nhân sẽ giật mình mà tỉnh dậy.
Lật lại thời gian, cụm từ "hóa đơn tiền điện tăng bất thường" không phải năm nay mới có, mà các năm trước, cứ đến thời điểm nắng nóng hàng năm, nhiều hộ gia đình đều phản ánh tình trạng tiền điện tăng cao so với các tháng trước dù họ cho rằng thời gian sử dụng điện không nhiều. Có những ngày, EVN cho biết họ nhận được hàng nghìn cuộc gọi của khách hàng phản ánh về cách tính hóa đơn điện và cử cán bộ đến tận nhà giải thích.
Mới đây nhất, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phát đi thông cáo báo chí chính thức, lý giải về tình trạng hóa đơn điện tháng 6 tăng cao. Thế nhưng, nhìn chung, cách lý giải của EVN không quá khác biệt so với những năm trước, trừ việc cập nhật số liệu của năm nay.
Cụ thể, theo EVN, do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua, đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh. Khi vào mùa khô ở miền Nam và mùa nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung, nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát (đặc biệt là máy điều hòa nhiệt độ) là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao dẫn đến tiền điện tăng.
Số liệu của EVN cho thấy, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng - tương đương gần 12% tổng số khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ tăng cao hơn 30% so với tháng 4. Trong đó có gần 1 triệu hộ tăng mức tiêu thụ thêm 50% và cá biệt, có 215 nghìn hộ tăng mức tiêu thụ gấp 3 - 4 lần so với tháng trước.
Đáng chú ý, tháng 4/2020 cũng là tháng cao điểm sử dụng điện, và EVN cũng đã đưa ra một thông cáo báo chí lý giải do "theo quy luật thời tiết, cộng thêm việc người dân ở nhà nhiều thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu điện tăng cao...".
Về nghi ngờ của người dân liên quan đến cách đếm công tơ điện, EVN khẳng định: Các công tơ/điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2. Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành Điện thực hiện thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng.
"Khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được Đơn vị Điện lực công khai, đảm bảo khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ. Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của Điện lực", EVN cho biết.
"Quy luật thời tiết", "trời nắng nóng kéo dài", dân sử dụng điều hòa nhiệt độ và thiết bị làm mát tăng cao đột biến... là những lý do thường thấy ở những lần phát ngôn của EVN để giải thích nguyên nhân giá điện tăng. Và tất nhiên, những lý giải đó phần nào không làm dịu đi sự bức xúc của dư luận vì quy luật đến hẹn lại... tăng đột biến như vậy.
Thế nên, ngoài việc thắc mắc và móc hầu bao trả phí tiền điện hàng tháng, khách hàng vẫn kỳ vọng một lời giải thích thoả đáng hơn từ phía "nhà đèn" vốn gánh nhiều thị phi như EVN.
Thu hơn 1.000 tỷ đồng mỗi ngày
Đầu năm 2019, trước thời điểm giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,36%, Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã từng chia sẻ với báo giới một thông tin khá sốc: "Nếu cứ tiếp tục với mức giá như thế này, thậm chí EVN có thể bị phá sản. Cứ nợ như thế mà bán dưới giá thành, đến một lúc nào đó sẽ không thể chịu được".
Vậy EVN nhiều năm qua lỗ hay lãi? Với quy mô tài sản của tập đoàn lên tới hơn 700 nghìn tỷ đồng, không có đối thủ cạnh tranh trên thị trường, thông tin EVN gánh lỗ tới mức phá sản thực sự khiến quyết định tăng giá điện trở nên cấp bách hơn.
Báo cáo tài chính năm 2019 của EVN cho thấy, doanh thu toàn tập đoàn đạt gần 395.000 tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2018 (thời điểm chưa tăng giá điện). Như vậy, tính trung bình cả năm, mỗi ngày tập đoàn này thu về hơn 1.000 tỷ đồng tiền điện của hàng triệu khách hàng.
Trong 4 năm trở lại đây, doanh thu của EVN tăng đều theo từng năm, từ mức 277.000 tỷ đồng (năm 2016) lên gần 300 tỷ đồng (năm 2017) và đạt 343.000 tỷ đồng (năm 2018).
Tuy nhiên, điểm sáng lớn nhất trong báo cáo tài chính năm 2019 của EVN lại đển từ chi phí tài chính giảm gần 6.600 tỷ đồng nhờ các khoản lỗ tỉ giá giảm mạnh. Nên biết, tính đến hết năm 2018, Tập đoàn này còn “treo” hơn 8.800 tỷ đồng lỗ tỉ giá - áp lực lớn nhất của EVN thời gian qua.
Tính chung cả năm 2019, EVN đạt lợi nhuận trước thuế ở mức 12.500 tỷ đồng - tăng đột biến 38% so với năm 2018. Từ đó cho thấy, lo ngại của vị Thứ trưởng bộ Công Thương đã không xảy ra, thậm chí diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn rất nhiều so với nguy cơ phá sản.