Nhiều người nghe tên đã rất ngạc nhiên, nhưng đối với người dân miền núi, vùng cao thì hoa gừng là đặc sản hiếm thi thoảng mới được xuất hiện trong mâm cơm vì mỗi năm chỉ có 1 lần.
Gừng là loại cây được trồng để lấy củ làm gia vị nấu ăn. Song, từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 9 Âm lịch hàng năm, người trồng gừng còn thu hoạch hoa đem bán. Mấy năm trở lại đây, loại hoa đặc sản ở các tỉnh miền núi xuất hiện nhiều hơn ở Hà Nội.
Hoa gừng mọc từ củ, bông to bằng ngón tay cái và có cuống dài 10 -15 cm
Những ngày này, nhiều hộ gia đình tại xã biên giới Na Ngoi huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), đang tích cực lên rẫy gừng hái hoa của loại cây này về chế biến món ăn và bán ở các chợ phiên trong vùng.
Chị Lầu Y Cở - người dân trong xã Na Ngoi cho biết, hoa gừng mọc từ củ, bông to bằng ngón tay cái và có cuống dài khoảng 10-15cm, màu xanh đậm nằm ở dưới tán lá. Mỗi gốc gừng có thể ra từ 8 đến 20 hoa, gốc tốt có thể nhiều hơn.
Để hái hoa gừng, người dân dùng những chiếc dao nhỏ, hoặc kéo cắt để tránh ảnh hưởng đến củ gừng. Một buổi sáng người dân có thể thu được 10 đến 20 kg hoa gừng, với giá bán từ 20 đến 25 ngàn đồng/kg, cho thu nhập từ 250 đến 400 ngàn đồng.
Tại các chợ phiên, hay dọc các tuyến đường ở vùng cao, hoa gừng được bày bán khá nhiều, với giá lẻ từ 5 đến 10 ngàn đồng/mớ.
Được ví như măng ngọt, mấy năm gần đây, hoa gừng trở thành món ăn đặc sản hiếm có từ vùng cao được nhiều người lùng mua vì mỗi năm chỉ có 1 mùa
Vì đang chính mùa nên hoa gừng được rao bán tràn ngập “chợ mạng”, giá dao động từ 40.000-60.000 đồng/kg. Các bà nội trợ tranh thủ đặt mua loại hoa đặc sản này về ăn, bởi mỗi năm chỉ có một mùa, hoa gừng cũng không thể bảo quản trong thời gian quá dài.
Trên diễn đàn nấu ăn những ngày gần đây, các món ăn nấu từ hoa gừng xuất hiện ngày càng nhiều. Hoa gừng không chỉ luộc mà còn có thể xào cùng thịt bò, hải sản, rang với thịt gà còn nhiều người còn đem xào với tóp mỡ ba chỉ.
Vào đầu mùa, hoa gừng chưa có nhiều, giá lên tới 60.000 đồng/kg, giờ giảm còn 50.000 đồng/kg. Theo chị Hải, hoa gừng chị chỉ lấy đủ số lượng khách đặt, gần như không lấy dư bao giờ vì loại hoa này bên trong có tích nước, để qua ngày hôm sau sẽ bị hao hụt rất nhiều. Và quan trọng hơn, để hoa ở bên ngoài với nhiệt độ thường thì chỉ được 2-3 ngày, thời gian lâu hơn dễ bị thối hỏng.
“Loại hoa đặc sản trên núi cao này đang đắt khách, nhưng mỗi năm chỉ có một mùa kéo dài khoảng gần 2 tháng”. Chị tiết lộ, với lượng hoa gừng bán ra như hiện nay, sau khi trừ hết chi phí chị lãi khoảng 1,5-2 triệu đồng/ngày.
Từng có dịp công tác ở xã miền núi của huyện Kỳ Sơn, anh Tạ Minh Thành (Đống Đa, Hà Nội) đã được thưởng thức món hoa gừng. Anh cho biết, hoa gừng ăn giòn ngon, mùi rất thơm, lại chế biến được nhiều món. Người dân nơi đây thường ví hoa gừng như loại măng ngọt, nhưng hoa gừng đặc biệt hơn vì nó có thể làm món canh giải cảm.
Hoa gừng có thể chế biến thành nhiều món ăn, nhiều người thích
Chị Bùi Vân Hương ở Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, vì thích mùi thơm của loại hoa gừng này nên tuần này chị cũng đặt mua 2-3 lần.
“Năm ngoái đặt mua khó, nhiều khi phải nhờ người quen ở Sơn La hay Điện Biên mua hộ. Còn năm nay thấy bán trên mạng rất nhiều, đặt hôm trước hôm sau có. Giá cũng không quá đắt đỏ”. Theo chị Hương, hoa gừng không chỉ để xào nấu các món ăn mà còn có thể cắm vào lọ để phòng khách tạo mùi hương rất thư thái, dễ chịu.
Cắm chơi được 2 ngày thì chị đem hoa gừng bóc bỏ lớp vỏ già bên ngoài, cuống hoa thì tước như rau bí lấy phần bên trong. Sau khi sơ chế xong thì chị thường cho vào xào thịt bò, nhưng ngon nhất vẫn cho vào rang cùng thịt gà. Bởi, từ trước đến nay, thịt gà luôn hợp với gừng.
Nhiều người mua hoa gừng về cắm chơi cho thơm nhà
Vừa tốt cho sức khỏe lại vừa có thể dùng để trang trí nên "Kim cương xanh" đang được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt lại chỉ xuất hiện vào tháng 9 nên việc được săn đón như đặc sản là không lạ.