Hội chứng mẫn cảm ở phụ nữ mang thai

Kiều Trinh

Trong thời kỳ mang thai, các mẹ bầu thường thấy sợ hãi, cảm giác mọi người đều bỏ mặc mình. Hơn nữa còn cảm thấy tủi thân, điều này gọi là hội chứng mẫn cảm trong thai kỳ.

Nguyên nhân gây hội chứng mẫn cảm khi mang thai

Những thai phụ mắc phải hội chứng mẫn cảm hay khóc là do sự thay đổi hormone trong cơ thể nhưng không thể thích ứng kịp. Hoặc do không thích nghi với các hội chứng mang thai và suy giảm dinh dưỡng trầm trọng trong thai kỳ.

Việc chuyển từ thiếu nữ sang làm mẹ cũng là một trong những biến đổi tâm lý mà người mẹ phải chịu đựng. Do cơ thể người mẹ không thể kịp thích nghi, nên để giải tỏa những gánh nặng này người mẹ đành chuyển sang cho người thân một cách hết sức vô lý.

Mối liên quan giữa tâm lý của bà mẹ mang thai với trẻ sơ sinh

Phụ nữ mang thai là một đối tượng rất dễ bị tổn thương và nhạy cảm do những sự thay đổi sinh lý trong thai kỳ. Ngoài sức khỏe sinh lý chúng ta cần quan tâm đến cả sức khỏe tinh thần hay tâm lý của thai phụ. Một số nghiên cứu đã chứng minh có sự liên quan giữa tâm lý hay cảm xúc của người phụ nữ trong giai đoạn mang thai với một số kết cục của trẻ sơ sinh.

Trong quá trình thai nhi lớn lên, con liên tục nhận được các tín hiệu từ mẹ. Đó không chỉ là âm thanh nhịp tim của bạn hay bất kỳ bản nhạc nào bạn nghe, mà còn nhận được các tín hiệu hóa học qua nhau thai. Những thay đổi tiêu cực trong tâm lý thai phụ sẽ đưa đến sự gia tăng các stress hormone. Thông qua bánh nhau các hormone này cũng tăng lên trong máu thai nhi, khiến chúng gặp phải những căng thẳng tương tự.

Ngược lại khi người mẹ cảm thấy vui vẻ và bình tĩnh, điều đó cho phép em bé trong bụng phát triển ở môi trường vui vẻ và bình tĩnh.

Từ trong bào thai em bé đã tiếp xúc và phản ứng lại với mọi thứ bạn trải qua. Điều này bao gồm âm thanh trong môi trường, không khí mẹ bầu hít thở, thức ăn mẹ bầu ăn và cả cảm xúc cảm nhận. Khi mẹ bầu cảm thấy vui lúc chồng đi làm về, hoặc khi con nghe thấy tiếng của bố, chúng ta có để ý rằng con cũng sẽ phản ứng lại bằng những cử động trong tử cung.

Ngay từ khi mới sinh, những tương tác cảm xúc của bạn với em bé sẽ giúp định hình cách suy nghĩ, cảm nhận và hành vi của trẻ sau này. Những tương tác này cũng giúp tăng cường mối quan hệ tình cảm quan trọng giữa bạn và con.

anh-chup-man-hinh-2024-11-16-luc-164206-1731750156.png

Tâm lý của phụ nữ trong giai đoạn mang thai là vấn đề rất cần được quan tâm.

Thai phụ cần làm gì để tránh mắc hội chứng mẫn cảm trong thai kỳ?

Tâm lý của phụ nữ trong giai đoạn mang thai là vấn đề rất cần được quan tâm bởi bác sĩ, gia đình, xã hội và đặc biệt là bản thân thai phụ.

Bác sĩ qua các lần thăm khám cần đánh giá xem thai phụ có đang gặp phải bất kỳ rối loạn tâm thần kinh nào hay không. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ giảm nguy cơ thai nhi gặp phải những kết cục xấu.

Gia đình cần hỗ trợ về mặt tâm lý cho phụ nữ mang thai. Đây là giai đoạn cơ thể người phụ nữ có nhiều xáo trộn, do đó họ khó tự mình kiểm soát cảm xúc. Sự quan tâm của gia đình sẽ giúp ích rất nhiều cho thai phụ.

Thai phụ cần nói chuyện với những mẹ khác đã từng mang thai: Khi mẹ bầu nói chuyện với những người có kinh nghiệm thì sự lo lắng và sợ hãi khi mang thai sẽ giảm dần, đồng thời việc trao đổi, giao lưu còn khiến mẹ bầu nhận ra rằng việc mang thai là một điều kỳ diệu. Không phải tự nhiên mà các mẹ thường xuyên sử dụng các diễn đàn và hội nhóm để nói chuyện, một phần là để giải tỏa tâm lý trong thời kỳ mang thai.

Thai phụ cần sử dụng thời gian của mình để làm việc nhà hoặc các công việc có ích khác khiến mẹ bầu quên đi các vấn đề tâm lý đang gặp phải hoặc tận dụng thời gian để làm những việc có ích trong cuộc đời mình.

Ăn uống và tập thể lực điều độ cũng giúp mẹ bầu có thể giảm bớt căng thẳng và quên đi sự thay đổi bất thường của cơ thể.

Thai phụ không nên dồn nén những bức xúc với chồng con, hãy chia sẻ hết những tâm tư tình cảm và những căng thẳng cho chồng. Nếu chồng bạn là một người biết cảm thông chia sẻ thì có thể anh ấy sẽ giúp bạn xua tan đi những gánh nặng khi mang thai.

Tóm lại: Thai phụ nên có một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống, rèn luyện và giải trí thích hợp. Hãy chia sẻ với bác sĩ các vấn đề bạn đang gặp phải. Thai phụ cũng nên tham gia các lớp học tiền sản và câu lạc bộ để chuẩn bị kiến thức thật tốt cho thai kỳ, hậu sản và nuôi con. Hãy có một tinh thần tích cực cho một thai nhi khỏe mạnh.