Hội nghị Góp ý sửa đổi Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản

Thảo Huyền

Chiều ngày 28/4, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản.

Hội nghị có sự tham gia của TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng); Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Hiệp hội Bất động sản Việt Nam… cùng sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các luật sư và các cơ quan báo chí truyền thông.

san1-1651146598.jpg

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định 2161-QĐ-TTg ngày 22/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đến năm 2025 diện tích bình quân 27m2 sàn/người, trong đó tại đô thị là 28m2 sàn/người. Đến năm 2030 diện tích bình quân 30m2 sàn/người, trong đó tại đô thị là 32m2 sàn/người.

Bộ Xây dựng đã xác định mục tiêu phát triển nhà ở là một trong các trọng tâm giai đoạn tới. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam với nhiệm vụ của mình cũng đã xác định trong hoạt động của Hiệp hội góp phần vào trọng tâm nhà ở và thị trường bất động sản.

Tại hội nghị, PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương trình bày tham luận và nêu ra một số vấn đề trọng tâm cần tháo gỡ.

Thứ nhất, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2050, đô thị hóa đạt 50%. Quá trình đô thị hóa thực chất chính là chuyển đổi đất đai.

Thứ hai, thông tin đăng ký đất đai nhà ở và thị trường bất động sản hiện từ các nguồn

Thứ ba, sự tăng giảm, nóng sốt của thị trường diễn ra thường xuyên nhưng chúng ta vẫn chưa có chỉ số tính toán về nhà đất, thị trường bất động sản. Trên thực tế, Việt Nam chưa có các chỉ số giá đất đai, nhà ở, bất động sản cũng như chỉ số thị trường đất đai, nhà ở, bất động sản được công bố chính thức bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng hay Tổng cục Thống kê.

san2-1651146598.jpg
PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

PGS.TS. Trần Kim Chung cũng kiến nghị tới các cơ quan Nhà nước như sau:

Một là, với Quốc hội: Ban hành các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản mới, đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội đất nước trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Hai là, với Chính phủ: Chỉ đạo các bộ ngành, nghiên cứu, trình Quốc hội các văn bản Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản với chất lượng đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới.

Ba là, với Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu trình Chính phủ để trình Quốc hội Luật Đất đai mới đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới.

Thứ tư là, với Bộ Xây dựng: Nghiên cứu trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Trong khuôn khổ của hội nghị, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV có các đề xuất liên quan đến thị trường bất động sản nói chung:

Thứ nhất, cần quản lý giá bất động sản, phải có cơ sở dữ liệu về diễn biến giá về bất động sản thông qua hệ thống trung gian, giống như chứng khoán phải qua sàn.

Thứ hai, cần phát triển nguồn lực liên quan đến bất động sản, nên chuẩn hóa về hành nghề. Môi giới cũng phải có chứng chỉ hành nghề nhưng vấn đề ai là người cấp? Việc cho phép Hiệp hội Bất động sản làm điều này là hợp lý.

Thứ ba, minh bạch hóa thị trường cũng là điều rất quan trọng. Thông tin dữ liệu thị trường bất động sản quý như vàng nhưng quan trọng là phải có đầu mối làm việc này.

Chúng ta chuyển đổi số hơi chậm, một phần là thiếu minh bạch nhưng rõ ràng đây là xu thế tất yếu. Cần có quy định để kiểm soát, tăng khả năng thu thuế và tăng thu thập dữ liệu thông qua nền tảng số.

Đặc biệt, cần nâng cao năng lực cơ quan quản lý và doanh nghiệp bất động sản.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ: “Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai có liên quan chặt chẽ và tác động tới thị trường bất động sản. Từ những ý kiến đã phát biểu, tôi cho rằng, cả 3 luật đều có những vướng mắc và đứng ở các góc độ khác nhau sẽ nhìn thấy vướng mắc khác nhau. Có vấn đề cần phải báo cáo Bộ Chính trị, thậm chí Quốc hội sẽ phải bỏ phiếu riêng để quyết định một số vấn đề đưa vào các bộ luật. Bởi luật pháp còn gắn với chính trị, văn hoá, kinh tế”.

san3-1651146598.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng

Thực tế chính vì có sự tranh cãi giữa các luật nên chúng ta mới cần có sửa đổi. Tuy nhiên, việc sửa 2 luật trong bối cảnh hiện nay có nhiều nhạy cảm như các sai phạm đất đai, vấn đề siết tín dụng… Khi nói đến sửa luật, doanh nghiệp đứng ở góc độ của doanh nghiệp để thấy khó cần tháo gỡ, góc độ của luật sư là bảo vệ quyền lợi của người dân, nhà đầu tư. Còn ở phía nhà làm luật, chúng tôi nhìn ở góc độ phải hài hoà lợi ích, quyền và trách nhiệm giữa các bên Nhà nước, nhà đầu tư, người dân.

Có một số vấn đề chúng tôi đặt ra như sau:

Thứ nhất, phạm vi áp dụng Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản hiện nay như thế nào trong mối quan hệ với luật khác? Điều chỉnh những gì để tránh sự chồng chéo?

Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi hai luật này thì vấn đề nào cần kế thừa, tức là luật cũ vẫn có cái tốt không thể xoá bỏ; điều gì cần kế thừa, bổ sung, sửa đổi để phù hợp với thực tế.

Thứ ba, phải phát triển các vấn đề mà trong các văn bản dưới luật đã và đang quy định thấy hợp lý thì cần đưa vào luật như Nghị định 99, Thông tư 02, Thông tư 06… Nhưng quy định tại nghị định hay thông tư đưa vào luật thì phải phù hợp để không có nhiều thủ tục hành chính. Ngoài ra, cần xác định mối quan hệ giữa 2 luật để tránh chồng chéo, mâu thuẫn…

Hội nghị cũng đưa ra  nhiều ý kiến đa chiều để gửi tới các cơ quan thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi triệt để, bảo đảm sự thống nhất, tương thích, đồng bộ, góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư thông suốt, cạnh tranh lành mạnh, công khai minh bạch và bình đẳng giữa các chủ thể tham gia các phân khúc trên thị trường bất động sản.

N.Mạnh