Ngày 20/11, ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch xã Phượng Dực, cho biết trên địa bàn có 455 hộ nghèo và cận nghèo thuộc diện nhận hỗ trợ khó khăn do Covid-19; mức hỗ trợ mỗi người là 250.000 đồng, liên tiếp trong ba tháng.
Tuy nhiên, đợt thanh tra của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hồi tháng 8 phát hiện ở xã Phương Dực có 115 gia đình không đủ tiêu chuẩn hộ nghèo và cận nghèo. Đến nay chính quyền đã vận động 56 hộ trả lại hơn 126 triệu đồng; còn 59 hộ với số tiền phải thu hồi 154 triệu.
Thôn Xuân La ở xã Phương Dực có tổng cộng 183 hộ nghèo và cận nghèo được thụ hưởng chính sách trên; sau thanh tra đã loại khỏi danh sách 21 hộ. Ông Chu Văn Nam, một trong những hộ phải trả lại tiền hỗ trợ cho biết, tháng trước vợ ông đã mang trả 2.250.000 đồng, lý do là "đi họp, cán bộ thôn bảo trả lại do không đủ tiêu chí".
Gia đình ông Nam được xét duyệt hộ nghèo từ năm 2016. Năm đó ông bị bệnh đi mổ, mỗi tháng đều tái khám ở bệnh viện huyện. "Tôi không có nghề nghiệp, thi thoảng đi hát chầu văn kiếm vài trăm nghìn đồng. Vợ thu mua đồng nát, kiếm vài chục nghìn đồng mỗi ngày", ông nói và cho hay lúc đó đã trình bày với cán bộ thôn, xin vào danh sách hộ nghèo để "mỗi tháng bớt được vài trăm nghìn tiền đi khám". Hai năm sau, gia đình ông từ hộ nghèo "chuyển" về hộ cận nghèo.
Ông Chu Văn Nam, một trong những hộ phải trả lại tiền hỗ trợ Covid-19 ở xã Phượng Dực. Ảnh: Tất Định
Phân trần về việc không đủ tiêu chí vào hộ cận nghèo sau khi thanh tra "chấm điểm" lại, người đàn ông 65 tuổi nói, vợ chồng ông chưa tách khẩu với gia đình con trai. Đồ đạc trong nhà mấy năm qua đều do con sắm sửa, theo nhu cầu cuộc sống. Còn trên thực tế, ông bị bệnh nhiều năm, xin vào danh sách cận nghèo để được hưởng chính sách bảo hiểm y tế. Theo ông Nam, "việc thoát nghèo là điều ai cũng mong muốn, song bệnh tật ập đến thì đành phải chịu".
Ông Nguyễn Văn Tướng, Bí thư thôn Xuân La là người lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo tháng 10/2019. Ông nói quy trình lập danh sách ở thôn dựa trên bộ tiêu chí chấm điểm nghèo đa chiều, sau đó thông báo họp dân để bình xét.
Ông Tướng thừa nhận "có sai sót" trong việc đưa một số hộ gia đình có người bị bệnh vào danh sách hộ cận nghèo. Bí thư thôn lý giải, trong tiêu chí chấm điểm hộ nghèo, cận nghèo không có mục bệnh tật, nhưng khi họp người dân đồng tình đưa vào danh sách. Bởi người mắc bệnh ung thư, chạy thận là trụ cột chính trong gia đình, dù kinh tế đang khá giả, bị bệnh họ thành ra nghèo đột xuất.
"Thôn xóm linh động đưa vào để họ được hưởng bảo hiểm, bớt khó khăn khi trong nhà có người ốm đau, bệnh tật. Không có chuyện tôi đưa các hộ vào danh sách này để tư túi", ông Tướng khẳng định.
Ông Phạm Văn Nam, cán bộ phụ trách Lao động Thương binh và Xã hội xã Phượng Dực, lý giải có sự "sai sót" là do danh sách hộ nghèo, cận nghèo chuyển từ dưới thôn lên để xã xét duyệt. Danh sách này đã lấy ý kiến bình bầu của người dân, xã "tin tưởng" nên không rà soát lại.
Về việc một số gia đình có nhà ba tầng, đầy đủ tiện nghi vẫn nằm trong danh sách hộ cận nghèo của xã, theo ông Nam, do tiêu chí chấm điểm hộ nghèo, cận nghèo áp dụng từ năm 2016, không quy định rõ nhà kiên cố bao nhiêu tầng. Nếu cứ tính theo bộ tiêu chí này, thì hộ có hai người già, hết tuổi lao động ở nhà nhiều tầng, có tivi, tủ lạnh vẫn được xếp vào hộ cận nghèo.
Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xác minh 4.263 hộ nghèo và cận nghèo của toàn huyện Phú Xuyên. Kết quả phát hiện 125 hộ không đảm bảo điều kiện thuộc hộ nghèo và 1.894 hộ không đảm bảo thuộc hộ cận nghèo.
Lãnh đạo huyện Phú Xuyên được yêu cầu làm rõ việc "có biểu hiện vụ lợi, cá nhân hay không" trong công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo để xử lý; chỉ đạo các xã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền đã chi hỗ trợ không đúng quy định.
Tháng 4, Chính phủ triển khai gói an sinh 62.000 tỷ, bốn nhóm được thụ hưởng sớm nhất là người có công với cách mạng, người được bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo; gồm trên 11,8 triệu người với kinh phí gần 11.400 tỷ đồng.
Quá trình chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 ở một số địa phương xảy ra việc hộ nghèo không nhận được tiền, trong khi những hộ khá giả lại nằm trong danh sách hỗ trợ. Tại Hòa Bình, ba lãnh đạo của hai xã bị kỷ luật vì chi trả sai 217 triệu đồng tiền hỗ trợ. Tháng chín, 29 người dân ở Yên Thành (Nghệ An) cũng phải trả lại gần 22 triệu đồng tiền hỗ trợ do không thuộc diện cận nghèo.
Ở Thanh Hóa, cán bộ vì bệnh thành tích đã vận động người dân ký vào đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ, đưa người nhà cán bộ không đủ điều kiện vào danh sách hộ nghèo. Ở Quảng Trị, người dân phải chi tiền hỗ trợ cho cán bộ thôn "uống nước".