Huyện Bá Thước, Thanh Hóa: Đẩy mạnh mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, cán đích nông thôn mới

Thảo Huyền

Bá Thước, huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, với hoạt động chủ đạo là sản xuất nông nghiệp. Thực hiện công tác triển khai xây dựng NTM, huyện Bá Thước đã đẩy mạnh và tổ chức đa dạng phương thức tuyên truyền nhằm chuyển hóa từ nhận thức đến hành động, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, đồng hành của cán bộ, đảng viên trong xây dựng NTM.

Trong giai đoạn 2015 – 2020, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện; sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, và nhất là sự đồng thuận của toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện Bá Thước đã thay đổi bộ mặt phát triển kinh tế một các rõ rệt.

Cùng với việc xây dựng hệ thống tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh, công tác xây dựng chính quyền và tổ chức bộ máy của ở 22 xã cơ bản ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính quyền, đoàn thể cấp xã ngày được củng cố, hệ thống quản lý thôn bản ngày càng được nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động. Có 18/20 xã đạt tiêu chí số 18 về hệ thống tổ chức chính trị.

An ninh, trật tự được đảm bảo, thực hiện quy hoạch “ba trong một”, quy hoạch vùng huyện đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2065, Bá Thước đã huy động các nguồn lực tập trung phát triển sản xuất đi đôi với nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa-xã hội, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, nhất là phát triển giao thông kết nối, các công trình phục vụ sản xuất, phúc lợi công cộng, góp phần không ngừng nâng cao mức hưởng thụ vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Trong năm 2020 huyện đã huy động được tổng số vốn cho xây dựng NTM là 685.296,4 triệu đồng, trong đó: Trung ương là: 150.223,5 triệu đồng, chiếm 21,9%, huyện là: 5.224 triệu đồng, chiếm 0,76%, xã là: 6.628 triệu đồng, chiếm 0,96%, các dự án lồng ghép là: 177.011,1 đồng, chiếm 25,83%, doanh nghiệp là: 8.286,9 triệu đồng, chiếm 1,2%, tín dụng là: 213.337,26 triệu đồng, chiếm 31,13%, dân đóng góp: 120.890,42 triệu đồng, chiếm 17,6%. Vốn khác: 3.695,24 triệu đồng chiếm 0,54%.

Là một huyện thuần nông nên huyện cũng đã tập trung chỉ đạo tăng cường các giải pháp phòng chống hạn hán, đảm bảo cung cấp nước sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Đẩy mạnh phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với khai thác tiềm năng của từng vùng. So với năm 2010 thì năm 2020, tốc độ tăng GTSX ngành nông, lâm, thủy sản đạt 10,3%/năm, sản xuất nông nghiệp đạt 1.772 tỷ đồng. Giá trị sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt đạt 784 tỷ đồng, tăng 13,3%. Lâm nghiệp phát triển tích cực đạt 174 tỷ đồng, tăng 4,5%.

Hệ thống giao thôn nông thôn trên địa bàn được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trong năm có 44,441km đường giao thông được làm mới, 22,46km đường giao thông được nâng cấp cải tạo. Chủ yếu là các tuyến đường giao thông thôn, bản. Hệ thống điện nông thôn đến nay có 16/20 xã đạt tiêu chí điện. Hệ thống điện cơ bản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn là 97,7%. Cơ sở trường học, trong năm đã xây mới được 30 phòng học, có 5/20 xã đạt tiêu chí Trường học. Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ về giáo dục đào tạo.

Để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao; toàn huyện xây mới được 09 nhà văn hóa – khu thể thao thôn, nâng cấp được 8 nhà văn hoá thôn, có 125 thôn đạt tiêu chí văn hoá. Mặt khác, toàn huyện có 20/20 xã có điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông và Internet , 16/20 xã có đài truyền thanh hoạt động tốt, 20/20 xã có ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành hoạt động.

Về quốc phòng, an ninh, trong năm 2020 các lực lượng vũ trang luôn giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; duy trì thực hiện nghiêm túc công tác sẵn sàng chiến đấu, tăng cường công tác tuần tra, bám sát địa bàn. Là lực lượng tiền phong, trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện. Xây dựng lực lượng DQTV, dự bị động viên đảm bảo về số lượng, chất lượng.Tổ chức tuyển chọn, giao nhận 164 thanh nhiên lên đường nhập ngũ đảm bảo 100% chỉ tiêu được giao.

Tình hình an ninh chính trị, an ninh thông tin, an ninh nông thôn… trên địa bàn cơ bản ổn định. Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020-2025 và các sự kiện quan trọng khác trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị tổ chức tốt kỷ niệm 15 năm “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”.

Ngành y tế đã chủ động tham mưu, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện theo đúng chỉ đạo của Trung ương, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tỷ lệ người dân trên địa bàn huyện tham gia BHYT đạt 93,5%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi 15,94% giảm 0,47% so CK; Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi: 20,08% giảm 1,69% so với cùng kỳ. Chất lượng vệ sinh ATTP được đẩy mạnh; triển khai thực hiện tốt Kế hoạch Tháng hành động vì ATTP năm 2020 bằng nhiều hình thức phong phú. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện các chỉ tiêu công tác vệ sinh ATTP năm 2020 tại các địa phương, đơn vị.

Mặt khác, công tác vệ sinh môi trường nông thôn được nâng cao "Vệ sinh môi trường" và "cải tạo vườn tạp". Xây dựng, nhân rộng và tuyên truyền các mô hình điển hình, tiên tiến về BVMT, như: mô hình đội tự quản vệ sinh môi trường, mô hình bếp ít khói, mô hình 3 sạch: “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”. Đẩy mạnh công tác xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp an toàn; các thôn bản đã xây dựng hương ước về giữ gìn vệ sinh chung, quy định lịch tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm ít nhất 01 tuần một lần. Toàn huyện có 05 bãi rác tập trung tại 05 xã: Ban Công, Điền Trung, Điền Lư, Lương Trung và Lũng Niêm. Tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh đạt 96%, tỷ lệ hộ dùng nước sạch….

Tuy là huyện miền núi việc phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự cố gắng của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn thể nhân dân huyện phấn đấu trong năm 2021 huyện có thêm 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Ái Thượng) nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện lên 04 xã, có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Điền Lư), có thêm ít nhất 07 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới nâng tổng số thôn nông thôn mới toàn huyện lên trên 77 thôn, 02 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí xã nông thôn mới đạt 13,25 tiêu chí/xã; xã nông thôn mới nâng cao đạt 6 tiêu chí/xã; xã nông thôn mới kiểu mẫu đạt 6,8 tiêu chí/xã.

Trong giai đoạn 2021-2025 số xã đạt chuẩn NTM như sau: 12/20 xã chiếm tỷ lệ 60%; Số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: 5/20 xã chiếm tỷ lệ 25%; Số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu: 2/20 chiếm tỷ lệ 10%; Số thôn đạt chuẩn nông thôn mới: 108/183 thôn chiếm 59%; Số thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu: 8/183 thôn chiếm 4,37%.

Để làm được điều này đối với một huyện miền núi thì trong giai đoạn tiếp theo huyện cần tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xã NTM gắn với thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, nông thôn phù hợp với quy hoạch vùng huyện và quy hoạch tỉnh; triển khai quyết liệt các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, tạo việc làm; đẩy mạnh ứng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, lựa chọn những sản phẩm truyền thống, có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng mỗi xã một sản phẩm. Tổ chức khai thác có hiệu quả các công trình đã đầu tư, đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu, tạo chuyển biến hơn nữa nhóm các tiêu chí văn hóa-xã hội-môi trường, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân nông thôn.

Đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chăm lo giữ gìn đoàn kết nội bộ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; phấn đấu có nhiều gia đình, thôn, xã, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu và huyện sớm đạt tiêu chí kiểu mẫu, góp phần xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

PV