Kết cục lao lý của những băng nhóm xã hội chuyên bảo kê, ăn chặn

Thảo Huyền

Nguyễn Xuân Đường, nhóm tội phạm ở Nam Định hay Nguyễn Kim Hưng có hành vi ăn chặn tiền… đều có chung kết cục, đối diện tù tội.

Thủ đoạn ăn chặn tiền từ những đám tang

Hôm 5.5, Công an tỉnh Nam Định thông tin đã bắt giữ nhóm đối tượng gồm Nguyễn Hữu Quang (tức Quang con, 23 tuổi); Trần Xuân Hà (tức Hà "Sắc", 47 tuổi), Bùi Hải Quang (42 tuổi) đều ở Nam Định để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Nhóm 3 người này bị cáo buộc ban đầu là dùng thủ đoạn “giang hồ” để ăn chặn tiền của các cơ sở dịch vụ tang lễ tại Nam Định, liên quan đến hỏa táng tại Đài hóa thân Thanh Bình do Công ty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long làm chủ.

Cả Đường “Nhuệ” và nhóm tội phạm ở Nam Định đều ăn chặn tiền hỏa táng. Ảnh: Việt Dũng.

Cả Đường “Nhuệ” và nhóm tội phạm ở Nam Định đều ăn chặn tiền hỏa táng. Ảnh: Việt Dũng

Theo hồ sơ của cảnh sát, Công ty Hoàng Long ký hợp đồng độc quyền với Công ty Trường Dương (địa chỉ tại 496, đường Giải Phóng, thành phố Nam Định). Sau khi ký hợp đồng với Hoàng Long, Công ty Trường Dương thông báo với các cơ sở hoả táng mức giá hoả táng là 5,5 triệu đồng/ca. Trong khi đó, Công ty Trường Dương đã ký với Hoàng Long có giá là 4,3 triệu đồng/ca, có điều khoản không được tự ý nâng giá.

Không chỉ vậy, nhiều gia đình có người thân mất, đưa đến Đài để hỏa táng còn phải chịu khoản tiền chi thêm 500.000 đồng cho nhóm đối tượng trên. Sở dĩ các cơ sở dịch vụ tang lễ ở Nam Định phải “ngậm bồ hòn” làm theo những yêu cầu vô lý của nhóm đối tượng là để được yên ổn làm ăn.

Họ không còn cách nào khác, nếu đứng ngoài “cuộc chơi”, phản đối thì bị đe dọa, khủng bố tinh thần. Thực tế, một số cơ sở dịch vụ tang lễ đã phải hứng chịu những lần khủng bố bằng dầu luyn, chất bẩn, đập phá phương tiện…

Con số 39 triệu đồng nhóm đối tượng trên cưỡng đoạt của 5 chủ cơ sở tang lễ mà cơ quan điều tra cung cấp chỉ là xác định bước đầu, bởi vụ án còn đang trong giai đoạn điều tra mở rộng.

Bị can Nguyễn Xuân Đường. Ảnh cơ quan công an.

Bị can Nguyễn Xuân Đường. Ảnh cơ quan công an.

Hành vi của nhóm trên được công an điều tra, xuất phát từ việc Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”) bị Công an Thái Bình khởi tố về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Theo tài liệu ban đầu, hành vi của Đường “Nhuệ” có liên quan đến việc ăn chặn tiền của các gia đình có người chết, mang tới Đài hóa thân Thanh Bình (Nam Định) để hỏa táng.

Ban đầu, Đường “Nhuệ” gây hấn với chủ cơ sở Đài không xong thì quay sang hành các cơ sở dịch vụ tang lễ tại Thái Bình. Đường “Nhuệ” cùng đàn em khủng bố các cơ sở này bằng cách không cho đưa người sang Nam Định hỏa táng, mà phải sang Hải Phòng.

Các gia đình có người mất đã phản đối, Đường “Nhuệ” xuống nước, để họ sang Nam Định hỏa táng. Sau đó, Đường “Nhuệ” lập ra Hiệp hội tang lễ Thái Bình và yêu cầu các cơ sở phải nộp 500.000 đồng/ca hỏa táng cho mình và gọi đó là khoản “từ thiện”.

Các cơ sở tang lễ buộc phải nghe theo, song số tiền đó họ thu từ gia đình có người mất.

Ngày 22.4, Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Xuân Đường; Ninh Đức Lợi để điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Trùm Hưng “Kính” và đàn em cưỡng đoạt tiền của tiểu thương tại chợ Long Biên

Còn nhớ khi vụ án Nguyễn Kim Hưng (Hưng “Kính”) và đồng phạm bị triệt phá, dư luận xã hội, đặc biệt là các tiểu thương ở chợ Long Biên (Hà Nội) đều đồng tình, ủng hộ.

Trùm bảo kê chợ Long Biên Hưng Kính tử vong - Ảnh 1.

Hưng "Kính" tại phiên tòa ngày 25/7/2019

Cũng từ đây, thủ đoạn cưỡng đoạt tiền của Hưng “Kính” và đàn em bị cơ quan điều tra làm rõ. Khởi điểm vụ án được điều tra khi vợ chồng chị Nghiêm Thúy Nga (tiểu thương tại chợ Long Biên) tố cáo hành vi cưỡng đoạt của Hưng “Kính” cùng đồng phạm.

Theo đó, trong thời gian làm tổ trưởng tổ bốc xếp số 2 (từ 14.3-1.9.2018),  Hưng “Kính” và đàn em không có quyền phân công người thu tiền bốc dỡ, tuy nhiên, để trục lợi cá nhân, dưới danh nghĩa nhân viên tổ bốc xếp số 2, Hưng “Kính” đã chỉ đạo đàn em dùng các thủ đoạn chèn ép, đe dọa bắt các hộ tiểu thương trong chợ Long Biên phải nộp tiền bảo kê dưới dạng tiền mua “lốt” xe.

Trong đó, chị Nga muốn có chỗ đỗ xe, yên ổn làm ăn trong chợ thì phải nộp cho nhóm của Hưng 100 triệu đồng/năm. Trước phản ứng của nữ tiểu thương này, qua chỉ đạo của Hưng “Kính”, nhóm đàn em đuổi không cho xe ôtô của chị Nga đỗ, cho nhân viên lái xe đỗ chắn trước kiốt, kéo cá thối để cạnh kiốt của chị Nga, đuổi không cho nhân viên của vợ chồng chị Nga bốc dỡ hàng hóa...

Với hành vi cưỡng đoạt tiền, Hưng “Kính” bị TAND Hà Nội tuyên phạt 4 năm tù, 4 đàn em nhận từ 3 năm - 3 năm 6 tháng tù. Tuy nhiên, trong thời gian bị tạm giam để chờ phiên tòa phúc thẩm, ngày 14.8.2019, Hưng “Kính” đã chết do bệnh lý.

Loan “Cá” thâu tóm hoạt động bảo kê tiểu thương nhờ thanh thế của chồng?

Ngày 6.5, Công an tỉnh Đồng Nai đã tiến hành bắt giữ thêm 4 đối tượng trong băng nhóm bảo kê tiểu thương tại Khu công nghiệp Thạnh Phú.

Theo điều tra của cơ quan công an, Lý Thị Loan còn có biệt danh Loan “Cá” (39 tuổi, ngụ phường Hóa An,  TP.Biên Hòa, Đồng Nai) là đối tượng cầm đầu băng nhóm bảo kê hoạt động buôn bán của tiểu thương, người bán hàng rong tại khu vực Khu công nghiệp Thạnh Phú, đặc biệt là khu vực trước 2 cổng của Công ty Chang Shin VN – có 36.000 công nhân lao động.

Loan là vợ của T, và cả hai vợ chồng Loan trước đây hoạt động mạnh ở khu vực chợ cá Hoá An (phường Hoá An, TP.Biên Hoà) nên đều có biệt danh "Cá". T. “Cá” – chồng của Loan “Cá” được biết đến là một đối tượng anh chị có “số má” ở khu vực chợ cá Hóa An.

Đối tượng Loan “Cá” bị bắt. Ảnh: Minh Châu

Đối tượng Loan “Cá” bị bắt. Ảnh: Minh Châu

Chợ cá này nằm trên Quốc lộ 1K, đối diện là Công ty Pouchen VN – có hàng chục ngàn công nhân lao động làm việc, và trước cổng công ty này cũng có rất nhiều hoạt động buôn bán của các tiểu thương cũng như người buôn bán hàng rong. Chợ cá Hoá An trở thành địa bàn hoạt động chính của vợ chồng Loan “Cá” vào thời điểm đó. Sau khi đã “chắc chân”, vợ chồng Loan “Cá” tiếp tục mở rộng thanh thế cũng như địa bàn hoạt động tại các khu vực khác.

Cụ thể, tại khu vực Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu có sự hoạt động của Công ty ChangShin VN với 36.000 công nhân lao động, công ty này có 2 cổng và đều có rất đông công nhân lao động mỗi giờ tan ca cũng như công nhân vào làm việc, khiến nhu cầu mua bán lớn; các tiểu thương và người bán hàng rong cũng tập trung buôn bán và trở thành địa bàn “béo bở”.

Các đối tượng trong băng nhóm Loan “Cá” bị bắt. Ảnh: Minh Châu

Các đối tượng trong băng nhóm Loan “Cá” bị bắt. Ảnh: Minh Châu

Tuy nhiên, thời điểm đó, địa bàn này đang có băng nhóm do đối tượng N. cầm đầu đứng chân. Do đó, Loan “Cá” cùng đàn em dùng thanh thế của chồng là T. “Cá” để cùng chia phần hoạt động trên địa bàn Khu công nghiệp Thạnh Phú và sau đó “đá” băng nhóm N. ra khỏi địa bàn, một mình độc chiếm việc bảo kê tiểu thương trước cổng Khu công nghiệp Thạnh Phú.

Trước đó, chiều ngày 5.5, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với lực lượng Cảnh sát cơ động tiến hành bắt khẩn cấp, đồng thời tiến hành khám xét nơi ở của băng nhóm gồm 9 đối tượng do Lý Thị Loan, còn có biệt danh Loan “Cá” (39 tuổi, ngụ phường Hóa An,  TP.Biên Hòa, Đồng Nai) và Hoàng Thị Tuyết Nhung (35 tuổi, ngụ Phường Hố Nai, TP.Biên Hoà) cầm đầu để điều tra về hành vi bảo kê buôn bán tại Khu Công nghiệp Thạnh Phú thuộc huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai.

Đây là băng nhóm đã hoạt động nhiều năm qua, dùng vũ lực buộc người buôn bán tại đây mỗi tháng phải nộp tiền bảo kê từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng.

Hạ Chí