Thả bước chân thư thái trong từng con ngõ vẫn thấy nguyên vẹn một Đông Ngạc cổ kính nhuốm màu thời gian. Tuy nhiên, nhà nào cũng có số và ngõ nhỏ đều có tên. Thế nhưng trong mỗi căn nhà vẫn cảm nhận rõ sự thanh bình, như bỏ lại ngoài kia mọi sự ồn ào, náo nhiệt...
Dấu xưa...
Từ đầu làng bước vào, lạ thay, đường làng hai bên được lát gạch nghiêng. Các cụ cao niên trong làng kể lại rằng theo tục xưa, mỗi khi con gái trong làng đi lấy chồng, họ phải “nộp cheo”, tức là bỏ tiền ra mua 300 viên gạch về lát một đoạn đường, do vậy đường làng chỗ nào cũng lát gạch nghiêng. Bên cạnh đó, theo ông Phạm Quang Đại (SN 1940, người dày công nghiên cứu về sử làng) cho hay, chuyện “nộp cheo” là có nhưng cũng có những đoạn đường là do những gia đình khá giả cung tiến cho làng. Từ xưa, đường sá làng Đông Ngạc đã rộng rãi, xe ngựa hay xe tải cam-nhông đều đi lại được.
Tiếp tục rảo bước trên đường làng, không khó để chúng tôi bắt gặp những cổng nhà rêu phong đều xây dựng hình tháp bút, cuốn thư; những mái nhà nhuộm màu thời gian; những ngôi nhà thờ cổ… Theo thống kê của cán bộ văn hóa phường Đông Ngạc, toàn phường hiện còn hàng trăm ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi; riêng nhà thờ cổ của các dòng họ thì còn khoảng 30 ngôi. Một số ít ngôi nhà cổ được trùng tu, phục hồi nhưng hầu hết vẫn giữ được nét cổ kính.
Nhà cổ ở Đông Ngạc hầu hết được làm bằng gỗ lim và gỗ xoan rừng, rộng rãi, thoáng mát. Ngoài những ngôi nhà hơn 100 năm được bảo tồn nguyên trạng, còn có những ngôi nhà thờ cổ dựng từ mấy thế kỷ trước như nhà thờ cụ Đỗ Thế Giai (một vị quan thời Vua Lê - Chúa Trịnh) là nơi lưu giữ khá nhiều cổ vật có giá trị (rùa, hạc, bia đá, tượng ông phỗng, hương án…). Ngôi nhà cổ này có 5 gian được làm bằng các loại gỗ quý theo lối kiến trúc đậm phong cách thời Lê với những nét hoa văn trang trí rèm cửa còn khá nguyên vẹn. Đây cũng được coi như ngôi đình thứ 2 của Đông Ngạc, bởi theo sử sách ghi lại: Cụ Đỗ Thế Giai được sắc phong là Đỗ Đại Vương Từ. Hiện, nhà thờ vẫn còn bức hoành phi với 4 chữ “Thượng Đẳng Phúc Thần” (tương đương với Thành hoàng làng). Ngôi nhà thời cổ này do ông Đỗ Quốc Hiến trông coi. Ông cũng là người đã bỏ ra nhiều công sức để giữ gìn, bảo tồn nhà thờ cùng với đó là nghiên cứu về lịch sử dòng họ Đỗ và các sử liệu về làng Đông Ngạc.
Bên cạnh những nhà thờ cổ, còn có những căn nhà mang đậm kiến trúc Pháp đến nay vẫn còn gần như nguyên vẹn: Căn nhà hai tầng của cụ Hai Vi, nhà cụ Hai Tỉnh, cụ Huấn Tiến…
Nhắc đến kiến trúc, nhà thờ cổ ở Đông Ngạc mà không nói đến đình, chùa nơi đây thì hẳn là một thiếu sót lớn. Ông Lê Văn Đôn, Trưởng ban Di tích đình làng Đông Ngạc dẫn chúng tôi đi thăm quan đình, chùa Vẽ. “Đình Vẽ được xây dựng từ thế kỉ XVII trên thế đất cao, đắc địa. Đình thờ ba vị thần tượng trưng cho cả “Thiên, Địa, Nhân”. Ngoài ra đình còn thờ tiến sĩ Phạm Quang Dung là người làng có công đứng ra trùng tu đình năm 1718 và ông Phạm Thọ Lý, người đã cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635.
Khuôn viên của đình được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Quốc, tượng trưng cho đầu rồng. Từ cổng vào qua hai tam quan đồ sộ, tam quan ngoại có nền cao ngang mặt đê sông Hồng. Hai bái đường nội và ngoại được nối liền với nhau, mỗi tòa gồm 9 gian. Trong cùng là hậu cung, mỗi tòa có 3 gian. Đặc biệt, đình còn lưu 7 tấm bia cổ, trong đó có bia Dương Hòa tạc vào thế kỷ 17 ghi việc làm lại đình. Bên cạnh đó, những bức hoành phi và câu đối sơn son thiếp vàng không hề bị phai màu theo năm tháng. Cứ đến mùng 9/2 âm lịch hàng năm, dân làng lại long trọng tổ chức lễ hội ở đình làng với nhiều nghi thức trang trọng và các tiết mục ca trù đặc sắc”, ông Đôn nói.
Theo ông Đôn, đình thì được xây dựng sát với đê sông Hồng, còn chùa ở trong làng rộng tới 59 gian, mang đậm nét đẹp kiến trúc nghệ thuật thế kỷ XVII. Chùa được xây dựng dưới thời vua Lê Thiền Tông (1653-1661), với kiểu kiến trúc nội tự chữ “Đinh”, ngoại tự chữ “Quốc”. Mái chùa còn mang đậm nét kiến trúc cổ với ngói mũi hài, đỉnh mái là hình lưỡng long chầu nguyệt, đầu mái uốn cong gắn hình rồng, qua thời gian đã nhuốm màu rêu phong.
Chợ Vẽ một thời là “trung tâm thương mại”
Chợ Vẽ được ghi nhận là một trong ba chợ lớn nhất của huyện Từ Liêm, được ghi trong sách Đại Nam nhất thống chí. Ngày nay, chợ Vẽ chỉ còn là chợ dân sinh thuần túy, nên hàng hóa chủ yếu là thực phẩm và đồ gia dụng.
“Đã đến Đông Ngạc không nên bỏ qua thăm thú chợ Vẽ (nằm sát cổng chùa). Vị trí của chợ khá đặc biệt - họp ngay ở cổng chùa, dân gian thường gọi là chợ Tam bảo. Xưa nay, chùa, đình, miếu, văn từ văn chỉ có bia đá là chuyện thường thấy, nhưng bia chợ (bia chợ Tam bảo) thì không có nhiều, thậm chí rải rác rất ít ở Bắc Bộ”, ông Đôn chia sẻ.
Thế nhưng, vị trí chợ hiện nay không phải có ngay từ đầu, chợ Vẽ từng thay đổi nhiều địa điểm. Xưa, chợ nằm sát bến sông Hồng, với phương tiện giao thông chủ yếu bằng đường thủy, bến Vẽ là một bến sông khá gần Thăng Long. Nơi đây thuận tiện cho hàng hóa tập trung về. Vào phiên chợ, các bè gỗ, song mây, tre nứa, trâu bò... từ miền ngược xuôi về. Mắm muối, cá tôm... từ miền biển ngược lên. Thời xưa, chợ họp ở khu đất bên ngoài xóm Hàng Quang ra mãi áp bờ sông, nên thường gọi là “trên làng, dưới chợ”.
Về sau do nước sông hằng năm làm xói lở bến, người ta phải họp từ dốc chợ Lụa qua Bến Ngự đến Hàng Quang. Rồi để thuận tiện hơn, người ta dời chợ lên đầu làng, trên một khu đất rộng, trước mặt giáp đường đê, đằng sau giáp chùa…
Đặc sản “tiến vua” nay bị mai một
Ở cái tuổi 80, ông Đại vẫn nhớ như in cảnh họp chợ xưa. Ông bảo, xưa xóm Hàng Quang như một con phố buôn bán, hai bên là 2 dãy cửa hàng chuyên bán quang gánh và vật liệu như song mây chẻ sẵn. Người dân xóm Lò Nồi chuyên làm nồi, chum, vại, tiểu sành; xóm Hàng Quang chuyên nghề song quang, bàn mây. Ở rải rác khắp các xóm ngõ, mọi người làm nghề thủ công khác như: Làm quạt lá vả, làm khăn xếp bằng lượt, làm chậu trồng cây cảnh bằng đất nung, làm gạch ngói, làm đồ sơn mài… Đến đầu thế kỷ 20, có thêm nghề làm mũ cứng bằng dút lợp vải, nghề làm mũ nan về sau thành nghề làm mũ panama, làm mũ “đầm chếch” (mũ cho phụ nữ Pháp).
“Nói đến nghề thủ công ở làng Vẽ mà không nhắc đến ẩm thực thì là sự thiếu sót vô cùng lớn. Xưa, Đông Ngạc nổi tiếng với món nem nên mới có câu: “Giò Chèm, nem Vẽ”. Cách làm món nem cũng khá kỳ công, dùng bì lợn sống rửa sạch, cạo sạch lông rồi chấn nước sôi cho chín tới để lấy độ dòn. Dùng dao sắc thái thành sợi rồi trộn với thính đã rang thơm, thính này làm bằng gạo tẻ rang thơm vàng tán bột. Ăn nem cùng với rau thơm tận hưởng được các vị giòn, vị béo, vị thơm – như trong câu ca:
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mải vui quên mất lời em dặn dò.
Một món ăn rất công phu nữa là chả sấy: Thịt thăn thái to bản đem ngâm với nước giềng và nước mắm, đổ vào một miếng lá chuối rồi lấy dao đập cho bẹt, đem phơi khô. Khi nào ăn thì đem nướng rồi tẩm với nước đường ăn thơm ngon đủ mùi vị bùi, béo, cay, ngọt. Hai món này từng là đặc sản “tiến vua” đấy”, ông Đại kể lại.
Ngoài món ăn nổi tiếng là nem, chả sấy thì món bánh khoai phồng từng khiến bao người tấm tắc khen ngon ví von “Thứ nhất bánh cuốn Thanh Trì, thứ nhì khoai phồng làng Vẽ”. Người làng Vẽ làm bánh khoai không bằng bột khoai mà làm bằng bột nếp cái hoa vàng. Nếp cái hoa vàng đã sao chín thơm như làm bột dẻo, bột khảo, người ta trộn với nước đường nhạt và ủ theo một kỹ thuật riêng. Khi ăn, vo tròn bột thành từng viên nhỏ cho vào rán, những viên bánh nở phồng to. Tuy nhiên, theo ông Đại, những món này hầu như người dân người làng Vẽ không còn làm từ lâu. Thật tiếc cho những món đặc sản một thời đi vào câu ca dao nay bị lãng quên.