Tại các huyện miền núi, vùng biên giới của tỉnh Quảng Bình, hiện vẫn còn nhiều gia đình nghèo khó, nhiều trẻ mồ côi cha mẹ, con đường đến trường rất gian nan. Thấu hiểu hoàn cảnh của bà con dân bản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã thực hiện mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, nhận nuôi các em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho các em được ăn học, phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần.
Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng vui hát cùng các con. |
Mấy tháng nay, doanh trại quân đội của Đồn Biên Phòng Cà Xèng, ở xã vùng cao Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình luôn rộn vang tiếng nói cười, ca hát hoặc học bài của 5 đứa trẻ em người Rục và Sách. Đây là 5 em nhỏ mồ côi cha hoặc mẹ, cuộc sống gia đình khó khăn được Đồn đưa về nuôi dưỡng.
Em Cao Ngọc Huyên, 14 tuổi, đang học lớp 8 trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Hóa, huyện Minh Hóa là anh cả của các con nuôi Đồn Biên phòng Cà Xèng. Hoàn cảnh gia đình Huyên đặc biệt khó khăn, cha mất sớm, mẹ một mình bươn chải nuôi 2 chị em Huyên. Ngoài giờ lên lớp, Huyên phải lên rẫy phụ mẹ tỉa ngô, trồng sắn, kiếm cái ăn cho cả nhà. Tháng 5 năm 2019, Huyên được Đồn Biên phòng Cà Xèng đón về nuôi dưỡng, được các chú bộ đội thương yêu như con, chăm lo từ chuyện học hành đến miếng ăn, giấc ngủ. Huyên luôn nghĩ rằng, Đồn biên phòng là nhà, các chú bộ đội là cha, chú và các em cùng sống như anh em ruột thịt.
“Vào đây, con được các chú bộ đội chăm sóc, bày cho học, được mua sắm áo quần, giày dép và cả xe đạp để đi học. Buổi sáng, con gọi các em dậy sớm, tập thể dục, quét sân, vệ sinh, ăn sáng rồi đi học. Chiều về con học bài, trồng cây, cắt cỏ với các chú bộ đội. Vào đây ở, phải xa mẹ và chị nhưng con không buồn vì có các em khác cùng sống chung với con và được các chú bộ đội thương yêu, chăm sóc”.
Không mạnh dạn như anh cả Cao Ngọc Huyên, các em Cao Xuân Giang, Cao Văn Bằng, học lớp 7; Cao Xuân Công lớp 6 và em út Cao Xuân Lệ, lớp 5 còn rụt rè, nhút nhát. Những ngày đầu về sống tại Đồn Biên phòng, có em nhớ nhà, đòi về. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng luôn gần gũi, động viên, giúp các em tham gia nhiều hoạt động thể thao, giải trí, quen dần với cuộc sống mới. Đơn vị bố trí một phòng rộng rãi, có giường, tủ, bàn ghế để các em sinh hoạt, học tập và phân công cán bộ, kèm cặp, hướng dẫn các em học bài. Thiếu tá Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng chia sẻ: sau những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, cả 5 em đã quen với cuộc sống ở Đồn Biên phòng, học hành tiến bộ hơn nhiều.
Thiếu tá Phạm Xuân Ninh cho biết: “Về ở đây, các chú, các anh đều coi các cháu như con trong nhà, cũng chăm sóc, dạy bảo rồi rèn luyện để các cháu nên người. Các cháu ngày ăn ba bữa như bộ đội và mọi chế độ các chú thế nào thì các cháu cũng như thế. Trước đây, mới về ở, các cháu chưa quen cũng đòi về nhà luôn nhưng bây giờ lại thích ở Đồn với các chú”.
5 trẻ mồ côi được Đồn Biên phòng Cà Xèng nhận đỡ đầu. |
Cùng với 5 em người Rục và Sách ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, 18 học sinh khác là con em đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã được các Đồn Biên phòng tuyến biển và khu vực biên giới tỉnh Quảng Bình đưa về nuôi dạy. Các Đồn Biên phòng thường xuyên liên lạc với gia đình, phân công cán bộ hướng dẫn, kèm cặp các em trong học tập và dạy bảo các em những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Bên cạnh mô hình “Con nuôi Đồn biên phòng”, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cũng thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, nhận đỡ đầu 86 học sinh nghèo, hỗ trợ mỗi em 500.000 đồng/tháng đến khi các em học hết Trung học phổ thông.
Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai chương trình “Con nuôi Đồn biên phòng”. Thời gian qua, 12 Đồn biên phòng đã tiến hành nhận nuôi 23 cháu. Hiện tại, các cháu học tập tiến bộ, sức khỏe tốt. Chương trình đã tạo được sự lan tỏa và niềm tin trong cán bộ và nhân dân vùng biên giới. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng duy trì chất lượng nuôi dạy các cháu đã nhận nuôi, đồng thời, trên điều kiện hiện có của mình tiếp tục nhận nuôi các cháu có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn”.
Không chỉ là điểm tựa vững vàng cho các em học sinh mồ côi, người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, những câu chuyện về "Con nuôi Đồn Biên phòng" càng tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa bộ đội biên phòng với bà con nơi vùng biên giới./.