Khoèo chân bẩm sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị

Biên tập viên

Khoèo chân bẩm sinh có thể được phát hiện thông qua việc siêu âm thai nhi từ tháng thứ 3 của thai kỳ. Khi trẻ bị khoèo chân bẩm sinh cha mẹ có thể liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa để điều trị cho trẻ ngay khi sinh ra.

Ước tính trên thế giới mỗi năm có hơn 100.000 trẻ sinh ra có bàn chân khoèo bẩm sinh (khoèo chân bẩm sinh), 80% trường hợp xảy ra tại các nước đang phát triển. Bàn chân khoèo không được điều trị thích hợp sẽ gây ra các biến dạng nghiêm trọng, làm mất chức năng của bàn chân cũng như thẩm mỹ cho trẻ.

1. Nguyên nhân gây khoèo chân bẩm sinh

Khoèo chân bẩm sinh hay bàn chân khoèo là một dị tật bàn chân bẩm sinh xảy ra trong thời kỳ bào thai. Bao gồm phần trước bàn chân nghiêng, xoay trong và bị kéo xuống dưới; phần gót chân bị kéo vào trong, một số cơ và dây chằng bị ngắn lại và co rút.

Nguyên nhân gây bàn chân khoèo bẩm sinh được chia làm 2 nhóm: nguyên nhân trước sinh và các trường hợp không rõ nguyên nhân.

Nguyên nhân trước sinh:

  • Trẻ có bất thường về gen: Một số gia đình có vài người bị bàn chân khoèo.
  • Tư thế bàn chân của bào thai bất thường.
  • Đột biến nhiễm sắc thể: Trẻ bị cứng đa khớp bẩm sinh (bàn chân khoèo, bàn tay khoèo, cứng khớp gối, cứng khớp khuỷu, cứng khớp vai, trật khớp háng...).
  • Bất thường về cấu trúc xương bàn chân bẩm sinh.
  • Bất thường về thần kinh chi phối bàn chân.

Không rõ nguyên nhân: Dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh vô căn

Khoèo chân bẩm sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị- Ảnh 1.
TS.BS Nguyễn Ngọc Cương - Trưởng khoa Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

2. Triệu chứng khoèo chân bẩm sinh

Các dấu hiệu phát hiện trẻ bị dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh bao gồm:

  • Khép và nghiêng trong phần trước, giữa bàn chân.
  • Bàn chân ở tư thế thuổng (Gập lòng bàn chân).
  • Mép ngoài bàn chân cong.
  • Nếp lằn da sau gót bàn chân rõ.
  • Nếp lằn da phần giữa bàn chân rõ.
  • Khoảng giữa mắt cá trong và xương ghe không sờ thấy.
  • Ngắn ngón chân cái.
  • Cơ cẳng chân có thể bị teo hoặc liệt.
  • Dùng tay không thể đưa bàn chân về vị trí trung gian.
  • Các dị tật khác có thể kèm theo như trật khớp háng, cứng khớp gối, trật khớp xương bánh chè, cứng khớp khuỷu, bàn tay khoèo.

3. Khoèo chân bẩm sinh có lây không?

Khoèo chân bẩm sinh không phải là bệnh lý truyền nhiễm và không thể lây từ người bệnh sang người lành.

4. Phòng ngừa khoèo chân bẩm sinh

Khoèo chân bẩm sinh có thể được phát hiện thông qua việc siêu âm thai nhi từ tháng thứ 3 của thai kỳ. Khi trẻ bị khoèo chân bẩm sinh cha mẹ có thể liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa để điều trị cho trẻ ngay khi sinh ra.

Khoèo chân bẩm sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị- Ảnh 2.
Sau khi bó bột chỉnh hình, trẻ được chỉ định mang giày nẹp duy trì tới khi trẻ 6 tuổi.

5. Điều trị khoèo chân bẩm sinh

Để điều trị bàn chân khoèo cần can thiệp sớm sau khi sinh khoảng 7 – 10 ngày. Với quy trình điều trị bắt đầu bằng bó bột chỉnh hình, có thể kèm theo chích gân gót, sau đó mang giày nẹp duy trì tới khi trẻ 6 tuổi. Mục tiêu lâu dài của liệu pháp điều trị là giúp bàn chân hoạt động đúng chức năng, không bị đau, có thể đi bằng gan bàn chân với khả năng linh hoạt cao, không để lại sẹo xương, không cần điều chỉnh giày dép.

Điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh theo phương pháp Ponseti là phương pháp hiện đại nhất hiện nay để điều trị căn bệnh này. Phương pháp này chủ yếu là kỹ thuật bó bột chỉnh hình nắn sửa các biến dạng vùng bàn, cổ chân mà tâm điểm là thay đổi trục xương sên và kéo dãn các dây chằng quanh xương sên. Ngoài ra, trẻ có thể cần 1 tiểu phẫu gân gót chân để hoàn tất quá trình nắn sửa bàn chân, rồi bó bột giữ trong 3 tuần.

Sau khi được điều trị khoèo chân bẩm sinh cha mẹ cần duy trì kết quả chỉnh sửa bằng nẹp dạng đủ thời gian, tái khám đúng hẹn của bác sĩ và phản hồi ngay nếu có các vấn đề phát sinh trong quá trình bó bột và mang nẹp dạng.