Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người đã trực tiếp mở 3 lớp huấn luyện cách mạng cho thanh niên Việt Nam, cải tổ Tâm Tâm xã, thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội và đặc biệt là ra tờ báo Thanh Niên. Báo Thanh Niên ra số đầu tiên vào ngày 21.6.1925, ban đầu dự định xuất bản hàng tuần, nhưng do khó khăn khách quan nên không đều kỳ. Thông thường, mỗi số có 2 trang hoặc 4 trang, khổ giấy 18x24cm - một khổ giấy thông dụng bấy giờ ở Quảng Châu có thể mua được một cách dễ dàng. Về hình thức, phía trên trang nhất trong khung chữ nhật có tên báo bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán. Bên trái có hình ngôi sao 5 cánh, ở giữa có ghi số báo, phía dưới tên báo ghi ngày, tháng, năm ra báo. Mỗi kỳ báo in khoảng 100 bản tại Quảng Châu. In xong, Nguyễn Ái Quốc chuyển đến Thượng Hải hoặc Hong Kong, để từ đó nhờ vào hệ thống giao thông liên lạc trên các tàu thuỷ, báo Thanh Niên sẽ được chuyển một cách bí mật về nước.
Ngôi nhà số 13, nay là số 248 - 250, đường Văn Minh (Quảng Châu, Trung Quốc) - nơi tờ báo Thanh Niên xuất bản những số đầu tiên. Ảnh Tư liệu
Báo Thanh Niên được viết bằng bút sắt nhọn trên giấy sáp và in theo lối rônêô. Cách in này cũng chỉ cho phép in được 100 bản rõ nét. Phương pháp cải tiến chữ viết của Nguyễn Ái Quốc như: Dùng chữ z thay cho d, chữ d thay cho đ, chữ f thay cho ph, chữ k thay cho c... và nhất là cách rút gọn chữ này ngoài việc tiết kiệm được chữ, còn gây cho người đọc một ấn tượng đổi mới, cách mạng và độc đáo chỉ riêng tờ Thanh Niên bấy giờ mới có. Báo có các chuyên mục phong phú như: Xã hội, bình luận, tân văn, vấn đáp, thi ca, phê bình, trả lời bạn đọc...
Tham gia viết bài cho Thanh Niên, ngoài Nguyễn Ái Quốc là cây bút chủ lực, là linh hồn của tờ báo, người ta thỉnh thoảng còn thấy có các đồng chí: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh, Lê Duy Điếm... Nội dung chủ yếu của Báo Thanh Niên nêu lên vấn đề đoàn kết: Đoàn kết trong cộng đồng xã hội, đoàn kết dân tộc. Báo còn nhấn mạnh đến tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta trong suốt quá trình lịch sử. Ngoài vấn đề tuyên truyền lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và cách mạng vô sản, báo còn đề cập một cách khái quát những vấn đề đường lối của cách mạng Việt Nam. Có thể nói, Thanh Niên rất xứng đáng với danh hiệu là “người tuyên truyền cổ động và tổ chức tập thể” như V.I.Lênin đã nói.
Ngày 2.6.1950, Chính phủ ta chính thức quyết định cho thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam" (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7.1950, Tổ chức Báo chí Quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan, đã công nhận “Hội những người viết báo Việt Nam” là thành viên chính thức của tổ chức này. Tháng 2.1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5.2.1985 lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng. Theo đó, ngày 21.6.1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo “Thanh Niên” xuất bản số đầu tiên. Ngày 21.6.2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định đổi tên gọi Ngày Báo chí Việt Nam là “Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”.