Kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn nghiên cứu và các định chế tài chính toàn cầu

Trong bối cảnh toàn cầu thiếu ổn định và tăng trưởng theo chiều suy giảm, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đà chuyển biến tích cực; 9 tháng đầu năm nay mức tăng trưởng đạt 6,98%, là mức tăng cao nhất những năm gần đây. Từ nhìn nhận của giới quản lý và các định chế tài chính toàn cầu, bài viết đề cập đến một số vấn đề thực trạng và triển vọng phát triển trong thời gian tới.

Phát triển kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm, những kết quả nổi bật

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại với những rủi ro gia tăng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng leo thang ở vùng Vịnh, nguy cơ Brexit và bất ổn chính sách, các tổ chức quốc tế liên tục đưa ra những dự báo thiếu lạc quan về mức tăng trưởng kinh tế (Quỹ Tiền tệ IMF hạ mức tăng trưởng toàn cầu năm 2019 thấp hơn so với 3,3% trước đó; Tổ chức Hợp tác và Phát triển OECD dự báo tăng trưởng thấp hơn 0,3% so với tháng 5 năm 2019, xuống còn 2,9%)

Cùng với xu thế bất ổn gia tăng, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch và những thay đổi về địa chính trị là những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh những tác động từ bên ngoài; ở trong nước, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, không ít mặt hàng thiếu thuận lợi về thị trường và giá xuất khẩu; giải ngân vốn đầu tư công đạt rất thấp.

Mặc dù có nhiều nhân tố bất lợi, song với những chủ trương chính sách kịp thời, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và việc thực hiện đồng bộ của các Bộ, Ban, Ngành, Địa phương trong tháo gỡ khó khăn, kết quả đạt được trong quý III và 9 tháng đầu năm đã mở ra triển vọng tốt đẹp cho nền kinh tế.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2019 tăng 7,31%; cao hơn mức tăng 6,82% của quý I và 6,73% của quý II năm nay. Trong sự gia tăng này, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,53%; công nghiệp và xây dựng tăng 10,05% và khu vực dịch vụ tăng 7,11%.

Nghiên cứu mức tăng trưởng thời gian qua cho thấy, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,46% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 8,44%; xuất khẩu tăng 8,36% và nhập khẩu tăng 10,19%. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP cả nước ước tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Trong 9 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 2,02%; ngành công nghiệp-xây dựng tăng  trưởng 9,36% và  dịch vụ tăng 6,85%..Ngành công nghiệp đã đóng góp  tới 3,16 % vào tốc độ tăng tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục được khẳng định là điểm sáng, là động lực chính với mức đóng góp 2,42 % vào tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Với đà tăng trưởng đạt được, cơ cấu của nền kinh tế đã có sự chuyển đổi với tỷ trọng đóng góp của khu vực nông, lâm thủy sản chiếm 13,2% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng 33,98%; khu vực dịch vụ chiếm 42,74% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 10,08%.

Theo đà tăng trưởng chung, hoạt động doanh nghiệp cũng có nhiều khởi sắc. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng đầu năm 2019 đạt kỷ lục với gần 102,3 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp đạt 12,6 tỷ đồng, là mức cao nhất trong những năm gần đây,

Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế và khởi sắc trong hoạt động doanh nghiệp, kinh tế vĩ mô dần đi vào thế ổn định, tỷ lệ lệ nợ công giảm dần và lạm phát được kiểm soát. (Tổng cục Thống kê 2019).

Phân tích tình hình tài chính quốc gia cho thấy, cuối tháng 9 băm 2019, tổng phương tiện thanh toán cả nước tăng 8,44% so với cuối năm 2018  và tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 8,4%;mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tương đối ổn định, lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với vay ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Trong đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện 9 tháng ước đạt 1.378,3 nghìn tỷ đồng(bằng 34,3% GDP). Trong đó, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng 45,3%,đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất 16,9%; khu vực nhà nước chiếm 31%, tăng3%; khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữ được đà phát triển với vốn thực hiện 14,2 tỷ USD,. Đáng lưu ý là, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tiếp tục đạt mức tăng thấp nhất trong những năm gần đây, chỉ đạt 4,8%.

9 tháng đầu năm 2019,tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.028,7 nghìn tỷ đồng với nguồn thu nội địa là 824,6 nghìn tỷ. Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước đóng góp 13,4%, FDI 16,9% và ngoài nhà nước 19,6%. Tổng chi ngân sách Nhà nước trong cùng thời gian đạt 962,2 nghìn tỷ đồng, nhưng cơ cấu chưa hợp lý; chi thường xuyên lên tới 71,9%; chi đầu tư phát triển 18,1% và chi trả nợ lãi tới 8,2% (Tổng cục Thống kê 2019)

Nhân tố quan trọng để đánh giá động thái phát triển kinh tế là hoạt động xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm ước đạt 382,72 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu chiếm 50,8%.  Phân tích cơ cấu xuất khẩu cho thấy: Nhóm hàng công nghiệp nặng chiếm 50,2% tổng kim ngạch; công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm 38,5%. Điện thoại và linh kiện tiếp tục là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 38,6 tỷ USD.

Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu cao vẫn thuộc về khu vực FDI, trong đó, điện thoại và linh kiện chiếm 96,6%; điện tử, máy tính và linh kiện 90,1%. Do giá xuất khẩu bình quân giảm thấp nên kim ngạch xuất khẩu nhiều măt hàng nông sản chủ lực đều sụt giảm (9 tháng đầu năm thủy sản đạt 6,2 tỷ USD; rau quả 2,8 tỷ USD, hạt điều đạt 2,4 tỷ USD; cà phê và gao đều chỉ đạt 2,2 tỷ USD; cao su 1,5 tỷ USD....).

Hàng hóa nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước tính đạt 188,42 tỷ USD.. Điện tử, máy tính và linh kiện là mặt hàng nhập lớn nhất, chiếm 20,5% tổng kim ngạch nhập khẩu. Cơ cấu nhập khẩu biến động không nhiều, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 91,4% tổng kim ngạch. Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ, phương tiện vận tải, và phụ tùng chiếm 47,6%.

Thặng dư thương mại 9 tháng đầu năm có mức xuất siêu 5,9 tỷ USD; song điều đáng quan ngại là, khu vực kinh tế trong nước phải nhập siêu 19,4 tỷ USD; trong khi khu vực FDI lại xuất siêu  tới 25,3 tỷ USD (Tổng cục Thống kê 2019)

Chính phủ đã tập trung vào các giải pháp kiềm chế lạm phát, củng cố thị trường tài chính tiền tệ và tạo được những chuyển biến tích cực.Trong Quý III.2019, chỉ số CPI có mức tăng 2,23%, và 9 tháng đầu năm CPI bình quân chỉ tăng 2,5% so với so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 9 tăng 1,96% và bình quân 9 tháng đầu năm tăng 1,91% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường tài chính-tiền tệ, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,44% so với cuối năm 2018 và tăng trưởng tín dụng đạt 8,4%. Cùng với động thái tích cực này, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng tương đối ổn định; lãi suất tiền vay bằng đồng Việt Nam phổ biến trong khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Với phương thức điều hành theo cơ chế tỷ giá trung tâm, tỷ giá USD/VNĐ không biến động nhiều, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9 năm 2019 giảm 0,39% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với chuyển biến của nền kinh tế; tình hình lao động, việc làm có những thay đổi tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm dần; cơ cấu lao động đã chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông, lâm thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Vào tháng 9 năm 2019, 76,3% số người từ 15 tuổi trở lên trong cả nước đã tham gia vào lực lượng lao động. Trong số 54 triệu lao động có việc làm, khu vực nông, lâm thủy sản chiếm 35% (giảm 3,2%so với cùng kỳ năm trước); công nghiệp-xây dựng 29,2% (tăng 2,6%) và dịch vụ 35,8% (tăng 0,6%).

Nhìn chung, đời sống dân cư được cải thiện. Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa và các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo…đã giúp người dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Tính đến cuối tháng 9/2019, cả nước có 4.458 xã (chiếm trên 50%) và 76 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới .

Triển vọng kinh tế dưới góc nhìn nghiên cứu và các dịnh chế tài chính toàn cầu

Mặc dù đạt được những kết quả ấn tượng, song nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, phải đối mặt với nhiều thách thức, nổi bật là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp; thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và xuất khẩu của ngành nông nghiệp.Với độ mở khá rộng trong tiến trình hội nhập, nền kinh tế cũng chịu tác động đan xen bởi các diễn biến của kinh tế thế giới ngày càng phức tạp, khó lường.

Từ góc nhìn khu vực, trong báo cáo Cập nhật triển vọng Phát triển châu Á(ADO) 2019, Ngân hàng Phát triển châu Á(ADB ) cho rằng, mặc dù tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội có chậm lại so với năm 2018, song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng vững vàng bất chấp môi trường bên ngoài suy yếu. Các dự báo về lạm phát của Việt Nam được ADB điều chỉnh giảm từ 3,5% xuống còn 3,0% trong năm 2019 và từ 3,8% xuống 3,5%vào năm 2020.

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, Eric Sidgwick cho rằng, mặc dù căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo sự sụt giảm thương mại toàn cầu,song  nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ cầu nội địa tiếp tục gia tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Ông nhấn mạnh“Triển vọng tiêu dùng trong nước tiếp tục sáng sủa, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm, và lạm phát duy trì ở mức thấp;việc ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho các hoạt động thương mại và đầu tư lớn hơn”.

Phân tích triển vọng của nền kinh tế, báo cáo ADO 2019 của ADB cũng đã chỉ ra, với dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.

Tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục phát triển toàn diện dựa trên nền tảng bền vững của công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, luồng vốn FDI và nhu cầu nội địa tăng cao.

Cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là nhân tố khuyến khích đầu tư tư nhân, cũng như những nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại; Triển vọng tiêu dùng cá nhân vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ nhờ các hộ gia đình cải thiện thu nhập và tình hình lạm phát ổn định; hoạt động đầu tư sẽ được hỗ trợ từ việc gia tăng chi tiêu đầu tư công nhằm hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Rủi ro bên ngoài đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam là tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, gồm Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc… có thể giảm mạnh. Rủi ro trong nước có thể đến từ tiến độ chậm của quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước thể hiện yếu kém hơn nhiều so với mục tiêu chính phủ đề ra (ADB 2019)

Trong bối cảnh Đông Á thái Bình Dương giảm đà tăng trưởng, căng thẳng thương mại và bất đinh toàn cầu gia tăng, Ngân hàng Thế gới (W.B) cho rằng, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý kinh tế toàn cầu do mở cửa thương mại mạnh mẽ và dư địa chính sách hạn chế. Mặc dù tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm có phần chững lại (tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước), song triển vọng trung hạn vẫn mang tính tích cực. Tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục trợ lực cho thị trường lao động; các ngành có năng suất cao như chế tạo, chế biến, dịch vụ hiện đại tạo ra nhiều việc làm; chính sách tiền tệ duy trì theo hướng cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô.

Dường như Việt Nam được hưởng lợi bởi chuyển hướng xuất khẩu, khi tranh chấp thương mại Mỹ-Trung ngày một gia tăng. Cho dù xuất khẩu duy trì tốt nhưng Việt Nam cũng không thể tránh khỏi tác động căng thẳng toàn cầu leo thang. Với tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP lên gần 200%, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ do độ bất định cao và khả năng các chuỗi giá trị toàn cầu bị gián đoạn, có thể trở thành đối tượng của các biện pháp thuế quan và bảo hộ thương mại.

Trong đà phát triển chung của các nền kinh tế, W.B nhận định, triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực. Tăng trưởng GDP theo giá so sánh năm 2019 được dự báo dao động quanh mức 6,6%, lạm phát dưới 4%, bội chi ngân sách sẽ giảm và cán cân vãng lai vẫn có thặng dư trên 1,9% GDP (W.B 2019).

Đánh giá chung triển vọng kinh tế toàn cầu, Diễn đàn kinh tế Thế giới ( World Economic Forum) mới đây đã nâng chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam cao thêm 10 bậc, để đứng thứ 67 trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Trước những biến động căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và gần đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, ảnh hưởng bất lợi đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá trị tài sản và những đồng tiền mạnh; dự báo tương lai của nền kinh tế Việt Nam trở nên bất định hơn, có thể chịu ảnh hưởng từ các cú sốc của thị trường thế giới. Trong bối hiện tại, các nhà nghiên cứu thuộc Viện  Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR) cho rằng, với mức tăng trưởng đạt được 7,31% của Quý 3, mục tiêu tăng trưởng từ  6,6% đến 6,8% trong năm 2019 Quốc hội đề ra có thể thực hiện tốt. Tăng trửơng kinh tế quý IV năm 2019 có thể thấp hơn một chút, đạt 7,26% với lạm phát ở mức 2,45% và tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ đạt 7,05%.

Thay cho lời kết

Trong nền kinh tế toàn cầu với xu thế xung đột leo thang, nhiều biên giới bị đóng cửa và căng thẳng thương mại gia tăng đồng thời với thay đổi công nghệ trên quy mô chưa từng có, Việt Nam vốn phụ thuộc vào thương mại toàn cầu sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.

Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia W.B tại Việt Nam cho rằng, mô hình phát triển kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức trong nước, bao gồm dân số già hoá nhanh, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu và khả năng giảm tốc độ tăng năng suất,… Cho dù vẫn còn tiềm năng để duy trì sự phát triển, song Việt Nam vẫn cần có những cải cách táo bạo để đất nước có thể nắm bắt cơ hội trong tương lai và quản lý được các rủi ro (Oussmane Dione 2019).

Với tầm nhìn dài hạn, hai lĩnh vực quan trọng cần được quan tâm trong xây dựng lộ trình phát triển đó là: Tìm cách giải quyết điểm yếu cơ bản trong mô hình tăng trưởng vốn quá phụ thuộc vào tích lũy các nhân tố với sự đóng góp hạn chế để tăng năng suất và những vấn đề liên quan đến thể chế “thị trường”. 

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có cơ hội để tăng năng suất bằng cách tiến gần hơn tới ngưỡng công nghệ toàn cầu, thông qua tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp đang phát triển nhanh chóng này. Xác định các phương án chính sách để thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới, sáng tạo và tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những động lực quan trọng hàng đầu.

Mặc dù có những thành tựu ấn tượng trong quá trình chuyển đổi, song Việt Nam vẫn chưa xây dựng thành công thể chế thị trường phát triển có hiệu lực và hiệu quả. Điều này đã cản trở sự phát triển lành mạnh của khu vực tư nhân. Hiện đại hóa thể chế thị trường và quản trị quốc gia, từ đó tạo ra một môi trường cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển và trở thành một động lực tăng trưởng đang là đòi hỏi cấp bách đặt ra,

Tài liệu tham khảo

Tổng cục Thống kê (2019) Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2019

https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=621&ItemID=19363

The World Bank (2019) Đông Á Thái Bình Dương tăng trưởng giảm đà khi căng thẳng thương mại và những bất định toàn cầu tăng lên (Chương Việt Nam); Bankok 19 October ADB (2019) Asian Development Outlooh 2019 25 september)

VEPR (2019)

Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam  Quý 3-2019. Hà Nội tháng 10Ousmane Dione (2019)      

Khát vọng thịnh vượng của Việt Nam: Ưu tiên và hành động Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam năm 2019, Hanoi, 19 tháng 9

 

TS. Lê Thành Ý