Tối ngày 06/7, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) chi nhánh Cầu Diễn cho biết, trong quá trình tuần tra, kiểm soát và duy trì vệ sinh trên tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long, đoạn KM4, thuộc địa phận phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), đơn vị đã phát hiện hàng trăm sản phẩm thực phẩm chức năng bị vứt bỏ trên vỉa hè.
Hàng trăm lọ thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân mang nhãn Zero Slims có hạn sử dụng đến tháng 9/2021 bị vứt bỏ ở vỉa hè đường gom Đại lộ Thăng Long.
Đại diện Urenco cho biết, thực phẩm chức năng bị vứt bỏ mang nhãn Zero Slims, hạn sử dụng in trên bao bì đến hết tháng 9/2021.
Trên nhãn bao bì ghi sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy sản xuất Vincos – Công ty CP sản xuất dược mỹ phẩm Vincos Việt Nam (địa chỉ tại thôn 3, xã Phù Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội).
Cận cảnh sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân Zero Slim bị bỏ rơi ở vỉa hè đại lộ.
Sản phẩm có hạn sử dụng đến cuối năm 2021.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 07/7, trao đổi với PV, đại diện phòng kế hoạch – Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Cầu Diễn (Urenco 7) cho biết: "Việc xử lý các sản phẩm TPCN hỗ trợ giảm cân mang nhãn Zelo Slims vứt bỏ ở vỉa hè Đại lộ Thăng Long không thuộc thẩm quyền của chúng tôi, nên ngay sau khi phát hiện sự việc vào chiều ngày 06/7, chúng tôi đã liên hệ với Phòng Cảnh sát môi trường và Urenco 13 – đơn vị chuyên xử lý rác thải y tế để xử lý".
Đánh giá vấn đề ở góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật Trung Hòa (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết: "Việc vứt bỏ thuốc hay thực phẩm chức năng ra khu vực công cộng là vô cùng nguy hiểm. Sự nguy hiểm ở chính ý thức, sự chủ đích của con người mà ta không thể lường hết được. Đơn cử như hành vi tái sử dụng, tái bán, hoặc những sản phẩm nằm ở vệ đường ngày hôm qua, mà sau một đêm được "thay tên, đổi vỏ" và tái lưu thông ra thị trường thì không thể lường hết được mức độ nguy hiểm với người mua".
"Mặc dù sản phẩm hỗ trợ giảm cân không nguy hiểm như rác thải y tế khi tiêu hủy, bỏ đi nhưng đây là sản phẩm có chứa các thành phần có sự ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nên việc xử lý, tiêu hủy phải được thực hiện chặt chẽ theo quy định của Thông tư liên tịch số 58 năm 2015 của Bộ Y tế - Bộ TN&MT.
Nghĩa là, phải được một đơn vị chuyên xử lý rác thải y tế phân loại, thu gom và xử lý theo mô hình tập trung", luật sư cho hay.
Theo luật sư Hoàng Tùng: "Đây không phải là đầu tiên hàng trăm sản phẩm y tế bị vứt bỏ bừa bãi ở bãi rác lộ thiên, gần khu dân cư. Trước đó, vào ngày 01/7, người dân sinh sống ở khu vực Mễ Trì (Nam Từ Liêm) cũng phát hiện nhiều thùng thuốc bị vứt bỏ ngay vỉa hè Đại lộ Thăng Long. Thêm nữa là nhiều vụ tái chế lại khẩu trang y tế để bán lại cho người dân cũng được cơ quan chức năng phát hiện trong và sau mùa dịch COVID-19.
Vì vậy, tôi kiến nghị cơ quan chức năng về môi trường xử lý nghiêm minh những đơn vị chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm, người thực hiện hành vi để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra với người dân, người tiêu dùng".