Làm sao để phụ huynh an tâm khi cho trẻ tới trường?

Thảo Huyền

Thay vì lạm dụng thực phẩm chức năng tăng sức đề kháng, chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm cho rằng cần bổ sung thực phẩm ngay từ bữa ăn hàng ngày cho trẻ.

Phụ huynh loay hoay tìm cách tăng đề kháng cho con

Trước thông tin trẻ mầm non tại Hà Nội được quay trở lại trường học, bên cạnh niềm vui, sự háo hức thì cũng có không ít phụ huynh bày tỏ sự lo lắng về sức đề kháng của con trẻ, khi mà nguy cơ mắc Covid-19 và các bệnh lây truyền khác… luôn hiện hữu.

Trò chuyện với Người Đưa Tin, chị Nguyễn Nhung (Mễ Trì, Hà Nội) cho biết, bé nhà chị được 4 tuổi, vì nghỉ ở nhà quá lâu nên cháu không còn muốn đến lớp.

“Tôi hỏi con là sắp được đi học rồi con có thích không? Thì cháu trả lời là con không, điều này khiến tôi thực sự lo ngại. Nên nghe thông tin trẻ mầm non sẽ được đến lớp học là tôi rất mừng”, chị Nhung bộc bạch.

Tuy nhiên, cũng giống như bao phụ huynh khác, chị Nhung cũng bày tỏ sự lo lắng khi con chưa được tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19.

Sự kiện - Làm sao để phụ huynh an tâm khi cho trẻ tới trường?

Không ít phụ huynh lo lắng, tìm cách tăng đề kháng cho con (Ảnh minh họa).

“Dịch bệnh vẫn hiện hữu nên tôi vẫn lo, vì sức khỏe của con tôi cũng yếu, tôi đã lên mạng tìm hiểu thông tin các loại thuốc tăng sức đề kháng, thêm vitamin A, C, D… cho con. Nói chung là cứ bổ sung thôi chứ tôi cũng không cho con đi khám”, chị Nhung chia sẻ giải pháp ổn định tâm lý của mình.

Trong khi đó, chị Phạm Hoa Linh (Hà Đông, Hà Nội) cũng có con ở độ tuổi mầm non, nghe tin con sắp được đến trường chị vừa mừng vừa lo.

“Mừng vì con sẽ được đi học, còn tôi được lo làm việc khác, nhưng lo là bởi vì con chưa được tiêm. Tôi tìm hiểu thì thấy bảo nên tăng thêm sức đề kháng cho trẻ, tôi cũng đã tìm hiểu và tự mua một số loại vitamin C, D cho con, mong con có sức đề kháng tốt”, chị Linh nói.

Không chỉ có chị Linh, chị Nhung mà nhiều phụ huynh khác cho biết họ cũng đang loay hoay tìm cách tăng sức đề kháng cho con, vừa để giải quyết khâu tâm lý và cũng là mong con có sức khỏe tốt để đảm bảo việc học tập.

Cẩn trọng tiền mất tật mang

Từ những thực tế này, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi nhanh với GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, hiện nay chúng ta đã mở cửa hết các hoạt động, trẻ em cũng đã được quay trở lại trường học.

“Trong môi trường người lớn là F0 thì trẻ em cũng là F1, một số địa phương mở cửa cho các cháu đến học trực tiếp không giống nhau nên đã có sự lây lan trong trường học. Theo ước tính, hiện nay có gần một nửa số các cháu bị nhiễm, nhưng rất may nhiễm Covid-19 ở trẻ em rất nhẹ, vẫn có một tỉ lệ trẻ nhất định diễn biến nặng như trẻ béo phì, mắc bệnh lý nền… Giống như người lớn, tập trung phát hiện, xử trí những ca nặng”, ông Kính cho hay.

Sự kiện - Làm sao để phụ huynh an tâm khi cho trẻ tới trường? (Hình 2).

GS.TS Nguyễn Văn Kính khuyến cáo phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đủ chất, không cần lạm dụng thực phẩm chức năng.

Trước thông tin trẻ em được đến trường, nhiều phụ huynh tìm mua thực phẩm chức năng bổ sung, tăng sức đề kháng cho con, GS.TS Nguyễn Văn Kính cho rằng điều này không cần thiết.

“Điều làm cho trẻ khỏe mạnh là ăn uống đủ chất dinh dưỡng, còn mua thực phẩm chức năng thì chưa ai chứng minh được. Đối với Covid-19 là bệnh của virus nó sẽ tự hạn chế, riêng với trẻ em thì diễn biến lâm sàng không nặng, trừ một số trường hợp có yếu tố nguy cơ. Cho nên, đảm bảo dinh dưỡng, môi trường sống cho trẻ đó mới là điều tốt nhất. Bởi, không phải cái gì đưa vào người cũng là tốt, đặc biệt là thực phẩm chức năng, đừng theo lời trên mạng mà tiền mất tật mang”, chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm khuyến cáo.

Để trẻ em được đến trường an toàn, khỏe mạnh, thoải mái, phụ huynh bớt lo lắng GS.TS Nguyễn Văn Kính cho rằng khi có chương trình tiêm chủng, phụ huynh cân cho con em mình ở độ tuổi tiêm tiêm chủng đầy đủ.

Theo ThS. BS. Lê Thị Hải, Chủ tịch hội Dinh dưỡng Nhi khoa, ngoài chế độ dinh dưỡng ra, cha mẹ cần lưu ý tới các biện pháp khác giúp tăng cường miễn dịch. Đó là ngủ đủ giấc, tăng cường vân động, tránh stress…  Đối với giấc ngủ của trẻ, cần lưu ý chất lượng giấc ngủ, thời gian ngủ phải phù hợp lứa tuổi. Thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ miễn dịch của cơ thể. Tiếp đến là tăng cường vận động, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao.  Vận động góp phần tăng cường chuyển hóa các chất dinh dưỡng, lưu thông khí huyết giúp tăng miễn dịch. Cho trẻ ra ngoài trời chơi, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ giúp tổng hợp vitamin D, một chất rất quan trọng giúp tăng cường miễn dịch. Cha mẹ cũng nên tránh gây áp lực cho con trẻ, khiến trẻ bị căng thẳng, stress cũng là một nguyên nhân làm suy giảm miễn dịch.  Yếu tố tinh thần cũng góp phần quan trọng nâng cao hệ miễn dịch nên cha mẹ cần tạo cho trẻ một đời sống tinh thần vui tươi, thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng.