Làm thế nào để tiếp thị sản phẩm xanh ở Việt Nam?

Huy Hoàng

Việt Nam đang trong giai đoạn thúc đẩy mở rộng kinh tế sau 32 năm kể từ cuộc cải cách Đổi mới. Thời gian gần đây, cộng đồng đang nhận thức rõ rệt hơn về hậu quả mà môi trường phải gánh chịu do sự tăng trưởng thiếu kiểm soát. Điều này đồng nghĩa với việc có rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt vươn lên tiên phong trong xu hướng mới nổi này và tìm ra những phương thức mới để tiếp cận giới trẻ Việt Nam. Dưới đây là một vài gợi ý để thực hiện chiến lược này:

Liên kết với đời sống hàng ngày

Người dân ở các thành phố lớn của Việt Nam đã quen với ô nhiễm đến từ các nguồn trong không khí, trên mặt đất và trong các nguồn thực phẩm và nước. Nếu sản phẩm của bạn góp phần hành động để giải quyết vấn đề này thì đó sẽ là lợi thế giúp làm nổi bật sản phẩm. Ví dụ, khi quảng bá một chiếc xe điện, thực phẩm hữu cơ hoặc chất tẩy rửa tự nhiên, hãy nhấn mạnh về sự an toàn cho cả sức khỏe của người tiêu dùng (khi các vụ bê bối về sức khỏe đã trở nên quen thuộc) và cho cả môi trường xung quanh.

Chẳng hạn, người Việt đang hình thành nhận thức cao hơn về ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt dọc theo bờ biển và gần các tuyến đường thủy là những nơi có thể nhìn thấy tác động rõ ràng nhất. Điều này đã tạo ra thị trường mới dành cho các sản phẩm thay thế loại nhựa sử dụng một lần vốn đang phổ biến. Anh Đăng Ân (Hà Nội), chủ Sạp hàng chàng Sen chuyên cung cấp các mặt hàng thay thế nhựa dùng một lần, đã mở bán thêm sản phẩm ống hút inox tái sử dụng để phân phối cho các nhà hàng trên toàn quốc (ống hút tre cũng là một lựa chọn phổ biến). Dịch vụ giao thức ăn chay House of Chay ở TP.HCM đã cho ra mắt bàn chải đánh răng bằng tre đầu tiên được sản xuất bởi doanh nghiệp nội địa, là tiền đề để phát triển bộ sản phẩm gia dụng thân thiện với môi trường. Nhiều tổ chức đã chung tay tham gia No Straw Challenge - Thử thách không dùng ống hút nhựa, một trong số đó có Zero Waste Saigon. Đây là nơi cấp huy hiệu chứng nhận cho các nhà hàng loại bỏ nhựa khỏi hoạt động kinh doanh. Công ty Mega Market của Thái Lan có cửa hàng tại TP HCM phục vụ nhóm khách hàng có thu nhập trung bình đã yêu cầu khách hàng sử dụng hộp các-tông tái chế hoặc mua túi nhựa tái sử dụng để đựng hàng hóa đã mua. Trong những ví dụ trên, các doanh nghiệp đều định vị sản phẩm của mình là phương án giải quyết được các vấn đề môi trường có liên quan mật thiết đến cuộc sống người Việt.

Nếu doanh nghiệp của bạn đang hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến ô nhiễm hay các vấn đề môi trường khác, hãy chủ động chứng minh với cộng đồng địa phương rằng doanh nghiệp của bạn là một phần của giải pháp. Ví dụ, các công ty trong lĩnh vực du lịch có thể thể hiện lối sống xanh của mình bằng cách dọn dẹp khu vực địa phương và quảng bá hình thức du lịch bền vững, không gây tác động đến môi trường. Điều này cũng sẽ giúp bảo vệ cảnh quan tại địa điểm du lịch cho các lượt du khách trong tương lai. Trước đây, các tính từ “tận hưởng” và “thân thiện môi trường” thường không đi đôi với nhau. Nhưng trong những năm gần đây, các tiện ích mang tính bền vững và tác động ít đến môi trường đã tạo cơ hội để mọi người hòa mình vào thiên nhiên hơn, trở thành một phần không thể thiếu trong những chuyến đi của những người thích đi phượt, thậm chí là Mark Zuckerberg (năm 2011, Zuckerberg đã chọn ở tại Ecolodge khi đến Sapa).

Chú trọng vào tiết kiệm

Các tấm pin mặt trời đang dần phủ rộng trên các mái nhà ở những thành phố của Việt Nam. Chính phủ hy vọng sẽ tăng số hộ gia đình lắp đặt pin mặt trời lên 26% vào năm 2030. Trong khi lập luận của chính phủ dựa trên cơ sở giảm lượng CO2, thì trên thực tế, điều thu hút nhiều người trong việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời chính là mặt thiết thực và tiết kiệm của nó: các hộ gia đình có thể tận dụng cái nắng gay gắt của Việt Nam để giảm hóa đơn tiền điện. Ngoài ra, những tấm pin ngày có thể lắp đặt thành mái che, giúp tăng giá trị thị trường của tòa nhà (vì đầu tư bất động sản là trọng điểm của thị trường Việt Nam).

Câu chuyện này không hướng tới việc mọi người nên chuyển sang dùng năng lượng mặt trời (dù việc đầu tư vào các công trình xanh tiết kiệm năng lượng chắc chắn là một khoản đầu tư tốt). Nhưng việc nhấn mạnh tính hiệu quả về mặt chi phí chưa được công nhận của nhiều sản phẩm xanh sẽ góp phần hướng tới việc kích thích khách hàng tiềm năng. Đây cũng là lý do mà máy nước nóng năng lượng mặt trời và các thiết bị tiết kiệm năng lượng (đặc biệt là máy điều hòa không khí) từ lâu đã trở nên phổ biến ở Việt Nam.

Nhận thức tiềm năng

Cơ sở hạ tầng công cộng ở Việt Nam nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, tạo ra cả thách thức và cơ hội. Điển hình như hạ tầng giao thông, quản lý chất thải, tái chế và năng lượng tái tạo vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu, mở ra cơ hội đầu tư vào công nghệ tiên tiến, tạo ra việc làm và xây dựng những ngành công nghiệp này mà không phải tác động nhiều đến các ngành hiện có ở Việt Nam. Chính quyền địa phương đã tham gia vào các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng gió và nông nghiệp bền vững theo chỉ đạo phát triển xanh của chính phủ. Vào mỗi tháng 6, Hà Nội lại tổ chức “Ngày hội sống xanh”, tạo cơ hội quảng bá cho các doanh nghiệp và tổ chức theo đuổi lối sống thân thiện với môi trường.

Việt Nam là nước có nền kinh tế chú trọng vào xuất khẩu nên nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đang vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài. Ngày càng nhiều người tiêu dùng bị thu hút bởi các sản phẩm được chứng nhận là sản xuất bền vững, thương mại công bằng, sản xuất không độc hại và vật liệu hữu cơ. Chứng nhận DETOX Control của TÜV Rheinland Việt Nam dành cho các sản phẩm may mặc và da giày không chất độc hại có thể giúp người tiêu dùng yên tâm với sự lựa chọn của mình. Vì Việt Nam đang mở cửa với thương mại quốc tế, việc đáp ứng các nhu cầu này sẽ góp phần đem lại lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm và sẽ là bàn đạp trong việc mở rộng sang các thị trường mới và tìm kiếm đối tác mới.

Ở Việt Nam, các phương thức sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế rất được quan tâm. Các thương hiệu quốc tế (như thời trang Ý hoặc mỹ phẩm Hàn Quốc) đều sở hữu dấu ấn văn hóa riêng và thu hút tầng lớp trung lưu Việt Nam, khiến họ sẵn sàng chi trả thêm cho các tiêu chuẩn cao hơn về an toàn, chất lượng và đạo đức. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà hàng và nhà bán lẻ phương Tây đã đi tiên phong trong việc định vị bản thân là nhãn hàng chống lãng phí.

Cuối cùng, người tiêu dùng Việt Nam luôn tỉnh táo và hoài nghi trước các chiêu trò tiếp thị. Vì vậy những động thái phóng đại “lối sống xanh” bằng các tuyên bố khoa trương về các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ không đem lại hiệu quả. Thay vào đó, hãy đưa ra các tuyên bố về chính sách rõ ràng và được minh chứng bởi các ví dụ cụ thể. Chẳng hạn như nêu rõ tỷ lệ phần trăm doanh thu được trích ra để phục vụ mục tiêu bảo vệ môi trường, hoặc đưa ra chiến lược đền bù carbon, và đưa ra những phân tích chi tiết trên trang web của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp có thể xây dựng danh tiếng và định vị là người dẫn đầu trong nền kinh tế xanh của Việt Nam.

Bài chia sẻ của EloQ Communications (trước đây là Vero IMC Việt Nam). EloQ đã thực hiện các chiến dịch truyền thông cho nhiều khách hàng về mảng môi trường và năng lượng sạch.

EloQ Communications là agency hàng đầu về quan hệ công chúng và truyền thông marketing tích hợp có trụ sở tại TP.HCM. EloQ Communications vận hành các dự án tại Việt Nam cũng như khắp các nước Asean. Để biết thêm chi tiết, vui lòng truy cập https://www.eloqasia.com/vi/

EloQ Communications