Khu mộ Quận công Võ Di Nguy, một trong những công thần trợ giúp chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long) chống lại quân Tây Sơn nằm trong khu đất rộng gần 50m2, xung quanh là nhà dân bao kín. Vào đường Cô Giang, phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM dễ dàng bắt gặp tấm biển lớn ghi hàng chữ "Đền Phú Trung Bình Giang Quận công Võ Di Nguy".
Võ Di Nguy sinh năm 1745, là người huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế). Năm 1775, ông cùng với cai đội Tô Văn Đoài cầm đầu một toán 200 người tìm vào Gia Định hợp sức cùng Nguyễn Ánh. Từ đó, ông trở thành danh thần tin cậy, được chúa Nguyễn Ánh giao phó trông coi thủy binh và việc đóng các chiến thuyền cùng với Châu Văn Tiếp, Tôn Thất Cốc. Võ Di Nguy tử trận trong trận thủy chiến ở cửa Thị Nại năm 1801, một trận thủy chiến "võ công đệ nhất" thời dựng nghiệp của nhà Nguyễn.
Thi thể Võ Di Nguy được đưa về Gia Định chôn cất và ông được sắc phong "Tá mạng công thần, đặc tấn Thượng trụ quốc Thiếu bảo Quận công", thụy là Trung túc (trung thành và đầy vinh dự). Năm Gia Long thứ sáu (1807), Võ Di Nguy được nâng lên hàng nhất phẩm. Thời Minh Mạng 1824, ông được thờ ở Thế miếu. Trải qua hơn 220 năm, khu mộ của vị tướng thủy quân này vẫn giữ được nét uy nghi, đường bệ và đầy đủ các hạng mục kiến trúc.
Khu mộ vẫn được trang trí, chăm sóc, lư hương có nhang khói thường xuyên. Lăng của ông gồm phần tiền mộ (bình phong tiền, sân tế) và phần mộ (cửa mộ, bàn hương án, mộ và bình phong hậu).
Khuôn viên bên trong khu mộ trưng khá nhiều loại cây cảnh, được xây dựng những chi tiết của mộ truyền thống lẫn dấu ấn cá nhân của Quận công. Phần mộ xây dựng hình chữ nhật được đắp bằng ô dước, nhô khỏi nền mộ khoảng 0,25m, có hoa văn đường chỉ xung quanh.
Hai bên bức bình phong hậu đắp phù điêu rồng chầu, chi tiết lưỡi được sơn màu đỏ khá nổi bật, đầu ôm cột có đính tòa sen, đuôi quấn chân bình phong khá cầu kỳ.
Ở giữa bình phong là 2 bài vị khắc chữ Hán, bên phải nói về công trạng của Võ Di Nguy, bên trái nói về thân thế phu nhân của ông. Tuy nhiên, các chữ trên bia đều đã bị phai mờ một phần nên khó nhận ra.
Bờ tường bao quanh khu mộ nối liền với nhau bởi các bức phù điêu hình chữ nhật, chạm nổi các bức họa về tùng lộc, tứ linh... Khu tiền mộ được ngăn bởi 2 bờ tường giữa khu mộ, trên mỗi bờ tường ngoài các hoạ tiết bức hoạ còn có tượng con rái cá.
Tượng hai con rái cá nằm trên bờ tường trước phần mộ chính này khá đặc biệt, đây là linh vật tượng trưng cho vị danh tướng thủy quân.
Hai bên bình phong phía trước mộ, giữa sân, góc trụ bờ tường, đều có những cặp tượng nghê, kỳ lân lớn nhỏ, dũng mãnh bảo vệ ngôi mộ.
Một trong hai con nghê có mắt lồi, đuôi xòe, nhe răng đứng nhìn về phần mộ, ngay cửa vào khu mộ.
Một con nghê nhỏ khác được tạo hình khá dữ tợn đặt ngay trên bức bình phong tiền. Đây là bức tượng duy nhất có chi tiết, màu sắc, hình dáng khá lạ so với những bức tượng khác trong khu mộ.
Bên trong khuôn viên, sau bình phong tiền còn có cặp tượng rùa ẩn khuất bên những chậu cây cảnh, chầu hướng đầu vào phần mộ Quận công.
Bên ngoài bờ tường phần mộ Võ Di Nguy còn có 4 ngôi mộ khác của bà Lê Thị Mười (phu nhân của ông) và 2 người con cùng một ngôi mộ vô danh. Trước năm 1985, TP.HCM có 2 con đường mang tên Võ Di Nguy ở quận 1 và quận Phú Nhuận. Ngôi mộ cổ của Võ Di Nguy được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (số 43-VH/QĐ, ký ngày 7/1/1993).