Hiện nay nhiều người dân thắc mắc khi ăn uống một số loại trái cây có đường, thực phẩm chế biến có thêm rượu bia, một số loại thuốc có dung môi cồn sẽ có nồng độ cồn trong hơi thở. Như vậy liệu có bị phạt khi tham gia giao thông? Về vấn đề này, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia cho rằng người dân không cần quá lo lắng.
Theo bà Trang, đây không phải là vấn đề mới vì quy định người lái ôtô không được có nồng độ cồn trong máu và khí thở đã có từ Luật Giao thông Đường bộ 2009 và đến nay thực hiện vẫn bình thường, chưa có phản ánh nào về việc cảnh sát phạt lái xe có độ cồn do ăn các loại thực phẩm này.
Trong các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có đường như nho, sầu riêng, chuối... dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể.
"Thực tế thì hàm lượng cồn từ các loại thực phẩm này rất thấp, tuỳ thuộc vào lượng sử dụng, thời điểm đo độ cồn và cũng suy giảm, đào thải rất nhanh. Thông thường sau khi ăn mọi người chỉ cần uống nước lọc, xúc miệng và sau khoảng 15-30 phút thì sẽ không còn nồng độ cồn. Không phải cứ ăn xong ra đường là cảnh sát chặn lại thổi phạt"- bà Trang cho biết.
Việc dừng xe kiểm tra độ cồn chỉ xảy ra khi bạn có dấu hiệu vi phạm như mặt đỏ gay, đi loạng choạng, phóng nhanh, vượt ẩu, khi có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được phê duyệt hoặc khi bạn phạm một lỗi khác mà cảnh sát nghi ngờ bạn có uống rượu bia.
"Trong quá trình thông tin, giáo dục, tuyên truyền thực hiện Luật, Bộ Y tế sẽ phổ biến những vấn đề về mặt khoa học để lực lượng chức năng nắm được với những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì đó không phải là đối tượng để xử phạt"- bà Trang nói.
Liên quan đến vấn đề này, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, việc uống các siro có cồn, hoa quả lên men hay ăn rượu nếp, tức là cũng hấp thu một lượng rượu nhất định.
Nếu vừa uống hay vừa ăn xong thì có thể có nồng độ rượu trong máu và hơi thở ở mức độ nào đó nhưng do lượng rượu này rất thấp nên cơ thể sẽ chuyển hóa hết rất nhanh.
Về những tranh cãi mấy ngày qua, khi Luật Phòng chống tác hại rượu, bia có hiệu lực, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Bộ Y tế cho rằng: "Mọi người không nên chỉ tập trung vào việc làm sao để uống và không bị xử phạt mà quên và làm nhẹ đi những mục tiêu tốt đẹp của Luật, là cảnh báo tác hại của rượu bia và giảm sử dụng rượu bia để giảm bệnh tật, tử vong và hệ luỵ xã hội, kinh tế do rượu, bia gây ra, nâng cao ý thức của mọi người để sử dụng rượu bia một cách văn minh, ít nguy cơ nhất".