Lỗ tiểu đóng thấp: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Biên tập viên

Lỗ tiểu đóng thấp là một dị tật sinh dục tiết niệu bẩm sinh mà lỗ tiểu đổ ra bất thường ở mặt dưới của quy đầu, dương vật, bìu hoặc tầng sinh môn và thường kèm theo biến dạng của dương vật như cong, xoay trục hay lún gục vào bìu.

Lỗ tiểu đóng thấp là một trong những dị tật bẩm sinh của dương vật hay gặp với tỷ lệ 1/300 bé trai. Bệnh ảnh hưởng đến chức năng tiểu tiện, chức năng sinh sản của trẻ sau này và ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

1. Nguyên nhân gây lỗ tiểu đóng thấp

Lỗ tiểu đóng thấp là một dị tật sinh dục tiết niệu bẩm sinh mà lỗ tiểu đổ ra bất thường ở mặt dưới của quy đầu, dương vật, bìu hoặc tầng sinh môn và thường kèm theo biến dạng của dương vật như cong, xoay trục hay lún gục vào bìu.

Hiện nay vẫn chưa khẳng định nguyên nhân chính xác gây dị tật lỗ tiểu đóng thấp ở các bé trai. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân chủ yếu do bất thường trong quá trình hình thành bào thai.

Một số yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây nên dạng dị tật này như:

  • Mạch máu tại dương vật của thai nhi có khiếm khuyết.
  • Thượng bì da mặt bụng ở dương vật thai nhi có khiếm khuyết.
  • Tình trạng lỗ tiểu thấp thường xuất hiện ở thai nhi nếu cặp vợ chồng thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm IVF.
  • Ngoài ra phụ nữ mang thai ngoài 35 tuổi có thể sinh ra em bé bị dị tật tiết niệu - sinh dục.
  • Các chất độc hại như thuốc trừ sâu, khói thuốc lá là tác nhân gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ bầu và gây dị tật ở thai nhi...

2. Triệu chứng của lỗ tiểu đóng thấp

Lỗ tiểu đóng thấp là một bất thường về mặt giải phẫu của bộ phận sinh dục ở bé trai, bao gồm dương vật cong và lỗ tiểu nằm ở vị trí thấp hơn vị trí bình thường ở đỉnh quy đầu.

Lỗ tiểu thấp có thể dễ dàng quan sát được ngay sau khi sinh. Triệu chứng điển hình đầu tiên là lỗ tiểu của trẻ không nằm ở đỉnh dương vật mà nằm dọc theo mặt dưới của thân dương vật (có thể nằm ở thân dương vật, bìu hay tầng sinh môn).

  • Bao qui đầu không tròn như da thừa ở lưng dương vật.
  • Dương vật cong, xoay, có thể nhỏ và bìu chẽ đôi.
  • Có thể kèm theo các bệnh lý thoát vị bẹn, ẩn tinh hoàn, dương vật nhỏ…

Dựa vào vị trí của lỗ tiểu, có thể chia dị tật này thành ba thể (thuận tiện cho việc chỉ định và lựa chọn phẫu thuật):

  • Thể nhẹ: Vị trí lỗ tiểu nằm ở rãnh quy đầu.
  • Thể trung bình: Vị trí lỗ tiểu nằm từ thân đến gốc dương vật.
  • Thể nặng: Vị trí lỗ tiểu nằm từ bìu đến tầng sinh môn.

Lỗ tiểu đóng thấp: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.
Lỗ tiểu đóng thấp là một trong những bất thường bẩm sinh của dương vật thường gặp nhất.

 
3. Lỗ tiểu đóng thấp có lây không?

Lỗ tiểu đóng thấp là một trong những bất thường bẩm sinh của dương vật thường gặp nhất. Đặc điểm là lỗ niệu đạo mở ra ở mặt bụng dương vật, gốc bìu - dương vật, bìu hoặc tầng sinh môn. Có khoảng 1/300 trẻ em sinh ra bị lỗ tiểu thấp. Vì lỗ tiểu đóng thấp không phải là bệnh lây nhiễm nên không lây.

4. Phòng ngừa lỗ tiểu đóng thấp

Mặc dù nguyên nhân chính xác của lỗ tiểu đóng thấp chưa được làm rõ, các nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố di truyền và môi trường có thể góp phần gây ra dị tật này. Vì vậy, việc phòng ngừa chủ yếu là:

Mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào. Tự ý sử dụng thuốc bừa bãi là một trong những nguyên nhân phổ biến gây dị tật ở thai nhi.

Tránh xa các chất kích thích rượu, bia, cà phê, thuốc lá… vì đây là những chất kích thích nguy hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.

Tránh xa môi trường độc hại, ngay cả những hóa chất tẩy rửa thông thường trong gia đình cũng nên hạn chế tiếp xúc khi mang thai. Nếu phải làm việc trong môi trường nhiều hóa chất thì mẹ bầu cần trang bị bảo hộ thật cẩn thận để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Ăn uống lành mạnh và hợp lý luôn là cách để có một thai kỳ khỏe mạnh. Thai phụ nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất dinh dưỡng tốt cho thai nhi, đồng thời hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn.

Ngoài ra, cần khám thai thường xuyên để giúp phát hiện những bất thường để từ đó có những cách giải quyết, điều trị sớm.

Phát hiện sớm dị tật thai nhi bằng các phương pháp: 

Siêu âm sớm: Siêu âm 3D, 4D trong các giai đoạn quan trọng của thai kỳ giúp phát hiện sớm dị tật.

Xét nghiệm sàng lọc: Double test sử dụng các xét nghiệm sinh hóa định lượng β-hCG tự do và PAPP-A có trong máu thai phụ. Từ kết quả đó có thể phát hiện các nguy cơ trẻ bị các dị tật liên quan đến nhiễm sắc thể như: Down, Edwards và Patau.

NIPT: Hiện nay NIPT chính là phương pháp sàng lọc không xâm lấn tiên tiến nhất hiện nay, nhằm phân tích các DNA tự do trong máu mẹ.

Dị tật thai nhi là mối quan tâm lớn, nhưng mẹ bầu có thể chủ động phòng ngừa và phát hiện sớm bằng cách duy trì lối sống lành mạnh và thường xuyên kiểm tra thai kỳ. Hãy luôn trao đổi với bác sĩ để có những hướng dẫn chăm sóc tốt nhất cho mẹ và bé.

5. Điều trị lỗ tiểu đóng thấp

Điều trị lỗ tiểu đóng thấp chủ yếu là phẫu thuật chỉnh hình niệu đạo nhằm đưa lỗ tiểu về vị trí đúng và cải thiện chức năng tiểu tiện cho trẻ. Thời điểm tốt nhất để phẫu thuật là khi trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 18 tháng (trung bình 12 tháng).

Điều quan trọng cần nhớ là phẫu thuật chỉnh sửa lỗ tiểu thấp có thể rất hiệu quả, nhưng các biến chứng như rò niệu đạo là điều không hiếm gặp. Để đảm bảo sự hồi phục tốt nhất, việc theo dõi và can thiệp kịp thời khi có dấu hiệu bất thường là rất quan trọng.

Phụ huynh khi thấy trẻ có các biểu hiện sau: Lỗ tiểu không nằm ở đình quy đầu mà lại xuất hiện ở mặt bụng dương vật (có thể thấy ở rãnh quy đầu, gốc dương vật, bìu), khó khăn trong việc đi tiểu, có thể phải tiểu ngồi, dương vật quắp hình chữ C… thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.