Đinh lăng, hay còn gọi là cây gỏi cá, nam dương sâm, thuộc họ ngũ gia bì, là loại cây thân nhỏ có mùi thơm đặc trưng. Những năm gần đây, củ đinh lăng không chỉ được biết đến như một vị thuốc quý mà còn được chế biến thành mứt độc đáo, thơm ngon và bổ dưỡng, thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng.
Anh Đinh Văn Thuận (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), người gắn bó với nghề trồng đinh lăng lâu năm và được xem là "cha đẻ" của món mứt đinh lăng, đã chia sẻ với báo Dân Trí về những khó khăn trong quá trình làm mứt.
Theo anh Thuận, công đoạn chế biến mứt đinh lăng rất kỳ công và tốn nhiều thời gian. Đặc biệt, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đủ tiêu chuẩn là một thách thức lớn, khiến nhiều người muốn làm mứt cũng gặp khó khăn.
Theo anh Thuận, muốn làm được mứt đinh lăng, trước hết phải chọn những cây đinh lăng trên 5 năm tuổi, bởi chỉ có những cây này mới có loại củ to, rễ to, nhiều thịt và chỉ chọn những củ chính có đường kính từ 2cm mới đảm bảo các hoạt chất trong mứt là tốt nhất.
Đinh lăng được chia làm nhiều loại như đinh lăng lá nhỏ, đinh lăng lá tròn, đinh lăng rang,.. Trong đó, đinh lăng lá nhỏ được trồng và sử dụng nhiều nhất.
Anh Thuận tiết lộ bí quyết làm mứt đinh lăng ngon: "Củ đinh lăng sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch để ráo nước sau đó bào lấy phần thịt của củ. Phần thịt này sau đó đem ướp đường khoảng 8-10 tiếng rồi đem sấy khô. Sấy khoảng 3 tiếng sẽ có sản phẩm mứt đinh lăng dùng được".
Tất cả công đoạn làm mứt đều bằng phương pháp thủ công, không có chất bảo quản, không chất tạo màu, không phụ gia và hương liệu. Do đó, mứt được làm từ củ đinh lăng có chứa các hoạt chất có lợi cho cơ thể con người.
Để làm được 1kg mứt phải sử dụng 7-8kg củ đinh lăng làm nguyên liệu. Hơn nữa, vì công đoạn bào thủ công nên rất mất thời gian.
Nói về công dụng của mứt đinh lăng, chị Ngọc Hà – chủ cơ sở sản xuất mứt đinh lăng ở Tây Ninh chia sẻ trên Người đưa tin, loại mứt này rất tốt cho sức khỏe. Và vị ngọt của mứt được chị tạo ra từ mật ong và cỏ ngọt kèm theo vị ngọt từ rễ đinh lăng đã có sẳn cho nên người tiểu đường vẫn có thể dùng được. Chị bán sản phẩm quanh năm với mong muốn sản phẩm vừa là món ăn vừa mang lại sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Được biết, rễ cây đinh lăng có giá trị cao, có tác dụng bồi bổ cơ thể phục hồi tốt cho người mới ốm dậy, tốt cho tiêu hóa, làm mát cho cơ thể. Các thầy thuốc Đông y quý củ đinh lăng lâu năm như sâm cao ly. Rễ cây đinh lăng sao vàng hạ thổ tác dụng điều trị viêm đại tràng mạn tính.
Cây đinh lăng dùng làm thuốc thì càng lâu năm càng tốt. Cây có tuổi đời từ 10 năm trở lên quý như nhân sâm. Lá thường dùng ăn gỏi cá chữa đau bụng, giải độc có tôm hoặc một số bài thuốc khác. Củ thì thường ngâm rượu, hoặc đưa vào các bài thuốc chữa bệnh.
Trên thị trường, mứt đinh lăng được đói theo gói 200g, 500g để bán. Túi 200g có giá dao động từ 110-150 nghìn đồng. Tính ra, một kg mứt đinh lăng có giá hơn 550 nghìn đồng, theo Sức khỏe & Đời sống.
So với các loại mứt khác, mứt đinh lăng có giá tương đối đắt đỏ. Nhưng vì lạ và ngon nên loại mứt này luôn trong tình trạng hết hàng.