'Loạn' gắn mác chung cư cao cấp, cần xử thế nào?

Biên tập viên

Chung cư được gắn mác cao cấp tràn lan khiến người mua nhà nhiều khi ngậm 'trái đắng' nhưng đến nay vẫn gần như không có trường hợp nào bị xử lý.

Liên quan đến việc hàng loạt chung cư gắn mác cao cấp nhưng chất lượng không đạt chuẩn cao cấp, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ở nước ngoài không có khái niệm chung cư cao cấp, mà nhà chung cư được xác định là để dành cho những đối tượng người thu nhập trung bình – khá. 

“Ở nhà chung cư, người dân buộc phải tuân theo những quy định chung và chịu sự ảnh hưởng của các hộ gia đình xung quanh. Ví dụ như nhà bên cạnh sửa chữa thì các hộ khác phải chấp nhận chịu bụi bẩn cũng như ồn ào. Vì vậy, ở nhà chung cư là chấp nhận những sự bất tiện nhất định”, ông Võ nhấn mạnh.

Chung cư cao tầng là một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở của người dân. Tuy nhiên, ông Võ cho rằng: Các chủ đầu tư chỉ đang tự vẽ và tự gắn mác “cao cấp” vào để thu hút người tiêu dùng và lợi dụng đẩy giá lên. Chung cư cao cấp theo chủ đầu tư là có mặt bằng rộng, không khí thoáng, ánh sáng tốt, địa điểm tốt. Đây thực chất chỉ là một “chiêu” quảng cáo.

'Loan' gan mac chung cu cao cap, can xu the nao? hinh anh 1

 Nhiều chung cư gắn mác cao cấp, nhưng không phải chung cư nào cũng cao cấp. (Ảnh minh họa)

“Người giàu họ sẽ chọn ở biệt thự, nhà đất, chứ ít người bỏ hàng chục tỷ đồng để mua chung cư vì ở nhà chung cư bất tiện hơn hẳn nhà riêng”, ông Võ nhấn mạnh.

Việc gắn mác chung cư cao cấp khá tràn lan nhưng đến nay vẫn gần như chưa có trường hợp nào bị xử lý.

Theo ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), trên thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay xuất hiện tình trạng loạn danh xưng “chung cư cao cấp”, “căn hộ hạng sang”, “căn hộ siêu sang”.

Bên cạnh các chuẩn mực cao cấp, hạng sang và siêu sang do chủ đầu tư “tự phong”, các tên gọi mỹ miều bằng tiếng nước ngoài như căn hộ thuộc phân khúc luxury (hạng sang), high-end, premier (cao cấp), royal (hoàng gia)… đang được một số chủ đầu tư sử dụng tràn lan, coi đây là một thủ thuật “câu khách”, quảng bá sản phẩm.

Trong khi đó, trên thực tế có không nhiều dự án BĐS đạt chuẩn cao cấp, hoặc đạt chuẩn “khu đô thị kiểu mẫu”, đảm bảo chất lượng và đẳng cấp về quy hoạch dự án, thiết kế căn hộ, các tiện ích và dịch vụ.

Theo ông Lê Văn Thịnh, các chủ đầu tư này đã vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm tại Khoản 13 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 vì đã “cung cấp thông tin về nhà ở không chính xác, không trung thực, không đúng quy định hoặc không đúng yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.

Đồng thời, chủ đầu tư đã vi phạm các hành vi bị cấm tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 Luật Kinh doanh BĐS 2014 vì đã “không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về BĐS”; có dấu hiệu “gian lận, lừa dối trong kinh doanh BĐS”, làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn, bị lừa dối, dẫn đến bị thiệt hại về quyền lợi khi mua nhà.

Thực tế này khiến các Sở Xây dựng không tổng hợp được tình hình phân hạng và công nhận hạng nhà chung cư trên địa bàn để báo cáo Bộ Xây dựng theo định kỳ 6 tháng một lần hoặc báo cáo theo yêu cầu đột xuất của Bộ Xây dựng.

Ông Thịnh cho rằng những quy định mới hiện chưa mang lại lợi ích thiết thực cho người mua nhà, không giúp được người mua nhà xác định được đẳng cấp của dự án, tránh tình trạng “tự phong” của nhiều chủ đầu tư.

Việc phân hạng có chăng chỉ có lợi cho giao dịch thứ cấp, hoàn toàn không có ý nghĩa trong việc giúp người mua nhà phân loại sản phẩm.

Theo ông Thịnh, cần phân hạng theo hai bước. Trong đó, ở bước 1, cơ quan chuyên môn của Nhà nước kiểm tra cho phép chủ đầu tư đưa công trình vào sử dụng và dựa vào nhóm tiêu chí về quy hoạch – kiến trúc; nhóm tiêu chí về hệ thống, thiết bị kỹ thuật để đánh giá, công nhận hạng.

Bước 2, sau khi đưa vào sử dụng thì ban quản lý đề nghị Sở Xây dựng địa phương công nhận. Sở sẽ xem xét, công nhận hạng trên cơ sở nhóm tiêu chí về dịch vụ, hạ tầng xã hội; nhóm tiêu chí về chất lượng, quản lý, vận hành.

Đặc biệt, phải có chế tài trong việc phân hạng chung cư. Theo đó, buộc chủ đầu tư phải thực hiện đăng ký để xét, công nhận hạng.

Đối với các chung cư có hạng công nhận không đúng như hạng đăng ký, công bố, phải xử lý nghiêm. Đơn cử như trả lại tiền theo đúng hạng đăng ký, công bố; khắc phục các thiếu sót của 4 nhóm tiêu chí cho đến khi được công nhận đúng hạng đăng ký, công bố; chí phí dịch vụ phải phù hợp với hạng được công nhận...

Theo VTC News