“Loạn” thực phẩm chức năng phòng bệnh: Cẩn thận rước họa vào thân”

Thảo Huyền

Rất nhiều bậc cha mẹ không tham khảo ý kiến bác sĩ, đã tự ý mua thêm nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN) có thành phần chủ yếu là vitamin với mục đích phòng bệnh cho con. Tuy nhiên, việc lạm dụng này không hề được các chuyên gia y tế, chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích.

Nhan nhản TPCN tăng sức đề kháng

Việc sử dụng thực phẩm chức năng nhằm mục đích tăng cường sức đề kháng, nâng cao thể trạng không còn xa lạ với người dân. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến khó lường. Chính vì vậy, có thể thấy trong suốt mùa dịch trên các trang mạng xã hội, nhan nhản những lời quảng cáo về việc bổ sung thêm các thực phẩm chức năng để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và cả gia đình.

Theo ghi nhận của PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thực phẩm chức năng có chứa vitamin các loại như: Vitamin A, B, C, D, E… được giới thiệu và rao bán trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, cũng có những loại thực phẩm chức năng bổ sung các vitamin được người bán giới thiệu xuất xứ từ nước ngoài như Đức, Mỹ, Nhật, Hàn…

Chỉ cần gõ từ khóa “thực phẩm chức năng tăng sức đề kháng” trên mạng, người dùng sẽ thấy có rất rất nhiều các kết quả hiện ra, điều này như đưa người tiêu dùng vào “ma trận” của các loại vitamin từ các các hãng sản xuất cả trong nước lẫn ngoài nước. Nếu không có kiến thức chuyên môn thì thật khó để biết đâu là loại tốt để dùng và đâu là loại không nên dùng.

Nhiều người quảng cáo thực phẩm chức năng có chứa vitamin nhằm tăng sức đề kháng.

Trong vai phụ huynh có con nhỏ nhưng biếng ăn, PV được bà chủ online tên Khánh Chi (Hà Nội) tư vấn về một loại vitamin tổng hợp và sắt dùng cho trẻ từ 6 tuổi, có giá bán 570.000 đồng. Người này giới thiệu: “Vừa rồi dịch Covid-19 nên hàng bên em bán chạy lắm, các mẹ mua về cho con dùng vừa tăng sức đề kháng lại bổ sung thêm nhiều dưỡng chất, giúp con luôn khỏe mạnh. Đồng thời, sản phẩm giúp các bé tập trung, tránh tình trạng giảm trí nhớ hay giảm IQ. Đồng thời tăng cơ bắp đáng kể ở các bé trai. Các vitamin E, vitamin B2, vitamin B1, vitamin B6 và yếu tố vi lượng sắt giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh. Tăng cường hoạt động các tế bào máu và quá trình vận chuyển ôxi. Chị yên tâm hàng bên em chuẩn chính hãng của Đức nên dùng thoải mái”.

Trong khi đó, chia sẻ với PV, chị Nguyễn Phương Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bộc bạch: “”Khi mua về dùng thì vị khó uống nên các con không “nhạy”, chỉ có tôi chăm chỉ uống vì đã trót mua. Nhưng việc lạm dụng này khiến cho tôi bị đau bụng vì thực phẩm chức năng có chứa vitamin C. Từ sau hôm đó, tôi cũng chừa không nghe theo lời quảng cáo trên mạng nữa”.

Còn chị Khánh Huyền (Hà Nội) tỏ rõ nỗi buồn khi con trai chị được 11 tháng tuổi, bé ăn ngủ đều nhưng vì sợ dịch bệnh nên chị cũng mua bổ sung vitamin A, B, D cho con tăng sức đề kháng. Nhưng, đề kháng của con đâu không thấy mà chị chỉ thấy con chậm tăng cân, kém ăn… Sau khi thăm khám, bác sĩ mới cho hay do chị lạm dụng quá liều thực phẩm chức năng chứa vitamin A.

Cảnh báo từ chuyên gia

Liên quan đến việc lạm dụng thực phẩm chức năng để phòng bệnh, trao đổi với PV, PGS. TS Trần Đáng - Nguyên Cục trưởng cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (bộ Y tế), Chủ tịch hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam - khẳng định việc lạm dụng thực phẩm chức năng có chứa vitamin là điều không tốt.

“Người dân khi dùng loại thực phẩm chức năng gì cần phải có tư vấn của các nhà chuyên môn. Vitamin dùng quá nhiều, quá liều lượng cũng không tốt, thậm chí có thể gây ngộ độc như vitamin A… cho nên phải dùng đúng theo khuyến cáo”, ông Đáng nhấn mạnh.

Ông Trần Đáng cho biết vitamin dùng quá nhiều cũng không tốt.

Theo ông Đáng, trước khi sử dụng loại thực phẩm chức năng nào thì người dân nên đến khám tại các cơ sở y tế, trung tâm dinh dưỡng: “Tại đây, các bác sĩ sẽ kiểm tra xem người bệnh thiếu chất gì, cần bổ sung chất gì. Nếu thiếu thì bổ sung như thế nào và dùng bao nhiêu chứ không phải dùng vô tội vạ”.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng viện Dinh dưỡng quốc gia - cho hay, vitamin A có tác dụng tạo sắc tố thị giác, tạo da, niêm mạc, tăng sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, nếu trẻ uống nhiều dầu cá hay các chế phẩm đa vitamin, khoáng chất của thực phẩm chức năng sẽ dẫn tới hiện tượng thừa vitamin A, có thể khiến trẻ bị phồng thóp, co giật, tăng áp lực nội sọ… Phụ nữ mang thai nếu lạm dụng cũng có thể khiến thai nhi gặp khuyết tật khi sinh.

Bác sĩ Lâm cũng lưu ý sử dụng các loại vitamin khoa học, an toàn cần bổ sung các loại rau củ quả… Bởi vitamin và khoáng chất có rất nhiều trong những loại thực phẩm này. “Người dân không nên lạm dụng sử dụng các thực phẩm chức năng có chứa vitamin. Khi muốn sử dụng cần phải tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế, chuyên gia dinh dưỡng để tránh xảy ra những hệ luỵ không đáng có”, bác sĩ Lâm nhấn mạnh.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, con người ngày càng có điều kiện để chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và cả gia đình nhiều hơn. Nhưng đối với các thực phẩm chức năng, không phải cứ có điều kiện rồi tự ý mua sử dụng đã là tốt. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần tham khảo từ các chuyên gia y tế để cả gia đình có một sức khoẻ an toàn, lành mạnh nhất.

Nhiều quảng cáo sai sự thật

Mới đây, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên Internet và môi trường mạng, cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) phát hiện nhiều trang web bán hàng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo… Đây là một trong số những vụ việc cho thấy, các vi phạm về quảng cáo vẫn diễn ra phức tạp, tập trung vào các vi phạm như: Quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo. Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Bộ Y tế cho biết sẽ xử lý các doanh nghiệp có sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật vi phạm quy định về quảng cáo.