Hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội đã có kiến nghị gửi Chính phủ, Thủ tướng tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương bàn về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 diễn ra sáng 26/9.
Doanh nghiệp bất động sản cần “oxy tín dụng”
Đại diện cho nhóm doanh nghiệp bất động sản (BĐS), Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, sau gần 2 năm chống chọi với Covid-19, các doanh nghiệp BĐS hầu hết đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp lâm vào nguy cơ bị phá sản, nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời.
“Hiệp hội nhận thấy, lĩnh vực BĐS đóng góp khoảng 7-8% GDP cả nước và có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác nhau và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động.
Do vậy, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS vượt qua cơn bão đại dịch Covid-19 lần này, để tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho các tầng lớp nhân dân”, HoREA đề xuất và nhấn mạnh rằng, hiện nay hầu như các doanh nghiệp BĐS chưa được các ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.
Theo HoREA, việc thực hiện giãn cách xã hội diện rộng khiến doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn bủa vây, trong đó, khó khăn nhất là thiếu dòng tiền.
Việc thiếu “oxy dòng tiền” có thể làm cho doanh nghiệp bị “ngộp thở” ngay lập tức, do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động, không còn tiền để “cầm cự” qua giai đoạn quá khó khăn này, doanh số bán hàng bị “rơi thẳng đứng”, không thể huy động được vốn như trước đây.
Bởi vậy, trong công văn gửi Ngân hàng Nhà nước mới đây, HoREA cho rằng, lãi vay vừa qua giảm chưa như kỳ vọng trong khi doanh nghiệp vẫn phải đều đặn trả lãi vay cho ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp đã phải “vay nóng” để trả lương, trả lãi ngân hàng, duy trì hoạt động tối thiểu...
Do đó, nếu không được tiếp cận vốn mới, doanh nghiệp BĐS sẽ đứng trước nguy cơ mất thanh khoản, “chết trên đống tài sản” của chính mình (có tài sản nhưng chưa bán được dẫn đến “thiếu dòng tiền”).
“Được tiếp cận tín dụng trong lúc này hơn lúc nào hết chính là “oxy tín dụng” cấp cứu cho doanh nghiệp và phải trông cậy vào “máy trợ thở dòng tiền” từ nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại”, HoREA khẳng định.
Hiệp hội này đề nghị Ngân hàng Nhà nước khi sửa đổi Thông tư 01/2020 về cơ cấu nợ cho doanh nghiệp cần cho phép các ngân hàng thương mại được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng, bao gồm cho cả doanh nghiệp BĐS và hộ gia đình, cá nhân. Thời hạn cơ cấu nợ kéo dài đến ngày 30/6/2022 như dự thảo.
Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng là hợp lý hợp tình, đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên…
“Thẻ xanh” để “phá băng” ngành du lịch
Trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp ngành du lịch chỉ kinh doanh được 3 tháng mà chỉ có khách trong nước không có khách quốc tế. Khách quốc tế đóng cửa từ tháng 3/2020 đến giờ, nếu có thì chủ yếu là chuyên gia. Các khách sạn nhà hàng, lữ hành vận chuyển và dịch vụ, hầu như là dừng hết, đóng cửa 100%.
Nhiều hệ thống trung tâm du lịch, giải trí từ 18 triệu khách quốc tế và 83 triệu lượt khách nội địa thì đến tháng 6/2021 tất cả chỉ là con số 0, hàng vạn lao động doanh nghiệp và lao động thất nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho hay, tình hình du lịch đến cuối năm còn khó nữa, dự báo du lịch mất hết năm 2021 này và bắt đầu từ tháng 1/2022 mới hồi phục được. Và đây là dự báo rất xấu.
Tình hình cấp "thẻ xanh", "thẻ vàng", theo ông Kỳ, mỗi tỉnh thành tự đặt ra theo tiêu chuẩn của mình, du khách khó đi xuyên vùng tỉnh này sang tỉnh kia vì có khi không hợp giữa các địa phương khác nhau.
Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Covid-19 cần khẳng định "thẻ xanh" đi cả nước, không được có rào chắn thì mới khai thông được luồng vận chuyển, giao thông vận tải và từ đó phục hồi du lịch.
Ngành du lịch giờ thu hút được lao động cũng không dễ, khó nhất là gói giải ngân hỗ trợ của Chính phủ nhiều vấn đề quá, chủ trương có nhưng thủ tục nhiều. Tại Vietravel 1.700 người lao động nhưng nhận gói hỗ trợ du lịch thì chỉ có 141 người được nhận theo tiêu chí.
"Chính phủ phải tin, coi doanh nghiệp là đồng hành, đối tác. Chúng ta trả thẳng quỹ hỗ trợ vào thẻ lương là xong", Lãnh đạo Vietravel nói đồng thời cho rằng, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ vào cuộc của nhà nước thông qua định chế cơ chế đưa ra giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong đó có vấn đề Ngân hàng.
Ông Phạm Hà - CEO Lux Group cũng cho biết, chủ trương hiện nay là sống chung với dịch, vì vậy cần phải mạnh dạn mở cửa để kích thích sản xuất kinh doanh. Một số địa phương có ngành du lịch phát triển như Quảng Ninh cần dứt khoát, mạnh dạn hơn nữa.
Ông Hà nhấn mạnh việc tiêm vắc-xin đang được đẩy nhanh hơn và những tỉnh thành như Hải Phòng, Quảng Ninh hoàn toàn đủ điều kiện để mở cửa du lịch trở lại.
Doanh nghiệp vận tải cần gỡ vướng lưu thông
Về phía doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải ô tô đang sống "thoi thóp" và đứng trước nguy cơ phá sản.
"Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị các giải pháp hỗ trợ như giảm lãi suất, giảm, giãn nợ nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng. Các khoản nợ ngân hàng vẫn chưa thể trả đúng hạn, các chính sách hỗ trợ khác, doanh nghiệp cũng khó tiếp cận", ông Quyền nói.
Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc taxi Mai Linh vùng I, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, trong 2 năm qua, khi dịch bùng phát, các doanh nghiệp vận tải đã phải đối diện với nhiều khó khăn, doanh thu giảm 80%, không thể có ngay dòng tiền một lúc để trả nợ cho toàn bộ khoản vay được cơ cấu.
Nghiêm trọng hơn là 2 tháng vừa qua, hoạt động vận tải hành khách tại Hà Nội đã dừng, khiến cho doanh thu sụt giảm 100%, trong khi đó, các khoản chi phí về bến bãi, lãi vay, đăng kiểm,... doanh nghiệp vẫn phải tự xoay sở để lo chi trả.
Theo ông Hùng, việc Hà Nội tạm dừng hoạt động vận tải khiến cho những tháng qua các doanh nghiệp không có nguồn thu để trả nợ nhưng các ngân hàng lại không thể cơ cấu nợ và cho vay vì vướng quy định tại các Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước.
Nhiều đơn vị vận tải đều cho biết, họ gặp nhiều khó khi chạy theo xét nghiệm vì mỗi địa phương quy định một kiểu. Yêu cầu của các địa phương cũng khác nhau, tuỳ vào quan điểm chống dịch.
Là cơ quan đầu mối tổng hợp ý kiến các đơn vị doanh nghiệp, VCCI cũng có đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đến hết tháng 6/2022 đồng thời giảm thuế giá trị gia tăng cho các loại hình dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim… từ 30% lên 50% để tạo hiệu ứng tác động lớn hơn và cú hích hồi phục mạnh hơn với các ngành đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Theo VCCI, sớm nhất phải đến quý II/2022, các hoạt động kinh tế mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, khi đó doanh nghiệp sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất kinh doanh của mình...