Luật sư và người bị kết án khi nào được tham gia phiên tòa giám đốc thẩm?

Thảo Huyền

Khác với phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm, tại phiên tòa giám đốc thẩm, tòa án thường không bắt buộc phải triệu tập những người tham gia tố tụng đến phiên tòa mà chỉ triệu tập đến khi cần thiết.

Giám đốc thẩm là thủ tục tố tụng hình sự, trong đó tòa án có thẩm quyền xét lại  bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Giám đốc thẩm là một thủ tục có đặc thù riêng so với xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Tính chất của giám đốc thẩm không phải là hoạt động xét xử vụ án mà là hoạt động xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án.

Hội đồng giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.

Phương châm chính của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tội phạm là chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lí công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội nhưng trong thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự cho thấy vì những lí do khác nhau nên vẫn còn tình trạng oan sai, để lọt tội phạm hoặc người phạm tội; quyết định hình phạt không tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng. Do vậy, để sửa chữa những sai sót và vi phạm nghiêm trọng đó, Bộ luật Tố tụng hình sự đã dành một phần quy định về thủ tục giám đốc thẩm.

Thẩm quyền giám đốc thẩm

Điều 382 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị.

Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND quy định tại khoản 1 Điều 382 nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán nhưng không thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.

Khi xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia, do Chánh án TAND cấp cao làm chủ tọa phiên tòa. Quyết định của Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; nếu không được quá nửa số thành viên của Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán tán thành thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.

Những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm

Khác với phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm, tại phiên tòa giám đốc thẩm, tòa án thường không bắt buộc phải triệu tập những người tham gia tố tụng đến phiên tòa mà chỉ triệu tập đến khi cần thiết.

Theo Điều 383 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện Kiểm sát cùng cấp. Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Nếu họ vắng mặt thì phiên tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên thì phiên tòa giám đốc thẩm chỉ bắt buộc phải có đại diện VKS nhưng không bắt buộc phải triệu tập người đã bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm

Điều 388 quy định Hội đồng giám đốc thẩm khi xét xử có quyền ra những quyết định sau:

– Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;

– Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của tòa án cấp sơ thẩm hoặc tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật;

– Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại;

– Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án;

– Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật Tổ chức TAND năm 2014, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.

LUẬT SƯ NGUYỄN THẾ TRUYỀN
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ THIÊN THANH, ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI