Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tục xăm mình của người Việt có từ thời Hùng Vương.
Theo một số tài liệu xưa ghi lại, người Việt cổ xăm mình nhằm mục đích chống thủy quái.
Theo lệnh vua Hùng, người dân lấy màu xăm hình thủy quái vào người, từ đó không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có từ đó.
Theo từ điển Lễ tục Việt Nam, người Việt cổ từ 2.000-3.000 năm trước có tục xăm hình thủy quái (rồng, rắn) lên bụng, ngực, lưng, chân, tay.
Nhà Trần quy định những người trong hoàng tộc, phục dịch triều đình buộc phải xăm hình lên thân thể, coi đó như luật lệ phải thi hành.
Nhằm thể hiện quyết tâm giết giặc cứu nước, năm 1285, nhà Trần quy định tướng sĩ quân đội đều phải xăm lên mình hai chữ “Sát Thát” - giết quân Thát Đát (Mông Cổ).
Dưới triều Trần, những thành viên thuộc đội quân Thánh Dực chuyên bảo vệ xa giá đều phải xăm lên trán ba chữ Thiên Tử Quân (Quân đội Thiên Tử).
Theo sách Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần, tục xăm mình của người Việt kéo dài đến cuối thế kỷ thứ XIII, đầu thế kỷ thứ XIV mới chấm dứt.