Lý giải mối quan hệ giữa vi phạm về đấu thầu với đưa và nhận hối lộ

Từ các vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” cho thấy mối quan hệ rất chặt chẽ giữa hành vi vi phạm về đấu thầu với tội đưa và nhận hối lộ.

Mối quan hệ giữa vi phạm đấu thầu và đưa, nhận hối lộ

Vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn cho thấy, ngay sau khi khởi tố Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222 Bộ luật Hình sự) thì hàng loạt lãnh đạo cấp cao như: Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; nguyên Chủ tịch UBND Tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi,…cũng bị bắt giữ về tội Nhận hối lộ Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015. 

Mới đây nhất, vụ án tại Tập đoàn Thuận An cũng cho thấy điểm giống nhau khi các đối tượng liên quan bị bắt về tội vi phạm quy định tại điều 222, thì đồng thời cũng xuất hiện hành vi của tội Đưa hối lộ và Nhận hối lộ. 

Về mối quan hệ chặt chẽ giữa nhóm tội danh này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Giảng viên Luật hình sự Trường đại học Thuỷ lợi) cho biết, thời gian qua, các vụ án liên quan đến vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, xây dựng, khai thác mỏ…liên tục được triệt phá. 

Góc nhìn luật gia - Lý giải mối quan hệ giữa vi phạm về đấu thầu với đưa và nhận hối lộ

Nhóm đối tượng liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An. 

Điều này cho thấy công tác quản lý về đấu thầu ở nhiều nơi chưa tốt, cơ chế kiểm soát hoạt động đấu thầu chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ suy thoái tư tưởng đạo đức, bị mua chuộc dẫn đến thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước.

Những hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” thường có nguyên nhân, động cơ, tác động vật chất từ các đơn vị tham gia đấu thầu. Theo đó, các nhà thầu thường dùng tiền bạc mua chuộc hối lộ quan chức để được trúng thầu. 

Bởi vậy, thông thường các vụ án khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" thì sẽ kéo theo các tội danh là "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ". 

“Các nhà thầu có năng lực yếu kém, muốn trúng thầu thường là phải bắt tay đối với người có chức vụ quyền hạn để thông thầu, vi phạm các quy định về công khai minh bạch theo kiểu “quân xanh quân đỏ” để được trúng thầu bất hợp pháp. Khi làm rõ động cơ mục đích của hành vi vi phạm quy định về đấu thầu sẽ phát hiện được hành vi Đưa hối lộ và Nhận hối lộ”, TS Cường cho hay. . 

Theo TS. Đặng Văn Cường, chủ thể của tội danh này thường là người có chức vụ quyền hạn, thuộc các cơ quan Nhà nước khi được giao nhiệm vụ tổ chức đấu thầu đối với các loại gói thầu xây lắp, mua sắm,… Hành vi vi phạm về đấu thầu khiến cho Nhà nước không lựa chọn được đơn vị là các nhà thầu có uy tín, hoặc mua sắm phải các tài sản giá trị không tốt mà phải chi phí nhiều (do sản phậm bị đội giá). Từ đó, gây thiệt hại đến tài sản, mất uy tín của Nhà nước và không đảm bảo cạnh tranh mạnh mạnh, gây bất bình đẳng trong xã hội.

Công tác hậu kiểm cần được làm mạnh

Trao đổi với Người Đưa Tin về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu, luật sư Lê Cao (Chủ tịch Công ty Luật FDVN, đoàn luật sư Tp. Đà Nẵng) đánh giá, thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm trong hoạt động đấu thầu cho thấy một phần nguyên nhân đến từ quy định pháp luật về đấu thầu chưa được hoàn thiện. Những hạn chế  đang được khắc phục với Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). 

Thế nhưng, theo luật sư Cao, quy định pháp luật chỉ là một phần trong việc đảm bảo thực thi hoạt động đấu thầu đảm bảo minh bạch, công bằng và cạnh tranh. Luật dù có chặt chẽ, nhưng những hành vi “đi đêm” với nhau vẫn diễn ra được thì sai phạm không thể giải quyết triệt để. Câu chuyện “tỉ lệ” trong đấu thầu chẳng có gì mới, nhưng khâu kiểm tra, giám sát, rồi việc chế tài, hậu kiểm đối với công tác đấu thầu cần được làm mạnh mẽ.

Góc nhìn luật gia - Lý giải mối quan hệ giữa vi phạm về đấu thầu với đưa và nhận hối lộ (Hình 2).

Luật sư Lê Cao. 

“Nếu đấu thầu là một khâu trong chuỗi thực hiện một dự án đầu tư công, thì việc giám sát quá trình thực hiện dự án, việc kiểm tra chất lượng công trình, hàng hóa của nhà thầu có kịp thời không? Có phát hiện ra gian dối, phát hiện ra chất lượng kém hay không? Từ đó đánh vào chất lượng mới là mấu chốt”, luật sư Cao nêu quan điểm. 

Bởi theo ông, khi đó thì dù doanh nghiệp có thắng thầu nhưng đầu ra là chất lượng dự án, chất lượng gói thầu không đạt thì cũng bị “tuýt còi”. Nếu làm rắn như vậy, thì các nhà thầu không dám làm ẩu, không dám “đi đêm”, “ăn chia”, mất tiền để “chạy thầu”. 

"Do đó, cơ chế kiểm soát, kiểm tra cả quá trình thực hiện thầu được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thì đoạn trước đó người ta không dám hay không muốn “chạy thầu". Bởi, với doanh nghiệp không đủ năng lực thì họ không dám tham gia, doanh nghiệp đủ năng lực nhưng tham gia mà thua lỗ thì họ không làm, điều này góp ích cho việc có cơ chế đảm bảo luật đấu thầu được thực thi hiệu quả trên thực tế", vị luật sư nêu ý kiến.