Lẽ thường, vay nợ là phải trả. Vậy mà, nhiều con nợ cố tình đi ngược lại đạo lý này bằng cách áp dụng những chiêu trò xù nợ trên các trang mạng xã hội.
Công khai xúi người làm việc phi pháp
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, trong vòng 5 năm tới, thị trường cho vay tài chính 4.0 (chủ yếu giao dịch qua mạng internet) sẽ phát triển mạnh ở nước ta.
Tuy nhiên, đang có một rào cản rất lớn cản trở tiến trình phát triển thị trường cho vay tài chính 4.0 đó chính là sự bùng phát tràn lan các trang mạng điện tử, website xúi nhau thực hiện nhiều thủ đoạn trốn trợ bất hợp pháp được che đậy bằng những từ ngữ chung tính: Kinh nghiệm xù nợ công ty tài chính không bị khởi kiện; cách xù nợ dễ dàng; hướng dẫn cách bùng nợ 50 triệu đồng…
Người viết bài này không khỏi giật mình khi vừa tra cứu cụm từ: Kinh nghiệm xù nợ trên Cốc Cốc, ngay lập tức màn hình máy vi tính hiện lên 149.513 kết quả.
Qua kiểm tra cho thấy, các trang mạng điện tử này đã thu hút rất nhiều người vào xem (chủ yếu là người có nhu cầu vay tiền), công khai bình luận nói xấu chủ nợ và chia sẻ những điều trái đạo lý theo chiều hướng “vay tiền nhưng không muốn trả nợ và lãi”?!
Một trang website dạy kinh nghiệm trốn nợ công ty tài chính như sau: Trước tiên tắt hết thông tin liên lạc của bạn để bên công ty tài chính không gọi được; hoặc có thể sử dụng tính năng không nhận thông báo của số điện thoại lạ để không bị làm việc; thay đổi thông tin tài khoản trên mạng xã hội để không bị đòi nợ; cần đi nơi khác, không sinh sống tại địa phương…
Nội dung một website chia sẻ kinh nghiệm xù nợ công ty tài chính, một trong những chiêu trò đang được đăng tải trên MXH
Điều đáng nói, các chiêu trò xù nợ đều tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm cho chính bản thân con nợ vì xâm phạm đến các quy định của pháp luật. Nhẹ thì phải hầu tòa dân sự, nặng sẽ bị xử lý hình sự hình sự về tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (trường hợp người vay tiền có hành vi gian dối, mục đích nhằm chiếm đoạt tiền bất hợp pháp của người cho vay).
Một ví dụ điển hình, TAND tỉnh Quảng Ninh vừa tuyên phạt Nguyễn Thị Nhung 9 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoàn tài sản. Theo cáo trạng, từ tháng 7 đến tháng 10/2013, Nhung vay tổng số tiền 790 triệu đồng của nhiều người rồi bỏ trốn. Người nhà của Nhung đã trả được 35 triệu đồng, còn nợ 755 triệu đồng. Hành vi của Nhung đã phạm vào tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Khoản 4, Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cảnh báo của chuyên gia pháp lý
Luật sư Trần Văn An - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay con nợ có rất nhiều mánh khóe để trốn nợ hoặc cố tình kéo dài thời gian trả nợ.
“Bản thân tôi cũng gặp khách hàng đến nhờ tư vấn bày cách trốn nợ, kéo dài nghĩa vụ trả nợ. Tôi đã từ chối vì đây là hành vi vi phạm pháp luật”. Luật sư Trần Văn An chia sẻ.
Theo luật sư An, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xử lý những người sử dụng các trang website đăng tải thông tin dạy cách xù nợ trái pháp luật bằng Luật An ninh mạng và các văn bản liên quan. Người dân không nên tin và học theo những “kinh nghiệm” xù nợ trên các trang website này. Bởi vì, không chỉ phải trả nợ (cả gốc và lãi), con nợ có khi còn phải lĩnh án tù rất nặng vì xâm phạm đến khách thể được Bộ luật Hình sự bảo vệ.
“Không đòi được nợ đến hạn, chủ nợ hoàn toàn có quyền khởi kiện con nợ ra tòa, yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp dân sự”, Luật sư Trần Văn An phân tích.
Đánh giá dưới góc độ chuyên gia kinh tế, Luật sư Trần Đình Triển - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nêu quan điểm: “Để hạn chế tối đa vấn nạn nói trên, chúng ta phải đổi mới về mặt chính sách của Nhà nước về hệ thống của các tổ chức tín dụng, về huy động vốn và cho vay”.
Nhìn chung, các chuyên gia pháp lý và kinh tế đều có quan điểm: Trong Bộ luật Dân sự có nhiều quy định áp dụng các biện pháp bảo đảm khi thực hiện giao dịch cho vay tiền như: Thế chấp, cầm cố, ký cược… Người cho vay cần áp dụng những biện pháp này để hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay tài chính.