TPHCM đang áp dụng tất cả các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự lây lan Covid-19. Theo khảo sát, thời gian qua khoảng 600.000 lao động bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. TPHCM cũng đã hỗ trợ những người bị mất việc 1 triệu đồng/tháng. Những người bán vé số cũng được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 1/4/2020.
Trong thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức đã tổ chức cấp, phát miễn phí lương thực cho những người dân nghèo tại TPHCM. Mỗi ngày, hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm được đưa đến tay những người dân nghèo. Đây là một nét đẹp lâu đời mà người dân TPHCM đã thực hiện trong nhiều năm qua.
Để phòng ngừa việc lây lan chéo dịch bệnh trong việc phát, nhận lương thực, thực phẩm, một đơn vị doanh nghiệp tại quận Tân Phú đã đưa vào sử dụng một máy phát gạo tự động để người dân tự do đến lấy.
Người dân xếp hàng chờ lấy gạo miễn phí
Phần gạo nhỏ cho từng hoàn cảnh xuất phát từ trái tim nhân ái của ông chủ trẻ
Máy phát gạo tự động được đặt tại địa chỉ 204 đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TPHCM. Máy phát gạo sẽ được hoạt động từ ngày 6/4 đến khi dịch bệnh được khống chế và đời sống người dân ổn định trở lại.
Máy sẽ hoạt động cho đến khi hết dịch Covid-19
Hệ thống máy phát gạo tự động bao gồm 1 thùng chứa gạo, một camera nhận diện khuôn mặt, đường ống và một nút bấm để gạo tự động chạy ra. Chi phí để lắp đặt một máy phát gạo tự động khoảng 10 triệu đồng.
Quanh khu vực phát gạo, đơn vị tổ chức đã kẻ vạch cách xa 2m để người dân xếp hàng lấy gạo. Đặc biệt, hệ thống loa phát thanh tại máy liên tục nhắc nhở người dân áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.
Thùng chứa gạo đặt trên mái nhà
Chiếc nút bấm cho một phần gạo chạy ra có gắn kèm camera và hệ thống loa, trao đổi trực tiếp với người nhận gạo từ phòng điều khiển
Bộ phận giám sát sẽ trao đổi trực tiếp, có thể từ chối từ xa, khoá hệ thống khi thấy người nhận không phù hợp hay nhận quá nhiều lần trong ngày
Nhờ có đánh dấu nên người dân có thể giữ khoảng cách, không chen lấn
Mình áp dụng mô hình phát gạo tự động để có thể góp một phần nhỏ vào công việc phòng chống dịch của TPHCM và hỗ trợ cho những người chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Khác biệt so với việc phát gạo thông thường là máy sẽ phát 24/24 để tránh việc người dân tập trung một lúc đông người.
Máy phát gạo phát cả ngày lẫn đêm nên người dân cũng không phải chen lấn như phát gạo cố định một thời gian nhất định. Những lao động đi mưu sinh buổi sáng thì buổi chiều hoặc tối có thể đến đây lấy gạo và ngược lại", anh Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc đơn vị phát gạo tự động chia sẻ.
Người dân có thể đến bất kỳ lúc nào trong ngày để nhận gạo
Cũng theo anh Tuấn Anh, trong ngày đầu tiên, máy phát gạo tự động đã phát cho hơn 200 người với số lượng trên 300kg. Mỗi lần máy phát gạo sẽ phát khoảng 1.5kg. Anh Tuấn Anh đã chuẩn bị 2 tấn gạo để phát cho người dân.
Anh cũng đang kêu gọi các mạnh thường quân chung tay cùng anh lắp đặt khoảng 100 máy phát gạo tự động khắp TPHCM để cấp gạo cho người dân trong dịp dịch bệnh và sau này.
Ngày đầu tiên có khoảng 200 phần đã được phát
Anh cũng đang kêu gọi các mạnh thường quân chung tay cùng anh lắp đặt khoảng 100 máy phát gạo tự động khắp TPHCM để cấp gạo cho người dân
Trong ngày đầu tiên kêu gọi, anh Tuấn Anh đã huy động thêm được 1 tấn gạo, 100 bồn nước dùng để đựng gạo, mỗi bồn khối lượng 1000 lít. Đặc biệt, mỗi người dân chia sẻ thông tin về máy phát gạo là đã hỗ trợ 1kg gạo cho người dân, số tiền mua gạo sẽ do công ty anh Tuấn Anh bỏ ra.
Bà Nguyễn Thị Liên (47 tuổi, quê Quảng Ngãi) chia sẻ: "Mình đi bán vé số nên thời gian dịch bệnh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Nay thấy có đơn vị phát gạo nên rất vui mừng và mong ngày nào cũng được nhận gạo như vậy. Máy phát gạo cũng rất hữu ích vì nhiều khi mình bận công việc không thể đi xin gạo ban ngày thì ban đêm mình cũng đi được, rất thiết thực".
Để phòng ngừa những đối tượng xấu lợi dụng việc phát gạo tự động để trục lợi, đơn vị tổ chức đã bố trí hệ thống nhận diện gương mặt tại khu vực phát gạo. Những người lấy gạo hơn 1 lần sẽ bị nhắc nhở để nhường lại phần cho những người đến sau. Trong ngày đầu tiên phát gạo, hầu hết người dân đều ý thức trong việc nhận gạo, chưa có trường hợp một người nhận gạo nhiều lần.