Đất tứ trấn, nơi Kẻ Chợ nên người tứ xứ tìm về. Giới tinh hoa, nào học trò, Nho sĩ, kẻ may mắn đắc dụng, được bổ dụng làm quan lại. Nhưng còn cả những người về đây trong dòng lưu chuyển của cuộc mưu sinh. Thợ tài bốn phương, các phường thợ giỏi cùng tìm đến để làm ăn…
Nhà Lý, cùng việc xác lập vị thế đế đô cho đất Thăng Long, cũng đặt những viên gạch đầu tiên cho sự hình thành đô thị đầu tiên của nước. Quy hoạch cũng như đời sống đô thị dần hiện rõ. Ở phần quy hoạch, rất lớp lang, trung tâm Hoàng thành là “nơi vua ở”, chỗ thiết triều; ngoài thành là nơi dân tứ xứ tụ tập buôn bán, họp chợ.
Không chỉ khai sáng triều đại mới, thời đại mới của dân tộc, với bao công lao mở mang, nhà Lý còn được biết đến với sự nhạy bén trong hoạt động thương mại. Buôn bán sớm thịnh. Kẻ Chợ là một định danh, gắn liền với định danh đó là những chúng dân tứ xứ. Hẳn xưa, giao thông không phát triển, họ chắc chắn phải lội bộ, lỉnh kỉnh những quanh gánh, thúng mủng đựng sản vật đến trao đổi, bán mua…
Những gánh hàng rong, bắt đầu nhịp sống như thế, đã đi qua hơn 1000 năm của đời sống đô thị. Nhịp sống hiện đại, những gánh hàng rong vẫn còn hiện hữu.
Những gánh hàng rong kĩu kịt trên những con phố Hà Nội làm đậm thêm cái đẹp của phố phường xưa. Không biết ai là người đầu tiên quẩy gánh hàng rong đi bán? Nhưng tôi chắc một điều cái gánh hàng rong nhỏ bé kia có trước khi Lý Thái Tổ định đô nơi đất mới. Và những gánh hàng rong đã có một lịch sử càng thêm sôi động khi Đại La đổi tên thành Thăng Long. Nói không quá, họ chính là những người đã góp phần xác lập diện mạo của một trong “tứ dân” (sĩ, nông, công, thương) ở đời sống xã hội thuở trước.
Giả định về nguồn gốc của gánh hàng rong Hà Nội là xuất phát từ nhu cầu thương mại không có gì phải bàn cãi. Nhưng sẽ là thế nào nếu còn cho rằng nó là biến tấu của lao dịch. Đây là một điều thú vị lý giải sự sinh thành văn hóa không chỉ được thực hiện một cách tự giác mà còn là do cưỡng bức và những nhu cầu ngoại thân… Bất luận thế nào đi nữa, những gánh hàng rong đã trở thành một đặc trưng, một phần của đời sống phố xá.
Từ lúc trời còn mờ đất, các mẹ, các chị ở các làng ven đô như Bạch Mai, Ngọc Hà, Hạ Đình, Làng Cựu, Xuân Đỉnh…đã chuẩn bị xong cho một gánh hàng rong và điểm đến sẽ là các chợ Đồng Xuân, chợ Hôm – Đức Viên, Hàng Da…hoặc các điểm dân cư đông đúc nơi có nhiều thị dân thích ăn quà sáng. Giữa phố xá ồn ào, tấp nập, những gánh hàng rong đã tạo ra một nét duyên ngầm cho phố phường Hà Nội xưa. Khói từ bếp than hồng đỏ rực quyện với mùi thơm của bột gạo đã theo những tiếng dép lê tần tảo như một giai điệu lòng đều nhịp âm vang trên phố vắng.
Vào mùa đông, những gánh hàng rong còn quyến rũ hơn nhiều. Đó, đôi khi là sự mở đầu một buổi sáng cho phố xá. Người Hà Nội sành ẩm thực, khi đãi bạn thân tình thường mời đi ăn “bún gánh”.
Người Hà Nội thích ăn vặt nên hàng rong được bán suốt ngày. Cứ vào một giờ nhất định ở một ngõ nhất định lại có một gánh hàng rong đi qua. Kèm theo bước chân khoan nhặt là một tiếng rao lảnh lót. Không thấy đói mà vẫn thèm ăn như một nhu cầu tình cảm.
Dù gì thì theo cùng sự phát triển, vẫn có nhiều chuyện phải nghĩ. Gắn với những gánh hàng rong là bao phận người, bao cuộc mưu sinh. Không phải ngẫu nhiên mà hàng rong – “buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định” - lại được “chế tài” trong văn bản quản lý nhà nước. Thành phố cũng có nhiều văn bản, thực hiện nhiều giải pháp để vừa bảo đảm cho “hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định” ấy vẫn tiếp tục nhịp sống của mình, vừa không để ảnh hưởng đến trật tự văn minh đô thị. Văn minh, hiện đại là tiêu chí hướng đến, là những thành tố phải vun đắp từng ngày, từ hôm qua, hôm nay cho Hà Nội mai sau.
Hàng rong sẽ vẫn tiếp tục nhịp sống của mình. Nhưng mai này, có thể theo một cách khác, như những ví dụ thú vị ta nhìn ra đô thị các nước.
Miếng ngon ký ức “Ăn hàng” từ lâu đã là một niềm vui thú bất tận của giới trẻ. Mấy ai trong đời mà không trải qua một thời tuổi thơ với những hàng quà bánh mộc mạc? Tuổi “teen”, tuổi thần tiên hay tuổi hồn nhiên, tuổi học trò, đã có một thời được các văn nghệ sĩ gọi là “tuổi ô mai”. Ngay cả những người đã trưởng thành, đã già dặn và chai sạn với cuộc đời, đôi lúc cũng muốn tìm về cả một miền ký ức tuổi trẻ qua những món hàng rong, vỉa hè. Ăn một đĩa gỏi khô bò hay vài cuốn bò bía, có khi đó lại là một lần “Để sống thêm một lần trẻ thơ…” (nhạc Vũ Thành An) Vẫn còn đó những xe ô mai đủ các loại, những gánh cóc, ổi, mía ghim, me dầm, xoài ngâm (nghe mà chảy nước miếng). Vẫn còn đó những xe gỏi đu đủ khô bò, bánh bột chiên, bò bía hay phá lấu, những gánh xirô đá, me đường hay gánh chè… Danh sách này giờ đã có thêm những món “độc chiêu” như món bánh khoai mỡ chiên bột, bánh tráng trộn, súp cua, bạch tuộc nướng hay trà sữa trân châu… Một trong những con đường lớn của ẩm thực Việt có lẽ là đường đi của các món ăn từ nhà bếp của bà nội trợ ra vỉa hè, quán cóc rồi mới được “hàn lâm”, “chính thống” hoá bằng tiệm ăn hay nhà hàng. Thế nhưng, khi xã hội ngày một sung túc hơn, điều ngược đời là những món ăn dân dã lại ngày càng lên ngôi. Có lẽ chỉ trừ những quan chức hay giới thượng lưu, những quán cóc vỉa hè hay hàng rong vẫn là nơi đông đảo người dân lao động, và cả giới trung lưu ưa chuộng chọn ăn. Không khó để thấy hình ảnh các cô gái xinh đẹp trong đồng phục văn phòng, công sở nhưng vẫn vô tư lê la thưởng thức những món ngon vỉa hè… Và những mảnh đời phiêu dạt… Không phải chờ đến bây giờ mà ngay từ thời xa xưa như thời nhà văn Nga Chekhov, ông đã phản ảnh thân phận “ngoài cuộc”, “bên lề” của những người bán hàng rong vỉa hè… Trong tác phẩm Con tắc kè ông đã tả: “Cảnh sát viên Otsumelov mình vận bành tô mới, tay cầm cái gói, đang đi qua bãi chợ. Bước theo sau y là một người lính cẩm, tóc hung đỏ, tay xách đầy một giỏ phúc bồn tử mới tịch thu được…” Ai là những người bán hàng rong? Là những phận người phụ nữ, là mẹ, là chị, tần tảo sớm hôm cả đời để nuôi chồng, nuôi con ăn học. Là những phận đời phiêu dạt tha phương cầu thực, sống lam lũ khắc khổ để dành tiền về nuôi gia đình ở quê. Ngay cả đến những anh bán hàng miệng rao dẻo quẹo, nếu tìm hiểu kỹ, chúng ta thấy anh cũng không hành nghề bán dạo để sống cho riêng mình, mà tất cả đều lo toan cho người thân. Có nhiều người đã hy sinh cả tuổi xuân của mình cho gia đình, cho những đứa em như người chị trong một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Tiến. Tôi vẫn còn nhớ mãi câu chuyện của một vị tiến sĩ, trong hành lý của ông khi đi công tác ở nước ngoài bao giờ cũng có chiếc áo vá chằng vá đụp của bà mẹ đã mất của mình. Mẹ ông cả đời buôn thúng bán mẹt nuôi ông ăn học, đến khi ông thành tài thì bà mẹ qua đời… Xã hội của chúng ta còn biết bao nhiêu tấm gương cao cả của những người mẹ, người chị như thế, nhưng tất cả chỉ nằm trong hình hài, dáng dạng “lôi thôi”, “nhếch nhác” của những người bán rong như nhận định của không ít người quản lý phố thị. Do vậy, miếng ngon vỉa hè còn đậm vị… nhân văn. Một ngày nào đó, khi hoàn thành việc “dọn dẹp” buôn bán vỉa hè, khi không còn những gánh hàng rong, thì chúng ta sẽ làm gì? Có lẽ chúng ta sẽ khôi phục lại, sẽ đóng giả những người buôn thúng bán mẹt ấy, trong những “lễ hội giả trang”… |