Trường học là nơi trẻ không chỉ được học tập, vui chơi mà còn có thêm rất nhiều kiến thức hữu ích về cuộc sống. Tuy nhiên, trường học cũng là một môi trường tập thể, nơi rất nhiều bé học tập và vui chơi chung với nhau, do đó, trẻ sẽ khó tránh khỏi việc tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như ký sinh trùng, virus và vi khuẩn.
1. Cảm lạnh thông thường
Cảm lạnh thông thường là một trong những bệnh truyền nhiễm mà trẻ dễ bị nhất. Có hơn 20 loại virus có thể gây cảm lạnh thông thường ở trẻ em. Các triệu chứng thường gặp của bệnh này là sổ mũi, ho và hắt hơi.
Để phòng bệnh, bạn cần nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý đến chế độ ăn để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, giúp trẻ có đủ sức đề kháng để chống lại bệnh tật.
Khi trẻ bị bệnh, bạn cần để bé nghỉ ngơi, cho con uống nhiều nước. Nếu bé có các dấu hiệu nghiêm trọng, bạn cần đưa trẻ đi khám ngay.
2. Chấy rận (chí rận)
Tình trạng bị nhiễm chấy rận rất dễ xảy ra ở trường học. Cháy rận là loài động vật ký sinh, thường sống ký sinh trên da đầu và sinh sản rất nhanh.
Khi bị nhiễm, trẻ sẽ cảm thấy ngứa dữ dội kèm theo nổi mẩn đỏ do bị chấy rận tấn công. Hiện có rất nhiều loại dầu gội có thể giúp điều trị tình trạng này nhưng mẹ vẫn có thể sử dụng các biện pháp trị chấy tại nhà cho bé để đảm bảo an toàn.
Trẻ có thể nhiễm chấy rận qua tiếp xúc gần, chẳng hạn như việc dùng chung gối, khăn mặt hoặc đồ chơi, kẹp tóc… Do đó, dù bạn có phòng ngừa kỹ lưỡng đến đâu thì trẻ vẫn sẽ có nguy cơ lây nhiễm. Giải pháp cho mẹ là hãy thường xuyên kiểm tra đầu tóc của trẻ để kịp thời diệt chấy ngay khi mới bị lây nhiễm.
3. Cúm là bệnh truyền nhiễm trẻ dễ bị
Bệnh cúm thường hay bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường bởi hai căn bệnh này có một số triệu chứng khá giống nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng của cúm thường rõ ràng và nghiêm trọng hơn so với cảm lạnh. Cụ thể, trẻ bị cúm sẽ cảm thấy mệt mỏi cực độ, đau bụng, sốt và đau nhức cơ thể.
Khi bị bệnh, bạn cần cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ và uống nhiều nước. Nếu các triệu chứng không giảm bớt hoặc dần trở nên nghiêm trọng, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay.
Biện pháp để phòng cúm cho trẻ hiệu quả là mẹ nên cho con chích ngừa cúm mỗi năm, thực hành các biện pháp phòng bệnh như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang đúng cách mỗi khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc gần với những người có triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi…
4. Bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là một bệnh nhiễm trùng do virus coxsackievirus A16 và enterovirus 71 gây ra. Đặc trưng của căn bệnh này là tình trạng xuất hiện các nốt bọng nước trong khoang miệng cùng với tình trạng phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông hoặc quanh hậu môn… Ngoài ra, trẻ còn có thể bị sốt và đau họng.
Bệnh tay chân miệng do virus gây ra nên không thể dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Hầu hết trẻ nhỏ mắc bệnh thường sẽ tự hồi phục mà không gặp phải biến chứng quá nguy hiểm. Bạn vẫn có thể cho trẻ dùng thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt để giảm nhẹ các triệu chứng. Nếu con bạn mắc bệnh, bạn cần cho trẻ nghỉ học vì căn bệnh này lây lan rất nhanh và báo cho nhà trường để có các biện pháp phòng ngừa.
5. Viêm kết mạc
Viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng nhiễm trùng mắt rất thường gặp ở trẻ nhỏ trong độ tuổi đến trường. Đặc trưng của căn bệnh này là tình trạng mắt bé bị đỏ một hoặc hai bên, ngứa và chảy nước mắt liên tục. Ban đêm, mắt bé còn có thể bị chảy dịch và hình thành nên lớp ghèn khiến bé không thể mở mắt vào sáng hôm sau.
Nguyên nhân gây viêm kết mạc có thể là do virus, vi khuẩn hoặc do trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà thời gian ủ bệnh sẽ khác nhau.
Đau mắt đỏ là bệnh rất dễ lây qua tiếp xúc hằng ngày. Khi trẻ mắc bệnh, hãy cho trẻ nghỉ ngơi và đảm bảo giữ vệ sinh thật tốt để tránh lây lan.
6. Thủy đậu
Thủy đậu, hay còn gọi là trái rạ, là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan trong cộng đồng, trong đó trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất do sức đề kháng còn yếu. Căn bệnh này do một loại virus có tên khoa học là Varicella – Zoster gây ra.
Ở giai đoạn đầu, trẻ sẽ có các triệu chứng như sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn. Vài ngày sau, các nốt mụn nước sẽ bắt đầu hiện lên. Những nốt mụn nước này có kích thước từ 1 – 3mm, chứa dịch trong suốt và xuất hiện ở khắp cơ thể.
Thời gian ủ bệnh của bệnh này có thể dao động trong khoảng từ 10 đến 21 ngày. Bạn có thể cho trẻ sử dụng paracetamol để hạ sốt và kem dưỡng da calamine để ngăn ngừa ngứa và sẹo.
7. Nhiễm giun
Nhiễm giun là bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ và có thể lây lan dễ dàng từ trẻ này sang trẻ khác. Trẻ có thể bị nhiễm giun do vô tình tiếp xúc với trứng giun hoặc ăn phải những thực phẩm có chứa trứng giun. Những con giun này thường ký sinh ở ruột và đẻ trứng quanh vùng hậu môn.
Do đó nếu trẻ than hay bị ngứa hậu môn hoặc bé thường xuyên gãi khu vực này, bạn cần nghĩ ngay đến việc bé bị nhiễm giun. Nếu nghi ngờ bé nhiễm giun, bạn nên đưa bé đi khám để được bác sĩ hướng dẫn điều trị.
8. Viêm dạ dày ruột
Đây là một bệnh do virus gây ra, trẻ thường mắc phải vào những tháng mùa đông hoặc khi thời tiết trở lạnh. Triệu chứng thường gặp của căn bệnh này là nôn, buồn nôn, đau bụng hoặc thậm chí có thể bị sốt. Đôi khi trẻ cũng có thể bị đau họng hoặc sổ mũi cùng với các triệu chứng khác. Bệnh có thể kéo dài trong 3 đến 4 ngày và phải mất khoảng 1 tuần để hồi phục hoàn toàn.
Mất nước là tình trạng rất phổ biến xảy ra khi trẻ bị viêm dạ dày ruột. Để tránh tình trạng này, bạn hãy cho trẻ uống nhiều nước để giữ ẩm cho cơ thể.
9. Bệnh truyền nhiễm trẻ hay mắc phải là sởi
Đây là một bệnh nhiễm trùng có thể trở nên rất nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Căn bệnh này thường khởi phát với các triệu chứng như phát ban kèm sốt nhẹ nhưng tình trạng có thể nhanh chóng xấu đi và dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng.
Nếu bạn nghi ngờ bé đang mắc phải căn bệnh này, hãy đưa con đi khám ngay. Ngoài ra, hãy chú ý cách ly anh chị em của trẻ và thực hành các biện pháp vệ sinh để tránh lây lan.
10. Bệnh truyền nhiễm trẻ hay bị: Viêm gan A
Viêm gan A là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra và trẻ rất dễ bị lây nhiễm khi đi học. Khi bị bệnh, trẻ sẽ có các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, sốt, chán ăn và các triệu chứng khác.
Bạn cần đưa trẻ đi khám ngay nếu nghi ngờ trẻ mắc căn bệnh này. Một chế độ ăn giàu dinh dưỡng có thể giúp trẻ nhanh hồi phục. Ngoài ra, bạn cũng cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Khi đi học, việc tiếp xúc với mầm bệnh là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc bệnh bằng cách dạy trẻ giữ gìn vệ sinh thật tốt. Nhắc nhở trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Ngoài ra, bạn cũng nên dặn trẻ không nên dùng chung khăn tay hoặc đồ dùng cá nhân khác với bạn bè và không được chạm vào miệng, mũi thường xuyên. Với những biện pháp phòng ngừa đơn giản trên, bé cưng nhà bạn sẽ tránh được rất nhiều bệnh truyền nhiễm dễ lây lan trong trường học.